4 tháng qua bước vào một vai trò mới “làm mẹ” là một cảm giác vô cùng mới mẻ của Trần Dung Hạnh (21 tuổi) hiện đang sinh sống cùng ông xã Trung Quốc Steven Fan (25 tuổi) ở New Zealand. Mặc dù bị trầm cảm sau sinh, luôn thấy mình tội lỗi và luôn nghĩ mình không phải là một người mẹ tốt mỗi khi nhìn con nhưng cuối cùng Dung Hạnh đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó.
Tổ ấm nhỏ của Dung Hạnh.
Dung Hạnh (21 tuổi) đã sinh sống ở New Zealand được 7 năm nay. Năm 17 tuổi, khi làm thêm ở nhà hàng Việt, Hạnh có cơ duyên gặp ông xã người Trung Quốc cùng bạn bè đến nhà hàng. Khi ấy, Steven mới sang đây theo diện trao đổi học sinh ở Đại học Trung Quốc.
Sau một thời gian trò chuyện, Hạnh chủ động tỏ tình với Steven và cả 2 bắt đầu bước vào mối quan hệ hẹn hò chính thức. Tuy nhiên, khi đến với Steven, Hạnh được rất nhiều người bạn học ngăn cản. Họ nói Steven là dân chơi, tối ngày chỉ đốt tiền trong quán rượu, thay người yêu như thay áo, lạnh nhạt với người yêu cũ. Vì còn trẻ, mới 17 tuổi chỉ nghĩ đơn giản hẹn hò đơn thuần không tiến xa nên Hạnh mặc kệ.
“Mình là tuýp người gia đình, luôn mong muốn một mối quan hệ ổn định và dài lâu nên mỗi khi hẹn hò, mình đều hỏi họ có muốn cưới mình không? Chồng mình là người duy nhất hứa sẽ cưới mình sau khi hẹn hò một tháng. Thế nên trước sinh nhật 18 tuổi, mình có đùa là “trước sinh nhật tuổi 18 mà không hỏi cưới em là chia tay nhé”. Và đúng đêm trước sinh nhật, anh đã đến trước cửa nhà, rồi lấy nhẫn ra cầu hôn mình”, Hạnh chia sẻ.
Vợ chồng cô dự định làm đám cưới năm 2019, tuy nhiên vì có em bé bất ngờ nên vợ chồng Hạnh phải hoãn đám cưới lại mà chỉ đăng kí kết hôn. Chia sẻ về niềm hạnh phúc khi biết tin làm mẹ ở tuổi 20, Hạnh cho biết, vợ chồng cô đã chờ đợi một năm trời. Em bé đã đến trước kỷ niệm một năm ngày cưới 2 ngày như món quà chúc phúc dành cho vợ chồng cô.
Nhớ lại ngày hôm đó, Hạnh kể, khi nhìn que thử thai một vạch đậm, một vạch mờ mờ, cô đã mừng thầm nhưng khi đến khám bác sĩ, họ giúp thử thai và nói không có thai khiến cô vô cùng hụt hẫng. Chồng cô đã phải động viên rằng có lẽ do quá mong con nên nhìn ra que thử thai 2 vạch mà thôi. Thế nhưng không tin vào kết quả của bác sĩ, Hạnh quyết định đi thử máu và nhận kết quả có thai.
“Nhận kết quả xét nghiệm mình nhắn về cho chồng luôn nhưng không thấy anh ấy trả lời. Sau đấy 5 phút, nhà nội và bạn bè anh ấy đã gọi điện nhắn tin chúc mừng ầm ĩ, hoá ra anh ấy đã gọi điện đi khoe khắp nơi rồi”, Hạnh cười.
Cả thai kỳ, sức khỏe Hạnh khá yếu. Khi thai được 25 tuần, cô phải nhập viện vì nhau thai bám thấp, cần tiêm trưởng thành phổi. Sau đó, cô phải tạm dừng công việc sớm hơn dự định để ở nhà dưỡng thai. Dẫu khó nhọc nhưng lúc nào em bé cũng to hơn dự kiến dù mẹ người ốm nhom khiến Hạnh yên tâm hơn phần nào.
“Con to hơn dự kiến nên mình phải đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hai lần nhưng cả hai lần xét nghiệm đều bình thường. Cả thai kỳ mình tăng được 13kg từ 45kg lên 58kg trong khi mình không có chế độ dinh dưỡng gì, thích ăn gì thì ăn và không kiêng khem. Mình ăn tất cả mọi thứ kể cả đồ cay, trà sữa, lẩu, gỏi cá,…Chồng mình là người khá khó tính, anh quản rất chặt chế độ dinh dưỡng của mình nên mình đều lén gọi đồ ăn mỗi khi anh đi làm”, Hạnh chia sẻ.
Suốt thai kỳ, Dung Hạnh ăn uống thoải mái và tăng 13kg.
Theo Hạnh cho biết, ở New Zealand, phụ nữ mang thai sẽ không theo bác sĩ mà theo midwife (mụ đỡ), cô sẽ đến gặp bà đỡ mỗi tuần để nghe tim thai, đo vòng bụng, giải đáp thắc mắc thai kỳ, lấy giấy phép siêu âm. Ở đây có một điều khác Việt Nam là thai phụ không thể đi siêu âm nếu không có giấy phép của bà đỡ và thường sẽ chỉ siêu âm 3-4 lần, các mốc quan trọng là tuần thứ 6, tuần thứ 12 và tuần thứ 28. Nếu thai nhi khoẻ mạnh sẽ không cần siêu âm nữa. Tuy nhiên vì cô bị nhau thai bám thấp và em bé to hơn bình thường nên phải siêu âm thêm nhiều hơn.
“Ở New Zealand thường thai phụ không chọn bệnh viện mà mình ở khu vực nào sẽ sinh ở viện khu vực đó. Tất cả mọi thứ đều miễn phí ngoại trừ siêu âm. Mình phải trả khoảng $20 mỗi lần siêu âm, đó là giá được chính phủ hỗ trợ cho người dân nên rẻ hơn rất nhiều so với những người không phải thường trú niên ở đây”, Hạnh cho hay.
Mang bầu dù khó nhọc nhưng ông xã luôn quan tâm nên Hạnh cũng được cảm thấy an ủi. Những tháng cuối thai kỳ đêm nào chồng cũng phải xoa lưng, bóp chân cho cô. Bụng to khó thở khó ngủ, có những đêm cô khóc cả đêm, chồng cũng thức đêm cùng, dỗ cô ngủ dù mai vẫn phải đi làm. Tất cả những lần đi gặp bà đỡ và siêu âm chồng cũng đều cùng cô đi.
Hạnh chia sẻ, ở tuần cuối cùng của thai kỳ cô đau trở dạ sớm, đau lưng đau bụng không thể ăn nổi phải nhập viện một đêm để tiêm giảm đau. Vì tình hình dịch bệnh, ông xã không thể vào viện cùng nên khi về anh cứ thẫn thờ cả đêm ngồi cầm điện thoại chờ tin nhắn của cô.
Được biết, Hạnh đau trở dạ, tử cung mở từ 1 phân đến 10 phân trong 6 ngày. 6 ngày ấy gần như cô không ăn không ngủ được, khóc ngày khóc đêm vì đau. Thậm chí, khi cơn đau càng dồn dập, cô cũng không đi nổi phải có người đỡ vào vệ sinh. Trong khi đó, ở New Zealand, họ muốn để mọi thứ tự nhiên trước khi can thiệp nên bà đỡ chỉ liên tục dặn cô khi nào cơn đau 3 phút một lần thì nhập viện. Nhìn cô đau 1 tuần, ông xã cô vì sốt ruột, vì thương trở nên nóng tính, lúc nào cũng nói với vợ: “Cố lên vợ ơi, sau này anh không để em sinh nữa”.
Mãi sau khi quá dự kiến sinh, tử cung mới chỉ 5 phân nên bà đỡ mới đưa cô vào viện để tiêm kích đẻ. Thời điểm đó, do New Zealand đang có lệnh đóng cửa vì dịch bệnh nên cô phải vào viện một mình, chồng cô chỉ được vào khi bắt đầu quá trình sinh nở, sau đó phải về luôn.
“Khi cơn đau dồn dập hơn, bác sĩ gọi chồng mình vào viện, mình nhớ là tổng cộng thời gian mình vào viện đến lúc bắt đầu mở đủ 10 phân để rặn sinh là 12 tiếng, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mà không được phép ăn uống gì hết. Sau đó mình được bà đỡ giúp rặn sinh 3 tiếng đồng hồ, đến khi mình kiệt sức và nhịp tim thai nhi yếu dần do ngạt thì mình được đưa đi mổ cấp cứu.
Lúc đó chồng mình cảm thấy như được giải thoát vì không muốn nhìn thấy mình đau đớn thêm nữa nhưng mình lại thấy rất buồn. Mình cảm thấy mọi cố gắng những ngày qua để con được sinh thường hoá công cốc, từ lúc ký vào giấy xác nhận mổ đến lúc được đưa lên bàn mổ nước mắt mình không thể ngừng lại được. Nhưng mình cũng cảm ơn ê kíp mổ đã động viên rất nhiều, các chị y tá trẻ đều vây quanh lau nước mắt, nắm tay, trêu đùa mình để tinh thần khá hơn”, Hạnh nhớ lại.
Sau mổ, Hạnh bị co giật do truyền quá nhiều thuốc tê cả ngày. Nhìn thấy vợ như vậy, chồng cô từ chối bế em bé khi bác sĩ đề nghị, cứ nắm tay, liên tục nói với cô “vợ ơi em vất vả quá, sau này anh sẽ không bao giờ để em phải giận nữa, anh xin lỗi”. Mãi đến khi cơn co giật giảm, chồng cô mới bế con đến bên cô.
Mặc dù dịch vụ và sự chăm sóc ở New Zealand mọi thứ đều tốt nhưng ở đây coi trọng bản năng tự nhiên đôi khi cứng nhắc nên cô khá vất vả sau sinh. Do sinh mổ ít sữa, con lại háu ăn, không hợp tác trong việc bú sữa, hơn nữa lại không có người nhà ở bên đỡ đần nên sau khi sinh cô hoàn toàn kiệt sức. Chưa kể ở đây, y tá bác sĩ liên tục khuyến khích mẹ cho con bú, không muốn giúp mẹ pha sữa bột, sáng hôm sau mổ cô đã phải lò dò tự đi pha sữa cho con.
“Sau sinh mình không kiêng khem gì, ở viện đã được ăn kem, ăn bánh mì kẹp, ăn mì Ý. Mình mổ 10h tối thì 9h sáng hôm sau y tá đã giúp tháo kim truyền, chuẩn bị quần áo cho đi tắm. Sau đó mình không nằm giường mà đi lại tự pha sữa, thay bỉm cho con. Sau 2 ngày mình được xuất viện và 2 tuần sau sinh, mình đưa con đi chơi khắp mọi nơi mà không ở cữ”, Hạnh cho biết.
Hạnh bị trầm cảm vì con không chịu bú mẹ, áp lực chuyện có đủ sữa mẹ cho con bú.
Về nhà, Hạnh luyện cho con nề nếp sinh hoạt ổn định và được sự chăm sóc của bố mẹ lẫn chồng nên cô cũng đỡ vất vả hơn. Dù vậy do có sự thay đổi bên trong cô vẫn bị trầm cảm sau sinh. Cô áp lực bởi việc con ghét bú mẹ, sữa mẹ ít phải dặm thêm sữa ngoài cho con. Và cô cảm thấy tội lỗi, luôn nghĩ mình không phải là một người mẹ tốt khi con thích bú bình sữa công thức hơn bú mẹ.
Áp lực chuyện làm sao có đủ sữa mẹ cho con bú, cô càng ra sức kích thêm sữa, nửa đêm đúng 3 tiếng cô đều đặn dậy để hút sữa mặc chồng và mẹ chồng liên tục ngăn cản. Mọi người nói cô giữ tinh thần và sức khoẻ, mọi người ở nhà chồng đều chưa từng uống một giọt sữa mẹ vẫn khỏe mạnh nhưng chẳng hiểu sao cô vô cùng ám ảnh và áp lực. Cô phải đi gặp bác sĩ tâm lý để điều trị trầm cảm sau sinh khi bệnh chuyển nặng hơn.
“Khi em bé trong tháng, cứ 3 tiếng là dậy đòi sữa một lần, đêm em bé khóc mình vừa mở mắt là chồng vội can ngăn “Vợ ơi em ngủ đi, anh lo được”. Sau đó mình mơ mơ màng màng ngủ tiếp vẫn nghe thấy chồng vừa cho con uống sữa, vừa lẩm bẩm “con ngoan uống sữa rồi ngủ tiếp nha, con ngoan cho mẹ ngủ, con nhìn mẹ mệt chưa kìa”.
Sau đó mình đi gặp bác sĩ tâm lý để điều trị trầm cảm sau sinh khi bệnh chuyển nặng hơn. Và mình đã nhớ mãi một câu cô bác sĩ nói “Em bé không cần một người mẹ hoàn hảo, càng không cần một người mẹ tốt vì định nghĩa ‘tốt’ của mỗi người là khác nhau, nhưng em bé cần một người mẹ vui vẻ”, Hạnh kể.
Ông xã đỡ đần cô rất nhiều việc chăm con.
Từ đó, Hạnh quyết định mọi quyết định cho em bé, đều phải để bản thân thấy thoải mái trước, tốt cho mình trước. Cô không ôm đồm mọi việc vào bản thân nữa, cũng không cố gắng cầu toàn mọi việc. Em bé ăn no thay bỉm xong xuôi, cô sẽ để con tự chơi còn mình dành thời gian cho bản thân nửa tiếng và nửa tiếng còn lại sẽ chỉ tập trung vào chơi với con, dành thời gian massage hát hò nhảy múa với con.
Nhờ vậy mà đến giờ cô nhàn tênh trong việc nuôi con bởi con cứ ngủ đúng cữ, tự chơi, tự ngủ đêm từ sớm, hợp tác với mẹ rất tốt. Không chỉ vậy, nhờ bố mẹ đẻ thường xuyên giúp đỡ trông con, khuyến khích cô ra ngoài chơi với bạn bè, cuối tuần cùng cả nhà đi mua sắm, đi chơi, cùng chồng ăn đêm nên cuộc sống mẹ bỉm sữa của cô vẫn không khác khi còn trẻ.
Sáng nào trước khi đi làm chồng cô cũng thơm vợ con rồi mới đi làm, rồi nhắn tin quan tâm hỏi “vợ dậy chưa?”, “vợ nhớ ăn cơm nhé”, “anh nhớ hai mẹ con quá”. Chính những điều đơn giản như thế lại làm cô cảm thấy được xoa dịu rất nhiều, nhất là phụ nữ sau sinh vô cùng nhạy cảm.