Tam thai tự nhiên rất hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1/60.000 đến 1/200 triệu ca nhưng lại xảy ra ngay với gia đình chị Lan (38 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội. Theo chị Lan, để có được 3 bé trai Khoai, Bí, Bắp (gần 5 tuổi) kháu khỉnh như ngày hôm nay chị đã phải vượt qua muôn trùng thử thách, khó khăn. Câu chuyện mà chị chia sẻ dưới đây sẽ giúp các mẹ hình dung rõ hơn về những vất vả mà một người mẹ mang đa thai đã phải gánh chịu.
Chị Lan sinh ba bé trai năm 2016.
Các con từ những đứa trẻ sinh non, giờ đây đã cao lớn và rất kháu khỉnh.
Trong ngôi nhà xây kiên cố ở vùng quê ngoại thành Hà Nội luôn rộn vang tiếng cười nói nô đùa của ba em bé Khoai, Bí, Bắp. Cứ chiều đến chị Lan lại tất bật nơi góc bếp để chuẩn bị bữa cơm cho chồng con. Người mẹ ấy kể, hơn 4 năm trước chị mang bầu ba bé trai cùng một lúc, với chị đó là một thai kỳ hết sức đặc biệt với nhiều những kỷ niệm đáng nhớ.
Thời điểm nhận được tin bầu 3 thai tự nhiên chị cảm giác hoảng sợ nhiều hơn là hạnh phúc bởi vốn là người trong nghề nên chị hiểu rất rõ các nguy cơ có thể xảy đến với những phụ nữ mang đa thai. Gia đình hai bên chưa từng có ai sinh đôi, sinh 3, bản thân chị cũng không nghĩ có một ngày bản thân sẽ sinh đa thai, càng nghĩ tâm trạng chị lại càng nặng nề.
Chị nói: “Mình làm trong ngành dược nên mình biết rủi ro khi bầu đa thai, nếu thai tách muộn có thể bị dính nhau, giữa thai kỳ có thể bị truyền máu song thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, cùng vô vàn những nguy cơ khác. Tuy không bị nghén nhưng mình hay bị khó thở vì thai chèn sát lên cơ hoành. Để giữ thai mình đã phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa làm thủ thuật khâu eo cổ tử cung”.
Ba bé rất giống nhau.
Mang đa thai vất vả song chị Lan may mắn không bị nghén mà vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Chị đều đặn đến bệnh viện khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thai 28 tuần dù không có biểu hiện bất thường nhưng chị đươc bác sĩ khuyên nằm lại bệnh viện để đo cơn co và theo dõi nhịp tim bé hàng ngày.
Càng về những tuần gần cuối thai kỳ cơ thể chị càng trở nặng nề, nằm nghiêng nằm ngửa đều cảm giác khó chịu và phải nhờ tới sự giúp đỡ của chồng. “Mang thai ba mình phải cẩn thận và giữ gìn hơn, từ đi lại sinh hoạt, đến ăn uống đều phải theo tư vấn của bác sĩ. Cũng may có anh xã luôn ở bên chăm sóc, động viên nên mình cũng vượt được qua giai đoạn khó khăn nhất” – mẹ 8X nhớ lại.
Sau khi xuất viện về với bố mẹ các con tăng cân đều đặn.
Thai gần 30 tuần chị Lan bất ngờ có dấu hiệu bất thường, kết quả siêu cho thấy một ối bị vỡ, cân nặng em bé lúc đó chỉ khoảng 6 lạng. Chị Lan chợt nghĩ: “Nếu thế thì con sẽ chết mất”. Chị được đội ngũ nhân viên y tế đưa đi khắp các phòng để kiểm tra. Bác sĩ nói có khả năng đờ tử cung, băng huyết rồi cắt cả dạ con.
Sau khoảng thời gian hội chẩn gấp rút bệnh viện đã gọi gia đình chị Lan đến để trao đổi và phương án mổ cấp cứu được thống nhất ngay sau đó. Ba em bé của chị Lan đều là con trai chào đời với cân nặng lần lượt là 1,4 kg, 1,2kg và 1,1kg được bố mẹ đặt tên ở nhà là Khoai, Bí, Bắp.
3 bé trai Khoai, Bí, Bắp đều đã đến tuổi đi học.
Cả 4 mẹ con đã may mắn cán đích thành công, tuy nhiên do chào đời thiếu tháng nên các con buộc phải đưa tới buồng chăm sóc đặc biệt để theo dõi và điều trị các bệnh lý trẻ sinh non. “Nhìn các con bé xíu, đen nhẻm, da nhăn nheo, lông lá đầy mình, da dính sát vào xương, thở thoi thóp, lúc đó mình không biết con có sống nổi không. Mẹ cũng trách bản thân sức khoẻ không đủ tốt để giữ các con ở trong bụng đủ ngày đủ tháng” – chị Lan tâm sự.
Gần một tháng các con nằm viện là chừng ấy thời gian chị Lan đều cố gắng vắt những giọt sữa ít ỏi để chồng mang vào cho con. Theo lời chị Lan, ba bé phải ăn bằng đường xông thẳng từ miệng xuống dạ dày, mỗi lần con chỉ ăn được 2-5ml, cứ 2 tiếng cho con ăn 1 lần và mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ con mới uống được 5-10ml sữa nhỏ giọt vào mép.
Sau gần 30 ngày ở viện thì các bé tăng cân và được xuất viện về nhà, chị Lan mặc dù còn khó chịu với vết thương mưng mủ do dị ứng chỉ khâu nhưng chị cũng đã tập làm quen với cuộc sống bỉm sữa. Những ngày đầu chăm con sơ sinh, hai vợ chồng chị gần như không được ngủ vì sợ mải chợp mắt con sặc sữa sẽ bị ngạt.
“Lúc con mới chào đời ăn xông hoàn toàn nên con không có phản xạ mút, sau này khi xuất viện về nhà ba bé đều rất khó khăn khi bú bình. Mẹ liên tục mất ngủ vì phải thức bế nhỏ từng giọt sữa cho con. 3 bé cùng khóc quấy nên mỗi ngày đều như cực hình với người mẹ. Vì liên tục mất ngủ nên lúc nào cũng có cảm giác bước hụt. Không có thời gian nghỉ ngơi, lại vất vả nên mình stress vô cùng, 2 tháng sau sinh sữa ít dần đi và mất hẳn, các con đành phải ăn sữa công thức hoàn toàn” – chị kể.
Ba em bé rất hay cười trước ống kính.
Giờ đây các con từ những đứa trẻ sinh non đã chuẩn bị bước sang tuổi thứ 5, ba bé đều kháu khỉnh, chịu ăn, chịu chơi, sức khỏe phát triển bình thường. Nhìn nụ cười của các con, chị Lan lại có động lực nhiều hơn trên hành trình làm mẹ.
Từ hành trình mang bầu, sinh con vất vả của mình, mẹ Hà Nội chia sẻ, các trường hợp đa thai thường gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn vì vậy các mẹ đang mang thai, đặc biệt mang đa thai cần khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm, kích thích trưởng thành phổi để có một thai kỳ khỏe mạnh.