Khi mang bầu, bà mẹ nào cũng được khuyên nên đi siêu âm và khám thai định kỳ đầy đủ, đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình hình phát triển của thai nhi và sức khỏe của người mẹ. Tuy vậy, vẫn có không ít bà mẹ thiếu hiểu biết, chủ quan không đi khám thai như bà mẹ dưới đây và cuối cùng phải chịu hậu quả đau đớn.
Bà mẹ trẻ này họ Lâm (20 tuổi, sinh sống tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) mang bầu đến tuần 34 nhưng mới đi khám thai đúng 1 lần sau khi thử que 2 vạch. Khi thấy đã có tim thai, cô yên tâm về nhà và chẳng đi khám thai lần nào nữa dù bác sĩ đã dặn dò và đưa lịch khám. Những xét nghiệm quan trọng như đo độ mờ da gáy, tiểu đường thai kỳ, tầm soát dị tật thai nhi,... cũng bị bà mẹ này bỏ qua hoàn toàn. Lý do cô đưa ra là bản thận bận rộn và thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Mãi đến tuần thứ 34, khi thấy thai trong bụng không chuyển động nhiều như bình thường, cô Lâm mới đi khám thai tại một phòng khám gần công ty. Câu đầu tiên mà bà mẹ trẻ nói khi nằm lên giường khám đã khiến bác sĩ giật mình hốt hoảng: “Bác sĩ ơi, đã 11 ngày thai em không thấy con động”.
Bà mẹ trẻ đi khám thai đúng 1 lần trong thai kỳ và lần khám tiếp theo bác sĩ lập tức đưa cô lên bàn mổ.
Bác sĩ lập tức tiến hành siêu âm và nghe tim thai. Kết quả kiểm tra cho thấy không còn tim thai, huyết áp của mẹ là 180/106mmHg, tình trạng rất nghiêm trọng. Bác sĩ siêu âm lập tức gọi điện đến bệnh viện và cho cô nhập viện ngay.
Cùng lúc đó, các bác sĩ khoa sản của bệnh viện cũng họp hội chuẩn gấp. Bác sĩ trực tiếp khám cho bà mẹ họ Lâm này cho rằng thai nhi trong bụng cô đã bị chết lưu, nhau bong non và rất có thể bị tiền sản giật nặng. Vì vậy quyết định sinh mổ càng sớm càng tốt đã được đưa ra.
Bà mẹ trẻ sau đó được đẩy vào phòng mổ đẻ. Trong quá trình phẫu thuật, một thai nhi đã được đưa ra nhưng không có sự sống. Điều đáng nói là khi vừa mở bụng sản phụ ra, mùi hôi bốc lên khiến cả phòng sinh phải nhăn mặt, nước ối cũng chuyển sang màu nâu đậm, nhau thai đã bị bong 4/5, máu trong tử cung khoảng 500ml. May mắn thay chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.
Vì sự chủ quan của mình, mẹ bầu 20 tuổi này đã mất con.
Sau khi đã mất con, bà mẹ trẻ chỉ biết ôm đầu hối hận vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết của mình. Chồng cô có mặt sau đó cũng đau đớn không kém vì bận rộn mà không quan tâm đầy đủ đến vợ.
Theo bác sĩ phẫu thuật Li Ping, phó giám đốc bệnh viện Giang Tây: “Nếu sản phụ Lâm kiểm tra thai thường xuyên, phát hiện bất thường từ sớm thì rất có thể đã không xảy ra thảm kịch này”.
Mẹ bầu cần khám thai bao nhiêu lần trong 9 tháng?
Khi mang thai, cơ thể người mẹ phải trải qua nhiều biến đổi về tâm lý, nội tiết, thể chất... trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của thai kỳ. Mỗi giai đoạn này đều có những biều hiện đặc trưng, đôi khi những biểu hiện này xuất hiện muộn hoặc không xuất hiện, và cũng có thể xuất hiện suốt thai kỳ.
Vì vậy, việc khám thai theo từng thời kỳ, siêu âm đúng giai đoạn thích hợp sẽ giúp các bác sĩ đánh giá được sức khỏe của mẹ và kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường của bé.
Theo các bác sĩ, khi mang thai, mẹ bầu nên đi khám, siêu âm thai 7 lần để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân mình và con yêu.
- Lần đầu tiên: Vào thời điểm sau khi biết có thai. Khoảng 6 tuần từ ngày kinh cuối cùng, bác sỹ sẽ kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa, có tim thai chưa và thai có bình thường hay không
- Lần thứ 2: Đến tuần thứ 12, thời điểm quan trọng để bác sỹ đo độ dày da gáy và xác định một số dị tật bẩm sinh sớm ( thoát vị rốn, khe hở thành bụng, thai vô sọ).
- Lần thứ 3: Vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Lần khám này có thể kiểm tra sự phát triển của con yêu một cách toàn diện. Các bác sỹ đã có thể xác định giới tính của thai nhi vào thời điểm này. Những thông số trên siêu âm cũng đồng thời giúp đánh giá xét nghiệm sàng lọc trước sinh và có thể phát hiện thêm những dị tật thai nhi mà những tuần trước đó chưa có biểu hiện.
Khám và siêu âm thai đầy đủ rất quan trọng với mẹ bầu và thai nhi.
- Lần thứ 4: Khám thai vào tuần thứ 22 nhằm kiểm tra, siêu âm hình thái quan trọng nhất, giúp phát hiện hầu hết các bất thường hình thái thai và xét nghiệm nước tiểu.
- Lần thứ 5: Vào tuần thứ 26, siêu âm thai giúp phát hiện ra bất thường của cả 2 mẹ con và đây cũng là thời điểm tiêm phòng uốn ván.
- Lần thứ 6: Tuần thứ 32, các mẹ bầu cần khám, theo dõi, siêu âm để đánh giá trọng lượng thai, xét nghiệm nước tiểu, máu loại trừ đái đường thai ngén và tiêm phòng uốn ván mũi 2. Nếu thai có trọng lượng lớn hoặc nhỏ quá, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp sinh thường/sinh mổ cho mẹ bầu.
- Lần thứ 7: Vào tuần thứ 36, lần khám này mẹ sẽ được kiểm tra kỹ tình hình thai nhi, xét nghiệm dịch âm đạo, dự đoán về cân nặng của thai nhi và dự định về phương pháp sinh, ngôi thai, tình trạng nhau thai.... Các thông số của lần khám này được dùng để sử dụng khi mẹ nhập viện, chuẩn bị sinh.
Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai.