Trong thời gian mang thai, hiện tượng phù chân tay hay mặt mũi khá phổ biến do cơ thể mẹ tích nước và lưu lượng máu tăng lên. Tuy nhiên, đôi khi phù chân cũng là dấu hiệu của những căn bệnh hay biến chứng nguy hiểm nên mẹ cần phải chú ý và đi khám để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp như bà mẹ dưới đây.
Ngày 28-4, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết vừa cứu sống sản phụ (37 tuổi, ngụ Long An) bị suy tim, tăng áp động mạch phổi. Trước đó, sản phụ B.T.T.K. mang thai tuần thứ 27 nhập viện trong tình trạng khó thở, phù chân, lượng oxy trong máu giảm.
Chị K. cho biết sức khỏe hoàn toàn bình thường, chị theo dõi sức khỏe tại bệnh viện địa phương và không phát hiện bệnh tim mạch. Triệu chứng khó thở, phù chân xuất hiện vào khoảng 2 tuần trước nhập viện. Đây là lần mang thai đầu tiên, chị và người nhà tưởng rằng các triệu chứng này thường gặp trong mang thai nên chủ quan không đi khám, đến lúc nặng hơn mới đến bệnh viện kiểm tra.
Chị K. cho rằng phù chân là hiện tượng thường gặp khi mang thai nên không đi khám. (Ảnh minh họa)
Kết quả siêu âm tim cho thấy sản phụ bị tăng áp động mạch phổi, suy tim nặng, có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị tích cực, có thể phải chấm dứt thai kỳ để cứu sống sản phụ. Trước nguyện vọng giữ lại thai nhi của gia đình, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa để tìm ra phương án tối ưu cho cả mẹ và bé.
Sau hội chẩn, sản phụ được chuyển đến Khoa Nội tim mạch để điều trị nội khoa, sau đó được chuyển sang Đơn vị Gây mê Hồi sức phẫu thuật tim mạch với đầy đủ phương tiện để theo dõi tình trạng mẹ và mổ lấy thai. Tại đây, sản phụ diễn tiến nặng phải nằm tại giường và được các bác sĩ động viên, theo dõi nhất cử nhất động của thai nhi để cùng chị nuôi em bé đến khi chào đời ít rủi ro nhất.
Với sự phối hợp liên chuyên khoa nhịp nhàng của các y bác sĩ và sự đáp ứng điều trị tốt của sản phụ, sau hơn 30 ngày điều trị tích cực, đến tuần thai thứ 31, sản phụ được mổ bắt con thành công. Bé trai nặng 1,4 kg chào đời, được chuyển đến chăm sóc tại Khoa Sơ sinh. Sau mổ lấy thai, sản phụ tiếp tục được kiểm soát các biến chứng suy tim, suy thận được kiểm soát hiệu quả và đã được xuất viện trong tình trạng ổn định. Em bé được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh thêm 3 tuần trước khi xuất viện.
Đến nay, chị K. và em bé đều khỏe mạnh. Hiện chị K. tiếp tục được tái khám đều đặn để cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị K. hạnh phúc khi qua nguy kịch và đón con từ Khoa sơ sinh.
Chị K. xúc động chia sẻ: “Vợ chồng em lấy nhau 6 năm rồi mới có con. Em lại bị bệnh nặng mà không biết. May mắn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc và cố gắng giữ lại con, điều trị cho em qua được cơn nguy kịch. Em mong rằng các chị em trước khi mang thai hãy nên tầm soát kỹ, không phải rơi vào tình trạng nguy hiểm như mẹ con em”.
TS-BS Trần Nhật Thăng, Trưởng Khoa Phụ sản BV ĐHYD khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần được kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai và những tháng đầu thai kỳ. Trường hợp phát hiện có các bệnh nền, sản phụ cần được lên kế hoạch phối hợp liên chuyên khoa ngay từ đầu và xuyên suốt thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Ngay khi có các dấu hiệu bất thường, sản phụ nên được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý, tránh diễn tiến nặng như chị K. vừa rồi.