Mẹ thay bỉm, con khóc thét, ngỡ ngàng phát hiện đây là dấu hiệu bệnh gây tàn tật suốt đời

Trật khớp háng bẩm sinh nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là ở các bé gái. Bệnh này có thể gây khó khăn cho việc sinh đẻ khi bệnh nhân đến tuổi trưởng thành.

Cứ thay bỉm là con quấy khóc, mẹ bất ngờ khi biết con mắc bệnh bẩm sinh

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 50-70 bệnh nhi đến điều trị phẫu thuật vì bị trật khớp háng bẩm sinh. Theo tiến sĩ Đức, đây chỉ là một con số rất nhỏ. Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc căn bệnh này là khoảng 1/800-1/1000 (cứ 800-1000 trẻ sinh ra, có 1 trẻ mắc bệnh). Điều đó cũng có nghĩa nhiều trẻ chưa được phát hiện, đang phải sống chung với căn bệnh này.

Tại khoa Chỉnh hình Nhi, nhiều trẻ được phát hiện và đưa đến khi đã lỡ thời gian vàng điều trị, hoặc trước đó điều trị chưa đúng cách dẫn đến không ít những hệ lụy đối với sức khỏe.

Cháu Phương Vy phát hiện bị trật khớp háng lúc đã 2,5 tuổi.

Cháu Phương Vy (2,5 tháng tuổi) đang được chăm sóc sau 3 ngày thực hiện phẫu thuật trật khớp háng tại khoa Chỉnh hình Nhi. Cùng phòng với Phương Vy, còn có 3 bệnh nhi khác cũng mới được phẫu thuật vì căn bệnh này. Chị Phương (mẹ cháu Vy) cho biết, con chị từ khi sinh ra cho đến nay ăn uống, cân nặng hoàn toàn bình thường so với lứa tuổi.

Khi cháu Phương Vy bắt đầu tập đi, gia đình phát hiện vai bị lệch hẳn sang một bên, khi biết đi hẳn cháu lại có biểu hiện như bị chân thấp, chân cao nên đã đưa vào viện thăm khám và được bác sĩ kết luận bị trật khớp háng bẩm sinh.

Nhận được kết quả, chị Phương khá bất ngờ. “Nghe bác sĩ nói thì tôi mới nhớ lại, trước đây khi cháu còn nhỏ mỗi lần thay bỉm cho cháu hoặc cho cháu đi vệ sinh, cháu rất hay khóc. Tôi còn tưởng cháu ăn vạ mẹ, hóa ra đó là biểu hiện bệnh mà tôi không biết”, chị Phương chia sẻ.

Ngoài trường hợp của cháu Phương Vy, tiến sĩ Đức chia sẻ cũng có không ít trẻ đã đi chữa ở cơ sở khác nhưng lại bị trật khớp trở lại, lúc đó mới đưa đến BV Nhi Trung ương để xử lý.

Rất nhiều trường hợp bị trật khớp háng không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt sau này.

“Đây là trường hợp trẻ đã 5 tuổi, ở Hưng Yên. Trước đó được chẩn đoán trật khớp háng và đã phẫu thuật ở một cơ sở y tế lớn tại Hà Nội. Sau phẫu thuật trẻ bị trật khớp háng lại, khi đó gia đình mới đưa đến BV Nhi Trung ương.

Qua thăm khám, chúng tôi nhận định đây là trường hợp khá khó khăn vì các tổ chức xơ dính nhiều. Trong ổ khối khớp háng có nhiều thành phần cản trở như sụn viền, dây chằng tròn, dây chằng ngang, sự bất tương xứng giữa chỏm xương đùi và ổ khối…

Trường hợp này chúng tôi phải dùng đinh để cố định chỏm và ổ khối. Sau 3 tuần bệnh nhi được rút đinh, nhưng do mổ lại lần 2 nên việc tập phục hồi chức năng cho trẻ khó khăn hơn, các cơ yếu hơn… May mắn đến thời điểm này khớp không bị trật lại, nhưng chắc chắn khớp sẽ bị cứng hơn”, tiến sĩ Đức chia sẻ.

Chú ý quan sát để nhận biết bệnh của con

Tiến sĩ Hoàng Hải Đức cho biết, tới nay trật khớp háng bẩm sinh chưa có nguyên nhân rõ ràng. Qua nghiên cứu, giới chuyên môn chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây nên bao gồm: phụ nữ sinh con lần đầu, thai ngôi ngược, thiếu ối, gia đình có tiền sử bị trật khớp háng…

Thai ngôi ngược khi chào đời cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến trật khớp háng.

Đối với trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh, tiến sĩ Đức cho rằng khi mới sinh ra sẽ rất khó phát hiện. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu gợi ý, các phụ huynh khi chăm sóc con cần chú ý, đó là:

- Sự chênh lệch chiều dài của chi (chân);

- Nếp lằn dưới da ở mông, đùi với bên bị trật khớp háng sẽ ít hơn;

- Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng;

- Khó khăn trong việc thay bỉm, tã, quần;

- Khi trẻ lớn bị lệch vai 1 bên, chân đi tập tễnh;

- Bên chân bị trật khớp háng sẽ yếu hơn …

“Để nhận biết sớm thì việc sàng lọc qua siêu âm, qua lâm sàng ở các bệnh viện sản nhi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa thật sự được chú trọng. Vì thế, quá trình chăm sóc sự quan sát, chú ý của bố mẹ có ý nghĩa quyết định việc phát hiện con bị bệnh sớm hay muộn”, tiến sĩ Đức chia sẻ.

Tiến sĩ Đức cho biết phát hiện trật khớp háng càng sớm thì điều trị càng hiệu quả.

Đưa đến viện sớm, đừng bỏ qua “thời gian vàng” điều trị

Về điều trị căn bệnh trật khớp háng bẩm sinh, tiến sĩ Đức khẳng định: “Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm”. Thực tế, từ năm 2016 đến nay khoa Chỉnh hình Nhi đã điều trị cho gần 300 ca, tỷ lệ chữa khỏi đạt gần 99%. Chỉ có 4 trên gần 300 ca bị trật khớp lại hoặc phải mổ lần 2.

Theo đó, trật khớp háng có thể điều trị ngay từ khi trẻ còn ở trong độ tuổi sơ sinh bằng cách nẹp nhằm dạng khớp háng để có thể hồi phục. Còn từ 3 đến 6 tháng, đa số trẻ mắc bệnh cũng chưa cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ cần bó bột và theo dõi.

Trẻ từ 6 đến 18 tháng, điều trị trật khớp háng phải kết hợp với bó bột và cắt cơ kép cho trẻ. Đặc biệt trên 18 tháng thì phải phẫu thuật mở khớp, bao khớp, dây chằng, bao đùi…

Với trẻ trên 3 tuổi thì có thể phải cắt xương chậu để tạo hình ổ khối, có thể phải cắt xương đùi vì khi đó xương đùi trẻ dài làm cho dây thần kinh và mạch máu bị căng.

Hiện nay Việt Nam điều trị trật khớp háng không thua kém gì các nước phát triển, nhưng chi phí lại ít hơn rất nhiều.

“Việc đưa ra chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng, lứa tuổi và cơ địa của mỗi trẻ. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng, trẻ càng lớn thì việc can thiệp càng khó khăn”, bác sĩ Đức cho hay.

Ngoài ra, tuy vào từng trường hợp cụ thể chi phí điều trị trật khớp háng bẩm sinh cũng khác nhau. Tiến sĩ Đức cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương chi phí điều trị chỉ giao động trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ca. Bởi vậy, nhiều trường hợp đưa con ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên đến 400-500 triệu đồng là hết sức lãng phí.

“Thực tế trình độ, tỷ lệ thành công, phương pháp điều trị trật khớp háng tại BV Nhi Trung ương không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Thậm chí là có những ưu điểm vượt trội.

Ví dụ một số nơi vẫn áp dụng phương pháp mổ cũ ở nếp lằn bẹn với chiều dài vết mổ lên đến 8-12cm. Lý do là các bác sĩ phải mổ rộng để lấy xương chậu tự thân, để ghép tạo hình ổ khối cho trẻ.

Còn vết mổ của chúng tôi chỉ 4-6cm, tùy vào độ tuổi của trẻ. Hiện chúng tôi tiến hành tạo hình từ xương đồng loại để ghép và tạo hình ổ khối cho người bệnh. Với vết mổ nhỏ, trẻ hồi phục nhanh hơn, đỡ mất máu hơn, đỡ tổn thương thần kinh, mạch máu và có tính thẩm mỹ hơn”, bác sĩ Đức phân tích.

Cuối cùng, bác sĩ Đức một lần nữa khuyến cáo phụ huynh hãy quan sát để sớm phát hiện bệnh, đưa trẻ đi điều trị sớm nhằm hạn chế tốn kém và đạt hiệu quả điều trị cao.

Đối với trẻ đã được phẫu thuật, phụ huynh cần tập vận động cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, không nên cho trẻ vận động mạnh sau khi phẫu thuật được 3-5 năm, vì đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị trật khớp háng trở lại.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp háng
Theo Lê Phương (thoidaiplus.giadinh.net.vn)