Chị Bùi Thị Hà My (Ihara Hamy) được biết đến là một “hot mom” trên mạng xã hội với những bài viết chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng giáo dục sớm tại Nhật đang được nhiều mẹ Việt quan tâm.
Hiện chị đã là mẹ của 3 em bé: Quốc Thái (5 tuổi) Thục Linh (3 tuổi) và Chiêu Hoà (1 tuổi). Hà My sang Nhật được gần 3 năm sau khi chị sinh em bé thứ hai. Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống hôn nhân của chị có thể gọi là viên mãn vì không có quá nhiều trở ngại.
Chồng chị tuy là người Nhật nhưng sống ở Mỹ nhiều năm nên cũng không phải là kiểu đàn ông Nhật điển hình. Anh là hiệu trưởng một trường mầm non ở Nhật. Vì làm giáo dục nên anh luôn đặt con trẻ làm trọng tâm, gia đình là trên hết. Ngoài giờ làm việc thì luôn dành thời gian cho con, giúp đỡ việc nhà cho vợ.
Nhật Bản vốn được biết đến với những phương pháp nuôi dạy con sớm vô cùng nổi tiếng, vậy nên khi sinh sống tại đây chị Hà My cũng học hỏi được những điều tích cực trong cách nuôi dạy con của người Nhật.
Những cú sốc tâm lý đầu tiên của bà mẹ trẻ khi sang xứ người
Sự khác nhau trong lối sống, thói quen giữa người Nhật và người Việt dẫn đến phương pháp tư duy – dạy con cũng có nhiều khác biệt. Cũng vì lẽ đó mà trong khoảng thời gian đầu vừa sang Nhật, chị Hà My đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong vấn đề tâm lý.
Chị chia sẻ: “Hồi mới sang Nhật vì chưa có bạn bè nên có thời gian gần như mình trầm cảm. Lúc đó cũng chưa biết lái xe ô tô nên chỉ ở nhà với con nhỏ. May mà mỗi ngày đi làm về chồng mình đều hỏi: Hôm nay vợ mình có ổn không? Có vui không? Rồi anh ấy cố gắng giúp đỡ vợ. Giờ mọi thứ đã ổn vì mình đã quen và có thể sống như một người Nhật trên đất Nhật rồi. Vì ở Nhật không có sự chênh lệch giàu nghèo quá cao, nên với mức thu nhập ở mức bình thường, mình cũng không gặp thêm nhiều áp lực về kinh tế.
Về chuyện con cái, mỗi tối sau khi ăn cơm xong, vợ chồng mình sẽ ưu tiên cho con trước. Mình đánh răng cho con, chơi cùng con hoặc đọc sách, sau đó cho con ngủ. Khi con ngủ rồi thì chồng mình mới dậy rửa chén. Lúc này là thời gian của riêng mình: Học tiếng Nhật, đọc sách hay làm việc... Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ là tụi mình cho con lên giường đọc sách và đi ngủ, kể cả lúc đi du lịch thì cũng cố gắng trong khoảng thời gian này. Trẻ con cần ngủ đủ, ngủ chất lượng để có một khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng và hoàn hảo.”
Gia đình của chị Hà My hiện đang sinh sống và làm việc tại Hokkaido, Nhật Bản.
Có quá nhiều điều khác biệt khi nuôi dạy một đứa trẻ tại Nhật
Theo thông tin từ chị Hà My, hiện nay Nhật Bản và Việt Nam có rất nhiều cách khác biệt trong việc giáo dục một đứa trẻ.
Thứ nhất, trẻ con Nhật không uống sữa nhiều như Việt Nam. Trẻ ở Việt Nam vì cha mẹ muốn con cao lớn thông minh như hươu cao cổ nên cho trẻ uống sữa cho đến 7,8 tuổi, nhưng ở Nhật sau khi trẻ ngưng bú sữa mẹ không cần uống sữa nữa, mẹ Nhật cung cấp dinh dưỡng cho con thông qua các bữa ăn.
Trẻ con Nhật được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì xem TV, có thể vì vận động nên thế hệ trẻ Nhật bây giờ cao hơn so với chiều cao trung bình của Châu Á nói chung.
Thứ hai, ở Nhật có nhiều khu vui chơi cho mẹ và bé miễn phí, những khu này được điều hành bởi cơ quan địa phương hoặc là của một trường mầm non ở địa phương. Ví dụ như ở các trường mầm non dù là trường tư nhưng cũng được chính phủ hỗ trợ một phần để thành lập một câu lạc bộ cho mẹ và bé.
Tại Nhật, câu lạc bộ này dành cho các bé từ 0-4 tuổi, những em bé này chưa đi học chính thức thì mẹ có thể cho bé đến đây chơi giao lưu cùng các mẹ khác, tham gia các hoạt động như một lớp học ở trường, chỉ khác là lớp học này có cả mẹ tham gia. Vậy nên các bé có nhiều chỗ để chơi, gặp gỡ nhiều người chứ không bị bó buộc hay hạn chế chỗ chơi như ở Việt Nam.
Thứ ba, khái niệm gia đình ở Nhật chỉ gói gọn trong gia đình nhỏ một thế hệ, ông bà nội ngoại không nằm trong phạm vi gia đình. Vì vậy việc nuôi dạy chăm sóc con cái cũng không có sự tham gia nhiều của ông bà, hoặc nếu có chỉ là số lượng ít.
Điều này vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm. Ưu là vì ông bà không can thiệp quá nhiều vào việc nuôi dạy của mình. Quan điểm dạy con của mỗi người mỗi khác nhau, mỗi thế hệ cũng có sự chênh lệch về quan điểm. Ở Việt Nam các mẹ hay lo lắng về việc nuôi dạy con của mẹ chồng, mẹ vợ, bị ông bà chê con ốm con gầy, chê mẹ không biết nuôi không biết dạy nên con mới thế... Điều này hoàn toàn không xảy ra ở Nhật.
Nhưng cũng có nhược điểm chính là do sự tự lập và không muốn xâm phạm cá nhân của người khác mà làm cho khoảng cách gia đình từ ông bà không thật sự gần gũi như ông bà ở Việt Nam. Ông bà ở Việt Nam thì thương cháu hơn con và sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ kể cả tài chính.
Thứ tư, ở Nhật, cha mẹ luôn để con cái là trung tâm, là nguyên nhân cho mọi hoạt động. Vào ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, gia đình sẽ dành toàn thời gian cho con.
Nếu có tham gia bất kỳ sự kiện, hoạt động nào thì cũng tập trung vào một mục đích duy nhất là cho con, vì con: Cho con trải nghiệm, cho con gặp gỡ bạn bè hay đến một nơi nào đó vì con... Chứ không phải chỉ là các buổi uống cà phê gặp gỡ bạn bè của cha mẹ sau đó đưa cho con điện thoại, ipad để con giữ yên lặng.
Người Nhật có sự rạch ròi trong công việc, nếu là gặp gỡ đối tác thì sẽ là các cuộc gặp trong giờ hành chính, cuối tuần là thời gian cho con cái và gia đình.
Thứ năm là về sự kỷ luật, do người Nhật tôn trọng riêng tư cá nhân, nên từ nhỏ các con đã được dạy phải tôn trọng người khác và giữ lịch sự nơi công cộng.
Chị Hà My kể lại: “Lần đầu đến Nhật khi đi ăn nhà hàng mình đã rất ngạc nhiên vì sự tĩnh lặng của các gia đình dù có con nhỏ vẫn ngồi nghiêm túc, không ồn ào, không quấy khóc. Có một lần trên tàu điện một em bé 2 tuổi đang quấy khóc không chịu lên tàu, người mẹ đành nói với nhân viên nhà ga là để cô ấy xuống và sẽ đi chuyến tiếp theo.
Cô ấy đưa con ra ngoài và hai mẹ con nói chuyện, cô ấy ôm cậu con trai bé nhỏ trong lòng và thủ thỉ điều gì như thần chú. Hình ảnh đó khắc sâu trong đầu mình và ảnh hưởng đến mình rất nhiều trong quá trình nuôi dạy ba con. Mình tự nhủ sẽ cố gắng làm một người mẹ tử tế không phải là thiên lôi.”
“Gia tài để lại cho con không phải là của cải mà là những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu”
Gia đình chị Hà My có mở một trường mầm non ở rừng nên vợ chồng chị luôn đề cao sự trải nghiệm của con trẻ cùng thiên nhiên. Nhờ một khoá học về giáo dục của Đan Mạch, vợ chồng chị đã hiểu sâu sắc tầm quan trọng của thiên nhiên trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, sức khoẻ và năng lực của con trẻ. Vậy nên chị luôn cho con cơ hội được trải nghiệm thiên nhiên bất cứ khi nào, không sợ lấm bẩn.
Cuối tuần nếu không có điểm nào để đi chơi thì rừng luôn là chọn lựa của chị để đi dạo cùng các con. Theo chị, các hoạt động cho con về với thiên nhiên vừa để con rèn luyện đôi chân, giải phóng năng lượng, vừa để dạy con về các loại thực vật ăn được, không ăn được, hay kể về các loài hoa, các loài bò sát mà con tìm kiếm được ở trong rừng.
“Mỗi trải nghiệm dù tốt hay xấu đều ảnh hưởng và khắc ghi trong tiềm thức khi con lớn lên. Vì thế, gia tài mà cha mẹ để lại cho con không phải là của cải mà chính là tiềm thức về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Vậy nên tụi mình luôn cố gắng để con có được những ký ức đẹp mà thôi”. Chị Hà My tâm sự.
Ngoài ra chị Hà My cho con tự lập từ rất sớm bằng các việc như: Từ lúc một tuổi các con đã tự ăn uống và tự chọn phần ăn của mình, tự làm vệ sinh cá nhân hay tự chọn quần áo, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh đại tiện lúc 3 tuổi...
Chị cho biết thêm: “Các con giúp mình dọn đồ chơi, dọn bàn ăn trước và sau khi ăn, thay quần áo để đúng chỗ, thỉnh thoảng bé lớn tham gia làm bánh nấu ăn cùng mẹ. Mình cho con làm những việc con muốn trên tinh thần tự nguyện không ép buộc.
Riêng việc dọn đồ chơi thì đôi lúc con lười không dọn, mục tiêu của mình là muốn con chia sẻ việc nhà và có trách nhiệm ở nhà, hoàn thành trách nhiệm của con. Vậy nên những lúc con lười thì ba mẹ sẽ giúp cùng con dọn dẹp để con có thể cố gắng hoàn thành mục tiêu đến cùng. Đó cũng là cách mà người Nhật dạy con kiên nhẫn và không từ bỏ.”