Người xưa thường nói “đàn bà đi biển mồ côi một mình” là chỉ tình trạng các bà mẹ sẽ phải trải qua trong phòng sinh. Một mình chịu đựng đau đớn, một mình sinh con, một mình hạnh phúc nhìn con vừa chào đời vì chồng không được phép bén mảng vào khu vực sinh sản.
Ngày nay, các bệnh viện như đã hiểu được tâm lý của sản phụ nên đã bắt đầu đưa dịch vụ phòng sinh gia đình vào khoa sản. Mục đích của phòng sinh gia đình là để các mẹ bầu không cảm thấy cô đơn khi “vượt cạn” vì luôn có chồng ở bên cạnh. Song, thực tế thì có nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra sau khi ông chồng chứng kiến cảnh vợ sinh con.
Chị Trần Thiên Hương (48 tuổi, quê Vũng Tàu, hiện đang sống ở Houston, Texas, Mỹ) đã chia sẻ lại kỉ niệm đi sinh như vậy trong chương trình Chat với mẹ bỉm sữa.
Chị Thiên Hương hiện đang sống tại Houston, Mỹ.
Chị Hương sang Mỹ định cư từ năm 1996, hơn 1 năm sau thì mang thai. Hành trình bầu bí của chị rất suôn sẻ. Trong suốt thai kỳ, chị Hương luôn vui vẻ, đọc nhiều sách, nghiên cứu về các phương pháp nuôi dạy con trong từng giai đoạn phát triển.
Thấm thoắt cũng đến ngày "khai hoa nở nhụy". Nếu như hành trình vượt cạn với nhiều chị em là những đau đớn, nước mắt thì chị Hương khẳng định: "Đi sinh vui lắm". Do đã tìm hiểu trước qua sách vở nên chị nắm rõ từng bước trong quá trình sinh con, nhờ đó mà mọi thứ đến với chị cũng nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt trong lần đi sinh con gái lớn, chị Hương đã gặp phải một tình huống "dở khóc dở cười".
"Khi nằm trên bàn sinh, mình hít bằng mũi, thở bằng miệng giúp cơn đau giảm đi. Ông xã cũng vào phòng sinh cùng mình, đứng bên cạnh bóp tay, tiếp sức cho vợ. Tuy nhiên, khi mình đang cố gắng đưa em bé ra ngoài thì bất ngờ thấy chồng ngất xỉu, ngã lăn ra đất.
Anh ấy khiến mình lo lắng quên cả đau đẻ. Mình gắng gượng ngồi dậy hỏi: "Anh ơi, anh có sao không?". Thấy thế bác sĩ nói: "Anh ấy không sao đâu, em cứ lo đẻ đi". Một lát sau thì em bé chào đời, và chồng mình cũng tỉnh lại", chị Hương nhớ lại.
Ông xã đã ngất xỉu khi cùng chị Hương vào phòng sinh bé đầu lòng.
Sinh xong, điều đầu tiên chị Hương làm là nhìn xem con có đầy đủ các bộ phận trên cơ thể hay không. Cảm giác được làm mẹ, nhìn thấy thiên thần bé bỏng chào đời khiến chị vô cùng hạnh phúc và chỉ muốn ôm mãi con vào lòng.
Sau sinh, chị Hương chỉ ở cữ đúng một tháng, sau đó lập tức quay lại với công việc. Chị có một tiệm may, sửa quần áo ở Houston. Mẹ chồng của chị từ Úc sang Mỹ phụ con dâu việc chăm cháu. Mặc dù mỗi khi đi làm đều rất nhớ con, nhưng lúc về nhà, chị Hương không lập tức ôm con hay bế ẵm mà chỉ để con nằm trong nôi rồi ngồi cạnh đưa nôi cho bé. Chị lo nếu bế nhiều, con quen hơi mẹ, quen bế ẵm thì chị sẽ rất khó để có thể đi làm. Sau 6 tháng, mẹ chồng về Úc, chị Hương đã đưa con đến tiệm, vừa làm việc, vừa chăm sóc em bé.
Hai con của chị Hương giờ đã lớn và đều giỏi giang, ngoan ngoãn.
Chị Hương sinh hai con đều nhẹ nhàng và sau sinh luôn chủ động tự chăm con. Quan điểm nuôi dạy con của chị cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ khi luôn dạy các bé tiếng Việt từ nhỏ để không quên cội nguồn của mình. Nhờ được dạy dỗ khéo léo, hai con của chị Hương đều trở thành những người ưu tú. Cả hai bạn từng vinh dự nhận được bằng khen của Tổng thống Mỹ về thành tích học tập và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.