Một năm học mới lại bắt đầu. Bố mẹ hẳn đều có chung tâm trạng vừa nhẹ nhõm khi con đến trường đi học, nhưng cũng có cảm giác bị "đeo gông vào cổ" mỗi tối kèm con học bài. Bởi phải ngồi cạnh trông con làm bài tập rồi mới biết có những tình huống mà người bình tĩnh, kiên nhẫn đến mấy cũng phải "tăng xông". Điều này giải thích vì sao những bức ảnh "1 hoàn cảnh triệu tâm trạng giống nhau" đang được các bố mẹ lan truyền như vũ bão những ngày gần đây.
Cái khung cảnh kèm con học quen thuộc lắm và cái cảm xúc bực bội đến đỉnh điểm khi nói mãi con không hiểu, nhắc mãi cũng không chịu tập trung, không nỗ lực được như con nhà người ta... giống nhau lắm. Quý phụ huynh nào khi nhìn thấy những bức ảnh này chắc cũng phải đồng cảm sâu sắc đến mức phải bật cười haha vì thấy bóng dáng mình trong đó:
Đôi tay này chắc đã "nhuốm máu" không ít lần. Khiến bố cũng không thể tin chính mình được nữa, buộc phải giam chặt nó lại kẻo làm đau đến con.
Cậu bé này chắc cũng không hiểu mẹ đang làm gì. Nhưng người khác thấy ảnh thì mừng cho cậu, vì mẹ cậu đã mượn ngăn đá tủ lạnh thay vì cái roi để hạ hỏa.
Có những người chưa từng kèm con học hoàn toàn có thể đứng ngoài cho rằng "việc gì mà phải căng thế? Học không học thì thôi", nhưng người ở trong cuộc mới hiểu được nỗi niềm. Bởi phía sau việc khắt khe với con như vậy là rất nhiều áp lực khi phải đối mặt với kết quả học tập của con, lo lắng cho tương lai của con và nhìn sự chểnh mảng vô kỷ luật của con, thời gian có hạn của bố mẹ và có khi còn là kỳ vọng cao của bố mẹ, muốn con mình "bằng bạn bằng bè" hoặc nổi trội. Nhưng liệu việc ép buộc như vậy có thực sự tạo ra hiệu quả?
Hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận để lại dưới những bức ảnh. Hầu hết đều cười rũ rượi vì thấy đồng cảm: "Thật giống với nhà mình! Trong nhà có gì dùng nấy!", "Đầu năm học đừng mua đồ dùng học tập làm gì vội, chuẩn bị roi trước tiên", "Con chọn đi! Học hay roi?", "Ai kèm con học hộ tôi với...", "Mỗi tối kèm con học là một nhiệm vụ kinh hoàng", "Không biết đến bao giờ mới thoát kiếp kèm con học đây"... Cũng không ít người nhớ thời tuổi thơ chung hoàn cảnh bị bố mẹ kèm học theo cách tương tự. Họ cho rằng bố mẹ từng thành công trong việc dạy dỗ mình, nên bây giờ mình áp dụng lên đời con cũng có truyền thống "cha truyền con nối".
Cầm cho tiện, có gì đỡ mất công đi tìm.
Con trai cũng có "áo giáp riêng" khi học bài. Quan trọng nhất vẫn là bảo vệ cái đầu.
Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng dạy con học như vậy chỉ có tác dụng ngược. Việc sử dụng khi dạy con học chỉ khiến con rơi vào tình trạng phẫn uất, gây ức chế và chán ghét việc học. Bố mẹ có xu hướng sử dụng đòn roi ngày càng tăng lên, con sẽ càng "lì đòn" và đến một lúc đòn roi cũng không còn tác dụng nữa. Đứa trẻ cũng không còn cảm giác vào tình yêu mà bố mẹ dành cho mình, khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa ra. Chỉ một vài lần đòn roi có tác dụng nhưng lại để những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến nhân cách và việc học hành trong tương lai của con.
Chọn đội cái nồi lên đầu vậy rồi chỉ cần bố "boong" một cái chắc phải long trời lở đất mất thôi!
Chỗ của con là ở cái bàn học này. Năm học mới sắm cái còng là chắc chắn nhất. Bố mẹ thoải mái giải quyết chuyện riêng.
Phương án chắc chắn nhất để rèn luyện một "thiên tài" dính chặt với bàn học. Gậy Như Ý nhưng lại có tác dụng của vòng kim cô.
Dù thế nào, việc đồng hành cùng con trong cuộc sống và học tập vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của người làm bố mẹ. Những tình huống tiêu cực hay cảm giác "tăng xông" vốn thật dễ hiểu và ai cũng có thể gặp phải hàng ngày, thậm chí dồn nén trong thời gian dài. Nhưng bố mẹ hãy học cách kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình để có một năm học mới thật hạnh phúc đối với con. Vì suy cho cùng, điều bố mẹ cần nhất vẫn là con vui vẻ, xây dựng được sự tự tin nội tại trong con.