Trong quá trình vượt cạn, cơ thể người phụ nữ bị rút cạn năng lượng và cần có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục. Ngoài ra, sinh con xong cơ thể mẹ lại phải tích lũy nguồn dinh dưỡng để tạo sữa cho con bú. Chính vì vậy ông bà xưa mới có quan niệm bà đẻ phải ở cữ, tránh ra ngoài nắng gió, ăn uống đồ "lành dạ".
Vậy nhưng thật "kém vui" nếu mẹ sinh con ngay trước dịp Tết Nguyên đán và phải ở cữ trong những ngày này. Thế là chẳng còn xúng xính áo váy, tóc tai chải chuốt, cũng không được ăn uống thoải mái bánh chưng, giò chả, mứt Tết, lại càng không có chuyện đi “countdown” hay du xuân tưng bừng như “hồi trẻ” nữa rồi.
Vậy các mẹ sau sinh cần chú ý kiêng cữ, ăn uống sinh hoạt thế nào trong dịp Tết để giữ sức khỏe, đảm bảo chất lượng sữa cho bé bú mà vẫn vui vẻ.
Tết Nguyên đán cũng là dịp gia đình sum họp, bạn bè gặp mặt nên chắc chắn không thể thiếu những bữa liên hoan. Bên cạnh đó, ngày Tết nhà nào cũng tràn ngập những món ăn truyền thống như bánh chưng, đồ nếp, đồ muối,... Tuy hiện nay bác sĩ khuyên mẹ sau sinh nên ăn uống đa dạng nhưng cũng cần nhớ những nguyên tắc sau.
Những món nên ăn:
- Các loại hạt: Hướng dương, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười hay hạnh nhân: axit béo có trong dầu của các loại hạt này được đưa vào sữa mẹ chính là “thực phẩm vàng” cho sự phát triển trí não và mắt của bé mới sinh. Ngoài ra, các loại hạt này cũng không gây béo. Tuy nhiên mẹ nên lựa chọn cẩn thận, mua ở địa chỉ uy tín tránh các loại chất bảo quản.
- Gạo lứt, bánh quy và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt: đây là nguồn chất đạm, vitamin nhóm B và chất xơ vô cùng tốt cho cho hai mẹ con. Những món này còn tốt hơn cơm gạo tẻ, nên mẹ có thể thay đổi thực đơn ở cữ bằng cơm gạo lứt và các loại bánh ngũ cốc này cho đỡ ngán.
Mẹ sau sinh nên ăn đa dạng, đầy đủ các loại thực phẩm.
- Canh/súp với nấm và rau củ: vừa có hương vị thanh mát dễ ăn, các loại nấm và rau củ lại cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và acid folic giúp mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh và sản xuất nguồn sữa vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng cho bé.
- Trái cây: chuối, kiwi, dâu tây, đu đủ chín… vừa lợi sữa, giảm mệt mỏi cho mẹ, lại đưa vào sữa nhiều vitamin C giúp kháng viêm, tăng đề kháng, giảm các nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh.
- Sữa chua và phô mai: Canxi là dưỡng chất không thể thiếu với mẹ bầu và mẹ mới sinh, tuy nhiên khi uống sữa tươi thì một số mẹ lại gặp vấn đề về tiêu hóa. Với các loại sữa chua và phô mai cứng thì mẹ có thể yên tâm thưởng thức để nạp canxi và lợi khuẩn mà không cần lo lắng về cái bụng nhé.
Những món không nên/hạn chế ăn:
- Thức ăn cũ/ lạnh: Cơ thể người mẹ mới sinh còn yếu ớt nên cần tránh ăn các loại thực phẩm, đồ ăn để qua đêm… Những đồ ăn này có thể làm mẹ bị tiêu chảy hoặc đầy hơi.
- Bánh chưng, bánh tét: Bánh chưng, bánh tét là những là món cung cấp lượng dinh dưỡng khá lớn với các nguyên liệu chính là gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ. Nếu bạn thường xuyên ăn hai loại bánh này trong dịp tết, cơ thể sẽ phải tiếp nhận một lượng lớn calo trong thời gian ngắn và tự phản ứng lại bằng việc đầy hơi, khó tiêu gây khó chịu. Tình trạng này cũng có thể gây ức chế làm giảm tiết sữa khiến nguồn sữa cung cấp cho bé bị thiếu hụt. Ngoài ra, nếu sau sinh bạn có dấu hiệu thừa cân quá mức hay bị bệnh tiểu đường cũng nên "tránh xa" hai loại bánh này.
Bánh chưng, bánh tét là đặc sản ngày Tết nhưng mẹ sau sinh không nên ăn nhiều.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Ngày Tết cổ truyền, gia đình nào cũng "tích trữ" rất nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hun khói, xúc xích, thực phẩm đóng hộp,... Khi ở cữ, chị em hoàn toàn không cần kiêng giò, chả. Tuy nhiên, bạn nhớ lưu ý chọn địa chỉ mua uy tín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì những món này thường chứa nhiều hàn the, chất bảo quản.
- Rượu bia, nước ngọt: Rượu, bia, trà hay cà phê bạn đều nên kiêng trong suốt thời gian ở cữ, đặc biệt là những mẹ cho con bú. Cồn hay caffein đều có thể truyền qua sữa mẹ khiến bé bú vào có hiện tượng mất ngủ, quấy khóc và hay cáu gắt. Nước uống có ga, nước ngọt có chứa hàm lượng đường cao, dễ dẫn đến bệnh tiểu đường đồng thời là nguyên nhân gây đầy bụng, chướng bụng ở bà mẹ sau sinh.
Nếu ở cữ dịp Tết, có lẽ mẹ sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà. Tuy nhiên dù vậy mẹ cũng hãy cố gắng chăm chút cho vẻ ngoài của mình gọn gàng, chỉn chu để đón họ hàng, khách khứa đến thăm hỏi, chúc tết. Dưới đây là những món mẹ bỉm nên mua khi đi "sắm đồ mặc Tết":
- Áo ngực cho con bú: loại áo lót dễ mở từ đằng trước rất thuận tiện mà lại kín đáo, giúp mẹ dễ dàng cho con bú mà không phải ngại ngùng lúng túng.
- Áo sơ mi, váy liền: Mẹ bỉm không nhất thiết phải mặc pyjama, đặc biệt là trong ngày Tết. Áo sơ mi, áo oversize hoặc váy liền rộng rãi thoải mái là lựa chọn giúp mẹ vừa xinh đẹp vừa khỏe khoắn hơn. Mẹ nhớ chọn chất liệu vải mềm và thoáng, có khóa hoặc khuy cài phía trước để tiện việc cho con bú.
Loại áo ngực cho con bú sẽ rất tiện lợi và kín đáo hơn cho mẹ.
- Miếng lót thấm sữa: Đây sẽ là cứu tính giúp mẹ thoát khỏi tình trạng áo xống loang lổ, người nồng mùi sữa. Thuận tiện nhất là loại miếng lót thấm sữa dùng một lần, dán vào mặt trong của áo ngực. Ngoài ra còn có miếng lót bằng vải để có thể giặt và tái sử dụng nữa mẹ ạ.
- Son dưỡng có màu: Tuyệt nhất là những loại làm từ nguyên liệu thiên nhiên như sáp ong, dầu dừa và tạo màu bằng quả gấc, củ dền... Bà đẻ ở cữ thì cũng vẫn phải xinh đẹp chứ! Có thể mẹ không có thời gian để make up ngắm vuốt hàng nửa tiếng trước gương như xưa, nhưng đừng quên bỏ ra vài chục giây để thoa chút son cho môi xinh tươi tắn.
Ngày Tết là những ngày chế độ sinh hoạt bị "đảo lộn". Bạn bè, khách khứa thường xuyên đến thăm cũng có thể khiến giấc ngủ của mẹ và bé bị gián đoạn cộng với việc thức đêm chăm con khiến sức khỏe của mẹ suy yếu dẫn đến suy nhược cơ thể. Do đó, mẹ cần cố gắng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nhờ thêm sự hỗ trợ của chồng và người thân trong gia đình để đảm bảo sức khỏe.
Mẹ sau sinh rất dễ bị tủi thân, suy nghĩ tiêu cực nên cần được gia đình động viên, chăm sóc kịp thời. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần cũng là vấn đề cần được quan tâm ở mẹ sau sinh. Ngày Tết, mẹ phải kiêng khem đủ thứ trong khi thực đơn của gia đình lại tràn bánh, thịt… có thể khiến mẹ bầu nảy sinh tâm lý so sánh, chán nản. Thêm vào đó, việc mọi người bận rộn chuẩn bị lễ Tết, du xuân, ăn uống đầu năm trong khi mẹ chỉ có thể quanh quẩn trong phòng bé, thiếu sự quan tâm, hỏi han của gia đình nội ngoại cũng là nguyên nhân gây ra tâm lý tủi thân ở mẹ mới sinh.
Mẹ mới sinh rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của người thân trong gia đình.
Sau khi sinh, các mẹ cũng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khả năng chịu đựng kém. Nếu điều kiện ở cữ không đủ tốt hoặc phải làm việc nhiều khiến mẹ mệt mỏi, thậm chí có thể gây trầm cảm sau sinh.
Vì thế, mẹ nên mở lòng mình hơn, tìm cơ hội tâm sự, trò chuyện với mọi người đồng thời tự chủ trong việc nghỉ ngơi, ăn uống tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Mẹ cũng có thể tế nhị nói chuyện với người thân để điều chỉnh sinh hoạt của cả nhà một cách hợp lý, giúp mẹ dễ bắt kịp nhịp sống của đại gia đình, từ đó tìm ra tiếng nói chung, tránh cảm giác cô đơn, tủi thân trong những ngày đầu năm mới.