Nam sinh phải bỏ học vì nghiện game
Hiện nay, nghiện game rất phổ biến, nhất là trong giới trẻ vì nhu cầu sử dụng internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. BSCK II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức Khỏe Tâm Thần, BV Bạch Mai) cho biết, những trường hợp nghiện game nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ths.BS Nguyễn Thành Long (Phòng M7, Viện Sức Khỏe Tâm Thần - BV Bạch Mai) cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam thanh niên tên 22 tuổi ở Hà Nội bị nghiện game.
Bác sĩ Long cho biết, trường hợp bệnh nhân Quyền là bị tái nghiện do sự quản lý, điều trị chưa triệt để trước đó.
Bệnh nhân tên Vũ Mạnh Quyền, đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội và chưa từng có hành vi nghiện chất kích thích. Bố mẹ Quyền ly hôn từ khi con học năm lớp 7, hiện bệnh nhân ở cùng mẹ và thường được mẹ chiều chuộng. Quyền vốn được đánh giá là người vui vẻ, hoà đồng. Kể từ khi bố mẹ ly hôn, bệnh nhân bắt đầu chơi game và ngày càng thích thú, dần dần chơi cả ngày lẫn đêm.
“Bệnh nhân dành toàn bộ thời gian rảnh để chơi game, trung bình chơi khoảng 10-12 tiếng/ngày, có khi bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay uống nước tăng lực. Dù được mẹ khuyên bảo nhưng Quyền không nghe, hay cáu gắt, cãi lại mẹ thậm chí có lúc đánh mẹ vì bị cấm chơi game”, bác sĩ Long thông tin.
Chơi game quá nhiều ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tâm thần của trẻ. (Ảnh minh họa)
Vài năm trước, vì chơi game quá nhiều, Quyền bỏ hết những thói quen cũ, kết quả học tập giảm sút nhưng may mắn vẫn thi đỗ đại học. Tuy nhiên, khi đi học đại học, nam sinh đã chuyển ra ở trọ cùng bạn bè, thời gian chơi game càng nhiều hơn. “Khi cô giáo phát hiện biểu hiện bất thường mới báo gia đình đưa đi khám. Con tôi đã được điều trị ở một bệnh viện tâm thần, dù có thuyên giảm nhưng không đáng kể. Hiện cháu nghỉ học để điều trị”, mẹ Quyền chia sẻ.
Theo bác sĩ Long, khoảng 2 tuần nay, mẹ Quyền tịch thu máy thính không cho con chơi game online khiến bệnh nhân cáu gắt, chửi lại mẹ, bồn chồn bứt rứt, cả ngày chỉ nghĩ cách có máy tính để chơi game, thậm chí trốn ra ngoài các quán. 2 ngày trước khi vào viện, tình trạng của bệnh nhân nặng lên, đêm ngủ kém, chỉ khoảng 2-3 tiếng, ít ăn uống kém nên được mẹ đưa đến gặp bác sĩ.
“Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online, rối loạn cảm xúc hành vi, rối loạn giấc ngủ… Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm xúc hành vi ổn định hơn, cải thiện mối quan hệ với mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện và hẹn tái khám”, bác sĩ Long chia sẻ.
Theo bác sĩ Ngọc, ngoài tiếp cận sớm với internet thì còn nhiều yếu tố nguy cơ khác khiến trẻ dễ bị nghiện game.
Nguy cơ mắc bệnh khi chơi game quá 4 tiếng/ngày
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc cho rằng, ngoài vấn đề tiếp xúc thường xuyên với internet và các thiết bị điện tử, có nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nghiện game, như xung đột tâm lý ở tuổi thanh thiếu niên; thiếu địa điểm vui chơi; tự ti về bản thân; sự hấp dẫn của trò chơi; môi trường thiếu sự quản lý của gia đình…
Do vậy, theo bác sĩ, để hạn chế được tình trạng nghiện game thì cần phải quyết các nguyên nhân và các yếu tố tác động như đã nói trên. Đó là quản lý thời lượng chơi game, với ngày thường chỉ được chơi 1 tiếng, cuối tuần có thể tăng lên 2 tiếng. Những trường hợp chơi game quá 4 tiếng trở lên, kèm theo ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, từ bỏ thói quen sinh hoạt tốt; mất ngủ thường xuyên; ảo tưởng, rối loạn tâm lý... thì cần nghĩ ngay đến vấn đề bệnh lý để đưa đi khám sớm và được can thiệp và điều trị kịp thời..
Ngoài ra, cần cải thiện môi trường sống như tăng cường hoạt động vui chơi, các mối quan hệ xã hội và gia đình. “Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Quyền, rõ ràng yếu tố gia đình có tác động rất quan trọng tới việc nghiện game, đó là việc bố mẹ ly hôn. Do vậy, sự quan tâm và quản lý của cả bố và mẹ rất quan trọng”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.