Bản thân tôi là một cô gái đi lên từ nghèo khó, gia đình sinh sống ở quê xưa kia cái ăn còn chẳng có nói chi đến những thứ lụa là xa hoa. Cũng chính vì thế mà tôi luôn muốn ra thành phố, vươn lên thoát nghèo.
Tôi may mắn lấy được người chồng cùng chí hướng, nhà anh ở Hà Nội nhưng anh cũng có đam mê kinh doanh, làm ăn và kiếm tiền lắm. Chính vì thế chỉ 2 năm sau khi lấy nhau, vợ chồng tôi đã xây dựng được một công ty nhỏ về kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu, từ những đồ dùng gia đình cho đến những mặt hàng dùng cho công ty lớn.
Chồng tôi giỏi giang nên phát triển công ty lớn mạnh hơn, dần dần hai vợ chồng mua được 3 căn nhà ở Hà Nội và một vài mảnh đất ở tỉnh lẻ, bên cạnh đó là xe hơi cũng có đủ cả. Tuy nhiên song song với điều đó, vợ chồng tôi cũng không có quá nhiều thời gian dành cho nhau và dành cho con cái. Chồng tôi phải đi công tác thường xuyên còn tôi thì ở nhà vừa quán xuyến công ty vừa lo nội ngoại đôi bên và chăm sóc cậu con trai năm nay lên 5 tuổi.
Thậm chí những ngày lễ như thế này, chồng cũng nay họp mai hành rồi đi công tác nước ngoài suốt, tôi mặc dù ở nhà thì cũng trăm công nghìn việc. Hai vợ chồng chủ yếu liên lạc với nhau qua điện thoại, một tuần chỉ gặp nhau vài ba bữa hoặc những buổi tối. Mặc dù vậy, tôi vẫn vô cùng tin tưởng chồng và nghĩ anh là một người đàn ông tốt, chung thủy.
Nhiều người vẫn hay bảo tôi chồng điển trai lại tài giỏi thì phải tìm cách giữ chân ở nhà chứ không nên cho đi công tác nhiều như thế. Ngẫm thấy mọi thứ cũng đúng như vậy thật, khi có tiền rồi nhu cầu của con người cũng khác đi, vì vậy tôi bắt đầu lo sợ khi thấy chồng suốt ngày chỉn chu, quần áo là lượt và luôn khất cơm tối ở nhà. Thậm chí trong những ngày lễ 30/4, 1/5 này mọi người sum vầy thì anh nói không có thời gian đưa hai mẹ con về quê hay đi chơi mà có hẹn với đối tác trước đó rồi.
Đang mải mê suy nghĩ với những mớ tưởng tượng ra cảnh anh phản bội mình, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn chuyển khoản. Người chuyển tiền cho mình lại là chồng, anh chuyển khoản cho tôi hẳn 2 tỷ kèm theo một lời nhắn "Anh xin lỗi".
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi liền lập tức gọi điện để hỏi xem anh chuyển tiền gì và vì sao lại xin lỗi. Tuy nhiên lúc đó anh liên tục cúp máy và không nghe điện thoại.
Tôi hoang mang vô độ khi nghĩ chẳng nhẽ anh đã có người khác và muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này, tôi ôm con và bật khóc nức nở.
Một lúc sau, số điện thoại của chồng gọi về, tôi liền nhấc máy. Anh nói:
- Anh vừa họp nên không tiện nghe máy. Anh vừa chuyển khoản cho em 2 tỷ đó em nhận được chưa.
- Tiền gì đó anh, sao nhiều thế này?
- Hai mẹ con lấy tiền đó mà đi chơi lễ, mua cho con những món đồ con thích, cho con ăn những món ngon nhé chứ nhà mình bây giờ cũng có khó khăn nữa đâu mà em liên tục than "nhà mình nghèo lắm" với con làm gì. Tội thân thằng bé, hôm qua nó điện cho anh và nói "xin lỗi" anh đó. Nó nói xin lỗi bố mẹ, vì con mà bố mẹ phải vất vả đi làm, mẹ nói nhà mình nghèo lắm, không có tiền mà con cứ đòi hỏi nhiều thứ. Thế nên ngày lễ, anh không ở nhà với hai mẹ con được, anh xin lỗi, anh chuyển tiền để hai mẹ con đi vui chơi ngày hôm nay. Mai anh về với hai mẹ con nhé.
Những lời anh nói giúp tôi hiểu ra mọi chuyện, đau đớn và ân hận vô cùng vì vừa nghi ngờ chồng mình lại có cách giáo dục chưa đúng với con. Tôi vẫn giữ quan điểm phải dạy con sống "khổ sở" để bé không vòi vĩnh quá nhiều nhưng có lẽ, đó cũng không phải là một điều tốt.
Đôi khi cũng chỉ vì tôi quá bận rộn mà lấy cớ "nhà mình không có tiền" để không đáp ứng nhu cầu của con mà không nghĩ rằng đứa trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ câu nói đó của mẹ.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
"Nhà mình nghèo lắm" hẳn là câu nói quen thuộc của khá nhiều bậc phụ huynh khi nuôi dạy con cái. Nhiều người cho rằng đưa ra lý do gia đình nghèo, không có tiền để không thể đáp ứng những nhu cầu mua sắm của con cái là cách giúp đứa trẻ không còn vòi vĩnh, mè nheo, dạy con bằng cuộc sống thiếu thốn để trẻ trải nghiệm những thiếu hụt vật chất, phải bắt đầu bằng những công việc bình thường để đi đến thành công.
Tuy nhiên không phải lúc nào việc nói "nhà mình không có tiền" cũng là cách giáo dục con cái đúng đắn, thậm chí nếu áp dụng quá nhiều, sai trường hợp còn gây nên những tác động tiêu cực đến trẻ, thậm chí là "hủy diệt" một cuộc sống của đứa trẻ.
- Tạo nên một đứa trẻ tự ti, nhút nhát
Những người không có tiền đi đến đâu cũng thường nhút nhát, thiếu tự tin hơn so với những người có điều kiện về kinh tế. Tương tự như vậy, đứa trẻ thường xuyên được nghe bố mẹ nói những câu về chuyện nghèo khó trong tiền bạc sẽ khiến bé hình thành lối suy nghĩ "nghèo khổ", không muốn đụng vào, sờ vào những món đồ mà mình yêu thích. Bởi đơn giản trẻ hiểu rằng bản thân không có tiền thì không được ước mơ và không được sờ vào những thứ đó. Tự ti quá lâu về bản thân có thể khiến trẻ không thể vươn lên được.
- Tâm lý không muốn cố gắng
Việc từ chối mua món đồ gì đó cho con vì bố mẹ không có tiền sẽ hình thành tính tiết kiệm, không chi tiêu hoang phí cho trẻ. Song song với đó cũng có thể hình thành lối suy nghĩ an phận đối với mỗi đứa trẻ. Theo đó trẻ chỉ cần suy nghĩ mình không có tiền thì mình không mua món đồ đó. Và món đồ đó thực chất mua về cũng lãng phí. Như vậy thì đúng là tốt nhất không nên mua. Từ đó trẻ không biết cách phấn đấu, tìm cách để đạt được những thứ mình thích, không biết phấn đấu trong cuộc sống.
- Thiếu trách nhiệm
Cuộc sống khắc khổ vì không có tiền bạc được bố mẹ định trước trong tiềm thức của trẻ từ đó đứa trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần lấy lý do không có kinh tế, tài chính là có thể giải quyết được tất cả mọi việc. Từ đó trẻ sẽ thiếu đi tính trách nhiệm của chính bản thân mình. Không có tiền nên không cần đi học, không có tiền thì không cần mua quần áo đẹp, không có tiền thì không cần đi chơi...
Việc yêu cầu, đòi hỏi của con trẻ với các bậc cha mẹ là điều bình thường nên việc cần làm của cha mẹ là nỗ lực làm việc để có điều kiện kinh tế tốt nuôi dạy con cái. Tuy nhiên cha mẹ cần cho con biết rằng vật chất không phải là tất cả của hạnh phúc, để có được những thứ mình muốn, bản thân mình phải phấn đấu và nỗ lực.