Mặc dù bác sĩ vẫn luôn khuyến khích các sản phụ nên sinh thường để nhanh chóng hồi phục, song trong một vài trường hợp bất khả kháng thì sinh mổ lại là lựa chọn hợp lý để đảm bảo an toàn cho cả bà mẹ và em bé. Để quyết định cho mẹ bầu sinh thường hay sinh mổ, bác sĩ thường sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố như sức khỏe người mẹ, tình trạng của em bé, vị trí nhau thai… Nhưng có vài trường hợp chỉ cần nhìn bụng bầu thôi, bác sĩ đã quyết định cho sản phụ sinh mổ luôn.
Đang mang thai ở tháng thứ 8 nên trông bụng của Tiểu Lan khá to, cân nặng của cô cũng tăng lên gần 20kg. Vì thấy sức khỏe mình cũng ổn nên mẹ bầu rất muốn được sinh thường. Tuy nhiên ở tuần 39, khi Tiểu Lan nói muốn sinh tự nhiên nên nhờ bác sĩ đỡ sinh cho, thì bác sĩ đã vén bụng của cô lên ngắm ngía và lắc đầu bảo: “Hình dạng bụng của cô phải sinh mổ. Không thể sinh thường được đâu, vì vậy, cô hãy chuẩn bị tinh thần cho ca mổ”.
Bản thân muốn sinh thường, nhưng bác sĩ lại nhìn bụng rồi phán phải đẻ mổ khiến Tiểu Lan khó hiểu (Ảnh minh họa).
Nhìn xuống bụng mình, Tiểu Lan thấy nó như một quả bóng lơ lửng. Bởi nhìn từ phía sau thì không thấy bụng đâu, còn nhìn từ bên cạnh thì bụng lại phình to và nhô hẳn ra phía trước. Thế nhưng, vì lý do gì mà cô không thể sinh thường được. Mang thắc mắc đi hỏi bác sĩ, Tiểu Lan nhận được lời giải thích như sau:
Bụng bầu “lơ lửng” là kiểu mẹ bầu có phần bụng nhô ra hướng về phía trước mà không tràn sang hai bên. Vì vậy, nếu nhìn từ phía sau sẽ khó có thể nhận ra người này đang mang thai vì hai bên hông không có quá nhiều mỡ thừa, cũng không có mỡ thừa ở thắt lưng.
Bụng bầu lơ lửng xảy ra khi tư thế thai nhi to, đa ối hoặc cơ bụng của người mẹ lỏng lẻo. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho ca sinh, bác sĩ thường khuyên sản phụ nên sinh mổ (Ảnh minh họa).
Thông thường, khi thấy bụng của thai phụ có hình dạng lơ lửng như một quả bóng như thế này thì bác sĩ đều khuyên nên từ bỏ ý định sinh thường mà chuyển qua sinh mổ vì:
- Bụng lơ lửng thường đi kèm với tư thế thai nhi không chính xác, thai nhi thừa cân và đa ối. Đây đều là những yếu tố cản trở thai nhi đi vào khung chậu trong quá trình chuyển dạ. Từ đó khiến cho quá trình sinh nở kéo dài và tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Bụng lơ lửng cũng có thể là do cơ bụng của người mẹ quá lỏng lẻo gây ra. Trong khi đó, nếu sinh thường, sản phụ sẽ phải dùng sức mạnh của cơ bụng để “đẩy” em bé ra ngoài suôn sẻ. Cho nên việc cơ bụng yếu cũng khiến việc sinh con kéo dài, từ đó cũng làm các biến chứng có nguy cơ xảy ra cao.
Nói tóm lại, khi trước khi lâm bồn, các mẹ bầu nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về việc nên sinh thường hay sinh mổ. Đồng thời hãy làm theo lời bác sĩ hướng dẫn bởi suy cho cùng thì cả mẹ bầu và bác sĩ đều có chung một mục đích là ca sinh diễn ra suôn sẻ và thuận lợi, mẹ tròn con vuông.