Ốm nghén là một trong những "nỗi ám ảnh" lớn nhất đối với phụ nữ mang thai. Mỗi người lại có kiểu nghén và thời gian nghén khác nhau nhưng nói chung nó đều đem lại sự khó chịu, mệt mỏi cho mẹ bầu. Với bà mẹ dưới đây thì nghén thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh khiến cô không dám mang thai thêm một lần nào nữa.
Stacey Teakle (hiện 30 tuổi, sống tại xứ Wales) cùng chồng đã rất hạnh phúc khi phát hiện mang bầu bé đầu lòng vào đúng sinh nhật 28 tuổi. Nhưng cô không hề biết rằng 9 tháng thai kỳ tiếp theo thực sự như "sống trong địa ngục" chỉ vì... ốm nghén.
Stacey gặp tình trạng ốm nghén nặng khi mang thai bé đầu lòng.
Stacey gặp các triệu chứng ốm nghén tương tự nhiều mẹ bầu khác như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, không ngửi được mùi mạnh,... Tuy nhiên những triệu chứng này "hành hạ" cô gấp 10 lần người khác. Stacey nôn liên tục không ngừng khiến cơ thể kiệt sức, chỉ có thể nằm trên giường. Thậm chí cô còn không thể tự tắm và phải để chồng vệ sinh cơ thể cho mỗi ngày.
Stacey đã phải nhập viện tổng cộng 6 lần trong suốt thai kỳ. Bác sĩ cho biết Stacey gặp phải triệu chứng Hyperemesis gravidarum (ốm nghén nặng). Lần đầu tiên là khi cô mang thai 6 tuần nhưng bác sĩ cũng không thể can thiệp mà chỉ cho mẹ bầu thuốc giảm nôn. Khi không còn nôn nhiều, cô được cho về nhà.
Cô nôn liên tục, bị mất nước và ảnh hưởng đến tim do ốm nghén nên phải nhập viện tới 6 lần.
"Con gái là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với tôi, nhưng việc mang thai của tôi thật tồi tệ. Có những ngày tôi đã nôn tới 60 lần và tay run rẩy đến mức không cầm nổi cốc nước. Việc ốm nghén còn ảnh hưởng đến gan, thận của tôi. Nồng độ kali giảm thấp cũng khiến tôi bị đau tim. Dù lo cho con nhưng tôi buộc phải dùng rất nhiều các loại thuốc để có thể giữ cho mình sống sót. Tóm lại sau 9 tháng mang thai, tôi sút khoảng 20kg và kiệt quệ hoàn toàn", Stacey chia sẻ lại những khó khăn khi mang thai.
May mắn thay dù Stacey rất khổ sở nhưng em bé trong bụng lại phát triển hoàn toàn khỏe mạnh. Cô nói: "Có thời điểm, tôi uống tới 19 loại thuốc một ngày. Tôi đã rất lo việc đó có thể ảnh hưởng đến con trong bụng nhưng may thay mọi thứ đều bình thường. Tôi không hiểu sao mình sút tới 20kg nhưng con vẫn lớn lên từng ngày và chào đời nặng hơn 3kg".
Đặc biệt, ngay sau khi sinh con, các triệu chứng ốm nghén như "cực hình" của Stacey lập tức biến mất hoàn toàn. Cô đã có thể ăn uống trở lại và miêu tả bát mì đầu tiên được ăn sau sinh là món ăn ngon nhất trong đời.
May mắn thay Stacey vẫn sinh con khỏe mạnh nhưng cô cho biết mình sẽ không mang thai thêm lần nào nữa.
Sau khi trải qua thai kỳ đáng sợ, Stacey cho biết cô chắc chắn sẽ không bao giờ mang thai và sinh con thêm một lần nữa. "Vợ chồng tôi từng muốn có thật nhiều con nhưng những ngày tháng ốm nghén đó thực sự quá ám ảnh. Nếu tôi lại rơi vào tình trạng đó một lần nữa thì còn ảnh hưởng đến cả con gái nên chúng tôi quyết định dừng lại tại đây", bà mẹ 30 tuổi tâm sự.
Ốm nghén là gì?
Ở phụ nữ mang thai, triệu chứng sớm nhất và rõ ràng nhất của thai kỳ được ghi nhận là ở đường tiêu hoá. Ốm nghén (morning sickness) đặc trưng bởi tình trạng buồn nôn và nôn khi mang thai thường bắt đầu từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 thai kỳ và giảm bớt vào 3 tháng giữa thai kì, thường là từ 14 đến 16 tuần. Nó có thể ảnh hưởng đến sản phụ bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm hoặc cả ngày.
Một dạng nặng của ốm nghén được gọi là nôn nghén nặng (hyperemesis gravidarum) có khả năng xảy ra ở một số sản phụ và có khả năng gây sụt cân, mất nước nặng, nhiễm toan chuyển hoá trong cơ thể và có thể cần phải nhập viện điều trị.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ốm nghén nặng, bao gồm:
- Sản phụ song thai.
- Bị ốm nghén nặng và nôn mửa trong lần mang thai trước.
- Có tiền sử bị say tàu xe.
- Có tiền sử đau nửa đầu.
- Tiền căn ốm nghén trong gia đình.
- Từng cảm thấy buồn nôn khi dùng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen.
- Lần mang thai đầu tiên.
- Béo phì (BMI trên 30).
- Đang gặp các vấn đề gây stress.