Trong giai đoạn đầu tiên của trẻ, việc uốn nắn lại càng quan trọng, bởi sau này có những tính cách sẽ rất khó để thay đổi.
Cùng quan điểm như vậy, nhà giáo dục Đài Loan - giáo sư Lý Mỹ Kim đã nói: "Một số cha mẹ không dạy con cái, nhưng khi chúng mắc lỗi thì lại kỷ luật rất nặng. Trên thực tế, điều này phản ánh vấn đề chung của nhiều gia đình, đặc biệt là những cha mẹ có tuổi đời còn quá trẻ".
Nhà giáo dục Đài Loan - giáo sư Lý Mỹ Kim chia sẻ.
Giáo sư Lý còn kể ra một trường hợp ở xóm của cô, đó là một cô bé tên Tiểu Vy (5 tuổi), hiện sống ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cứ vào mỗi bữa ăn, mẹ của cô bé sẽ mang theo một bát cơm và chạy rong để đút từng muỗng suốt cả tiếng đồng hồ.
Có lẽ nhiều người thắc mắc rằng tại sao cô bé lại không ăn ở nhà mà phải vừa ăn vừa chơi ngoài đường như vậy.
Mẹ của cô bé đáp trả: "Nó không thích ăn ở nhà, tôi mặc kệ là nó cứ để nguyên bát cơm mãi như vậy".
Trên thực tế, hành động này không chỉ khiến người lớn mệt mỏi và vô tình làm cho trẻ phát triển thói quen xấu, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này.
Những thói quen cha mẹ cần loại bỏ khi dạy con cái
Giáo sư Lý chỉ ra 4 thói quen sai lầm phổ biến ở nhiều gia đình, cần sớm loại bỏ nếu không sẽ khiến đứa trẻ ngày càng hư hỏng và khó dạy bảo.
1. Theo rong cho ăn hoặc vừa ăn vừa xem điện thoại
Nhiều cha mẹ có tâm lý rằng để con cái tự ăn thì chúng sẽ ăn ít, cách tốt nhất là mình đút thì sẽ nhanh mà lại ăn được nhiều.
Ngoài ra, khi cha mẹ cho trẻ ăn rong, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và khả năng tập trung của trẻ.
Đặc biệt, điều này còn tạo ra một tâm lý cho đứa trẻ nghĩ rằng: "Ăn uống không phải là việc của mình. Đến giờ ăn mẹ sẽ đút ăn còn mình thì có việc chơi thôi".
Gợi ý:
- Nên tập cho trẻ tự xúc ăn từ lúc 3 tuổi.
- Bữa ăn luôn diễn ra trên bàn ăn với thái độ nghiêm túc. Thiết lập khung thời gian ăn, nếu trẻ không nghe theo thì cất đồ ăn và chỉ mang ra khi đến bữa ăn tiếp theo.
Lưu ý không nên cho trẻ ăn bất kỳ thứ gì trong thời gian này để chúng cảm nhận được cái đói.
Trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tuần hoặc lâu hơn, việc làm này sẽ cho phép trẻ tập trung vào chuyện ăn uống một cách nghiêm túc.
Mặt khác, nó còn rèn luyện khả năng nhận thức và tập trung của trẻ.
2. Nhốt trẻ cả ngày trong nhà để chúng tự chơi
Bản chất đứa trẻ nào cũng đều thích chơi. Có rất nhiều lý do khiến không ít cha mẹ không muốn đưa con cái ra ngoài vui chơi mà nhốt trẻ cả ngày trong nhà và để chúng tự chơi.
Lý do được đưa ra có thể là do trẻ còn quá nhỏ, sợ bệnh tật... Thực tế, cha mẹ hoàn toàn sai lầm khi nghĩ vậy.
Khi cha mẹ làm như vậy, họ đã vô tình tước đi cơ hội muốn khám phá, hứng thú với thế giới xung quanh của trẻ.
Cuối cùng những đứa trẻ này sẽ trở nên rụt rè, không dám đối mặt với khó khăn sau này. Ngoài ra, việc mất đi cơ hội giao tiếp với bạn bè sẽ khiến trẻ dần sống hướng nội.
Gợi ý:
Cha mẹ chỉ cần dẫn trẻ đến nhiều nơi để vui chơi, tạo môi trường cho trẻ tiếp xúc nhiều với người lạ. Vui chơi là cách tốt nhất để giáo dục trẻ khi chúng còn nhỏ.
3. Làm thay trẻ tất cả mọi thứ
Khi một đứa trẻ sinh ra, cha mẹ đã làm mọi thứ cho chúng từ việc đút ăn, mặc quần áo.
Thế nhưng khi chúng phát triển tới một giai đoạn có khả năng tự mình làm được, cha mẹ nếu cứ tiếp tục làm thay hết mọi thứ như thế sẽ làm hư con cái mình.
Bằng cách này, cha mẹ khiến trẻ mất đi cơ hội tự lập, cực kỳ bất lợi cho sự phát triển trong tương lai của một đứa trẻ.
Gợi ý:
Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ có khả năng làm nhiều việc khác nhau. Điều quan trọng nhất là cha mẹ hướng dẫn trẻ và cho chúng quyền tự làm tự sai tự chịu.
4. Thỏa hiệp khi trẻ khóc
Khi một đứa trẻ muốn đòi thứ gì đó chúng thích, chắc chắn chúng sẽ dùng tiếng khóc để báo hiệu.
Đặc biệt, trường hợp này xảy ra nhiều trong các trung tâm thương mại, không khó để bắt gặp cảnh những đứa trẻ khóc lóc, lăn đùng ra đất ăn vạ.
Lúc này, không ít cha mẹ đành thỏa hiệp với trẻ, mua bất kỳ thứ chúng thích với hy vọng không phải chịu cảnh xấu hổ này nữa.
Thói quen này nếu duy trì trong thời gian dài, trẻ sẽ tự hiểu rằng chỉ cần khóc thật to là sẽ có được thứ mình muốn.
Một đứa trẻ lớn lên với tính cách này rất dễ hư hỏng, một khi cha mẹ không dạy dỗ được con cái thì hậu quả mang lại vô cùng nghiêm trọng.
Gợi ý:
Không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì trẻ đòi hỏi khi chúng đang khóc lóc ăn vạ.
Giữ vững quan điểm và lập trường, nói "không" vài lần thì trẻ sẽ tự hiểu được chiêu "khóc lóc" này vô ích thôi.