Chị Tôn Nữ Khánh Trân (30 tuổi, sinh ra tại Huế) hiện nay đang sở hữu một cửa hàng làm đẹp ở thành phố Huế và có cuộc sống hạnh phúc bên con gái 10 tuổi cùng ông xã quốc tịch Anh Samuel hơn chị 1 tuổi.
Khác với hình ảnh của 10 năm về trước, khi quyết định làm mẹ đơn thân ôm con 9 tháng tuổi ra đi với 50 nghìn trong túi và khoản nợ 40 triệu, chị Khánh Trân của ngày hôm nay đã được lau khô đi những giọt nước mắt, có một bờ vai vững chắc mới che chở và có một cuộc sống bình yên, êm đềm.
Tổ ấm nhỏ hiện tại của chị Khánh Trân.
Ôm con ra đi khi mới 9 tháng tuổi, với 50 nghìn trong tay
Sau những sóng gió, bão tố cuộc đời, giờ đây mỗi ngày của chị Khánh Trân bình yên đến lạ. Chị luôn bắt đầu bằng những bài tập yoga rồi đi chợ nấu ăn cho cả nhà hoặc hôm nào bận làm đẹp cho khách lại cùng cả nhà đi ăn ngoài hàng.
Hiện nay, con gái đã 10 tuổi, ngoan ngoãn, thương mẹ có thể làm hết tất cả mọi việc nên bà mẹ không còn phải bận tâm nhiều. Đối với chị Khánh Trân, con gái chính là phần thưởng lớn nhất cho cô, là những gì ông trời đã bù đắp lại cho những giông bão đã qua.
Chị trầm ngâm kể, cuộc đời chị trải qua rất nhiều nỗi đau quá khứ mà không muốn nhắc tới. Bản thân sinh ra trong gia đình không mấy hạnh phúc nên đã quyết định kết hôn sớm mặc lời ngăn cấm của bố mẹ. Và đám cưới chỉ làm lễ đơn giản ở nhà trai, không có sự tham gia của bố mẹ, người thân và chưa một lần được khoác chiếc áo cưới.
Những tưởng quyết định ấy sẽ giúp cô gái trẻ tìm được bến đỗ hạnh phúc thật sự nhưng nào ngờ "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", chị không tìm được điều mình ao ước với người chồng cũ nên đã quyết định ôm con ra đi khi con mới 9 tháng tuổi. “Bản thân mình từ nhỏ luôn tham vọng và quyết tâm. Nhiều lần mình soi gương và mình không thể chấp nhận cuộc sống này nên đã tự giải thoát, quyết định sống chỉ cho con mà thôi”.
Chị Khánh Trân ôm con ra đi khi mới 9 tháng tuổi.
Bà mẹ tâm sự, ngày ôm con ra đi, nhiều lúc chị đã muốn buông xuôi tất cả vì trong tay chỉ có 50 nghìn và khoản nợ nần 40 triệu. Đã có lúc tuyệt vọng quá, chị bế con ra sông Hương khóc nức nở.
Vì tính đàn ông, tự trọng cao, bà mẹ trẻ không trở về nhà bố mẹ đẻ mà ôm con ra thuê trọ ở khu cách biệt để gia đình không tìm thấy khi trong tay chỉ có một chiếc điện thoại rẻ, không xe, không tiền.
Ngày ấy, một thân một mình cùng con gái ở nơi hoang vắng, muốn đi đâu cũng phải bế con đi bộ, chị Khánh Trân nhớ mãi những hộp cơm bụi chỉ chan canh đơn giản mà 2 mẹ con chia nhau.
“Bạn bè mỗi đứa giúp một ít, mình ra thuê trọ ở một ngôi nhà hoang sơ đến đáng sợ, cách biệt mọi người. Lúc ý con gái mới gần 1 tuổi, đem con đi gửi thì không đủ tiền chi phí mà ôm con thì không có tiền nhưng tính mình không thích dựa dẫm vào ai nên không liên lạc với ai nhờ giúp đỡ.
Con gần 1 tuổi chỉ ăn cháo, nhiều bữa không có, mình phải chan canh vào cơm rồi đút cho con ăn. Tủi thân vì không thể chăm sóc con được tốt nhất, những bữa cơm của mình toàn chan nước mắt cùng với những những tiếng nấc nghẹn ngào “mẹ xin lỗi con, Ry ơi”, Khánh Trân rưng rưng nhớ lại.
Để có được ngày hôm nay mẹ con chị Khánh Trân phải chia nhau hộp cơm bụi chan canh.
Sau thời gian ngắn, chị được mẹ tìm ra và gọi đi học make up. Bên cạnh đó, chị được người bạn ở Đức cho mượn 3 triệu mua mỹ phẩm make up khởi nghiệp. Đó như một phao cứu sinh đối với chị ngay trong lúc chơi vơi nhất và đó là những người chị Khánh Trân không thể nào quên ơn.
Nhờ make up miễn phí cho những bạn gái xinh trên Facebook rồi đăng ảnh, chị có được người đặt lịch, học viên xin học ngày một đông. Từ đó kiếm được những đồng tiền đầu tiên, mua được cho con những bữa ăn đúng nghĩa, bù đắp quá khứ đã qua.
Sau khi có một số tiền nhỏ, chị Khánh Trân không ở trọ nữa mà thuê một căn nhà cũ giá rẻ để mở lớp dạy make up. Mặc dù căn nhà cũ hoang sơ đến đáng sợ nhưng hai mẹ con đã vượt qua tất cả.
“Từ từ có nhiều tiền hơn mình đổi nhà khác khá hơn. Sau đó mình có đủ 10 học viên, có chút quan tâm của khách hàng, nên vay mẹ 100 triệu và mở studio áo cưới cho riêng mình. Sau 1 năm mình trả hết nợ cho mẹ, rồi mua sắm cho cuộc sống 2 mẹ con. Đồng thời, mình đi học thêm nhiều khóa học nâng cao, học thêm nghề phun xăm thẩm mỹ. 2014 mình mở tiệm và qua 2018 mình tự mua được căn nhà nhỏ cho 2 mẹ con thực hiện được 1 nửa ước mơ của mình.
Hôm làm nhà đưa con đi ăn thấy bé ăn ngon lành mình lại nhớ chuyện hộp cơm bụi năm xưa và không kiềm được nước mắt. Qua bao sóng gió, cuối cùng mình đã làm được vì con”, Khánh Trân cười.
Con gái là động lực của Khánh Trân vượt qua tất cả.
Không bao giờ nói xấu chồng cũ với con
Chị Khánh Trân thổ lộ, sau tất cả, động lực lớn nhất của chị là con. Nhiều cạm bẫy và cám dỗ đã đến, thậm chí có những lúc chị tưởng mình sẽ buông xuôi nhưng vì nỗi sợ không ai nuôi dạy được con nên đành cố gắng vượt qua tất cả. Và nhờ có con, chị đã không làm những điều gì dại dột và đã có thể đứng vững được từ vũng bùn.
Mặc dù làm mẹ đơn thân, bận rộn mưu sinh nhưng chị Khánh Trân không bao giờ bỏ bê chuyện dạy dỗ con. Vì chú trọng dạy con tính tự lập nên việc nuôi con cũng khỏe re. Ngay từ lúc 7 tuổi, con gái đã tự thức dậy, tự chuẩn bị đi học khiến mẹ khá nhàn rỗi. Trường gần nhà nên ngày nào chị cũng đưa tiền ăn sáng để con gái tự lo liệu, tự đạp xe đi học, tự dậy thay quần áo, soạn sách vở.
Kể từ khi ly hôn, điều chị Khánh Trân luôn tâm niệm là không bao giờ để chuyện người lớn ảnh hưởng tới con. Đặc biệt luôn phải giữ cho con khoảng trời ngây thơ trong sáng nhất, nên không bao giờ nói xấu chồng cũ với con để ảnh hưởng tới tâm lí. Chính vì vậy, cho đến bây giờ dù ly hôn đã lâu, con gái vẫn lớn lên theo đúng lứa tuổi, không bao giờ tủi thân vì không có ba. Cả 2 vẫn rất tình cảm với nhau.
“Ai hỏi chuyện bố mẹ, con chỉ vô tư bảo: “Mẹ con không thích ba con nên không sống với ba”. Lạ là không bao giờ con hỏi mình, ai hỏi cũng tự trả lời như thế. Con rất tình cảm, quan tâm mọi người, chỉ cần thấy mình không khỏe là giả vờ lượn lờ canh chừng để giúp mẹ”, Khánh Trân nở nụ cười hạnh phúc.
Con gái luôn tự lập mọi việc để không phiền mẹ.
Yêu thương chăm sóc mẹ nên ngay cả những người bạn trai mẹ quen, con gái Khánh Trân cũng luôn để ý. Năm 2017, chị Khánh Trân yêu và tiến tới hôn nhân với Samuel – quốc tịch Anh, dẫu không thích người nước ngoài nhưng con gái vẫn rất thân thiện, dễ gần và ra điều kiện để thử lòng bạn trai mẹ “Chú chở con đi công viên rồi con cho quen mẹ con”. May mắn Samuel rất thích trẻ con và giỏi bày trò chơi với trẻ nên đã chiếm được tình cảm của bé gái dễ thương.
“Năm 2017 mình gặp chồng mình hiện nay, không biết đó là tình cờ, trùng hợp hay là mình đã qua cái “khúc” cuộc đời. Kể từ khi gặp anh mình bước sang trang mới, sóng gió không còn.
Con gái mình cảm nhận được tình cảm của anh dành cho bé nên mối quan hệ phát triển rất tốt. Sau khi tụi mình kết hôn, bé kêu anh là daddy luôn. Anh luôn coi con như con ruột, mọi kế hoạch tương lai, đi học đâu, sau giờ học làm gì, tương lai qua Anh như nào đều tính toán trước mình.
Anh là người đàn ông khá chu toàn, luôn có kế hoạch cho cuộc sống chung cho nên cuối cùng mình đã bớt gồng mình sau gần nửa cuộc đời để dựa dẫm vào ai đó, để được là phụ nữ và để được yêu”, chị Khánh Trân trải lòng.
Samuel được con gái Khánh Trân yêu quý, coi như bố.
Chị Khánh Trân ví mình như cây xương rồng dù sa mạc có khô cằn đến chừng nào vẫn hiên ngang gai góc. Dẫu thanh xuân là những câu chuyện buồn nhưng sau tất cả, chị hài lòng với tổ ấm nhỏ mà mình đang có, bên Samuel và con gái.