Mặc dù sinh non ở tuần thứ 34 nhưng bé Andy nhà chị Khánh Trân mới 3 tháng đã vô cùng bụ bẫm và đáng yêu, không thua kém các bé sinh đủ ngày tháng. Bé nhận rất nhiều lời khen của mọi người.
Chị Khánh Trân và chồng người Anh
Tổ ấm nhỏ hiện tại của chị Trân.
Mang bầu con lớn nhanh như thổi
Chị Tôn Nữ Khánh Trân (30 tuổi, sinh ra tại Huế) từng là mẹ đơn thân ôm con 9 tháng tuổi ra đi với 50 nghìn trong túi và khoản nợ 40 triệu. Thế nhưng sau tất cả những khó khăn của 10 năm trước, hiện nay chị đã có một cuộc sống bình yên và tìm được bờ vai vững chắc cho mình dựa vào. Chị đang sở hữu một cửa hàng làm đẹp ở thành phố Huế và có cuộc sống hạnh phúc bên con gái 10 tuổi và con trai 3 tháng tuổi cùng ông xã quốc tịch Anh Samuel hơn chị 1 tuổi.
Chị Khánh Trân cho biết, chị và ông xã Samuel dự định tổ chức hôn lễ vào tháng 8/2020 và qua Anh định cư. Tuy nhiên dịch COVID -19 diễn biến phức tạp nên chị phải hoãn đám cưới lại. Vợ chồng chị có kế hoạch sinh em bé sau đó, thế nhưng 2 lần canh trứng không thành nên anh chị đành “mặc kệ”. Nào ngờ lần 3 để "thả" vợ chồng chị lại đón nhận tin vui.
“Chồng mình khi nghe tin chuẩn bị lên chức bố, anh không tin tại mình thử que vạch mờ lắm. Anh còn bảo mình thử thêm 2 que nữa và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Anh mừng lắm gọi điện báo cho cả nhà ngay còn mình run tay run chân cứ nghĩ chắc chưa dính đâu vì 2 lần trước trông ngóng quá nên lần này chuẩn bị sẵn tâm lý chưa có, ai ngờ. Lúc đó mình cũng mong có thêm cậu con trai nên cứ thầm mong con giống ba và bây giờ giống như khuôn”, chị Trân cười chia sẻ.
Chị Kháng Trân 25kg suốt thai kỳ.
Chị Trân có thai kỳ vô cùng thuận lợi, không hề nghén ngẩm, chỉ có 3 tháng cuối chị có chút nặng nề và bị trào ngược dạ dày. Chị ăn uống khá tốt khiến chồng còn phải sợ. Cả thai kỳ chị tăng 25kg nhưng may mắn nhờ con hấp thụ tốt nên chị ăn nhiều mà vào con không hề vào mẹ.
“Mình nghĩ để vào con không vào mẹ thì nhau thai phải khoẻ mới truyền được dinh dưỡng tốt cho con. Muốn vậy mẹ phải khoẻ từ trước bầu đến cả khi bầu. Nhờ từ trước tới giờ mình có thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh nên sức khỏe tốt, ốm vặt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, chị Trân cho hay.
Mang thai, em bé trong bụng chị lớn nhanh như "Thánh Gióng", 34 tuần đã nặng 3,6kg.
Nhờ ăn uống vào con mà không vào mẹ mà bé Andy trong bụng đã lớn nhanh như thổi, 8 tháng siêu âm nặng 3,6kg. Chị được ông xã và con gái giành làm hết việc nhà nên không phải làm việc gì. “Mình có bầu sướng lắm, nhiều khi hay nói đùa biết bầu sướng vậy bầu sớm rồi”, chị Trân cười.
Đi sinh nguy hiểm, bác sĩ hết hồn vì vẫn muốn đẻ tiếp
Chị Trân cho biết, chị sinh bé Andy gặp khá nhiều khó khăn. Mặc dù sinh mổ bé lớn đã 10 năm trước nhưng do bé Andy lớn nhanh quá mà chị phải sinh mổ ở tuần thứ 34.
Chị Trân kể, 8 tháng đi siêu âm, em bé đã nặng 3,6kg. Lúc siêu âm bác sĩ vẫn bảo chờ đủ ngày đủ tháng nhưng nào ngờ bụng chị to quá, khi siêu âm bị xuống vết mổ cũ, một chỗ bị rộp lên nên bác sĩ đã bảo chị đi cấp cứu gấp.
“Khi nghe đi bệnh viện gấp mặt mình thần ra mắc cười, nửa vui, nửa lo. Mình vừa háo hức vừa sợ đau. Mình hỏi bác sĩ con có phải nằm lồng kính không, bác sĩ kêu sinh non 8 tháng nhưng con mình to nên chắc không sao. Khi mổ bé ra mình nghe con khóc và hỏi bác sĩ con có sao không, bác sĩ vẫn bảo con khỏe không lo. Nào ngờ y tá đã lẳng lặng đem bé đi ngay qua khoa nhi vì bé không tự thở được, phổi chưa hoàn thiện”, chị Trân rưng rưng nhớ lại.
Sau sinh 1 tuần chị không được nhìn mặt con.
Vì sợ chị lo lắng sau sinh ảnh hưởng đến sức khỏe nên các bác sĩ để chị nằm ở phòng hồi sức khá lâu. Đến khi được trở về phòng nghỉ ngơi không thấy con đâu chị bắt đầu lo lắng. Lúc này mẹ chị mới nói sự thật em bé đang nằm lồng kính khoa nhi. Nghe đến đây chị thấy khó thở nhưng vẫn phải cố gồng, trấn tĩnh mình lại.
Mặc dù đã tìm hiểu kỹ và lường trước tình huống này nhưng 1-2 ngày sau sinh không được nhìn thấy con, đặc biệt cả nhà không ai được nhìn thấy mặt bé do tình hình dịch COVID-19 không được vào thăm rồi bác sĩ luôn bảo không nói trước được gì khiến chị càng thêm lo, và tủi thân.
“Xung quanh tiếng em bé khóc đòi sữa mẹ còn mình thì nằm một mình, nghĩ cảnh con nằm trong máy lạnh lẽo chưa được hơi ấm mẹ mà khóc như mưa. Mình phải cố gồng và cố tình quên đi, phần để chồng với mẹ không lo, phần lại sợ bị ảnh hưởng sức khỏe sau sinh. Thế nhưng chiều tối lại nhìn ra cửa sổ thẳng tới khoa nhi chỗ con nằm tim mình thắt lại. Khi mọi người đi hết mình lại khóc như mưa. Mình cứ nhìn hình siêu âm con để cầu nguyện và không cho ai vào thăm vì ngay cả mặt con mình đã được nhìn đâu”, chị Trân bộc bạch.
Con gái lớn của chị rất yêu em.
Được biết, bé Andy phải nằm lồng kính 1 tuần. Suốt khoảng thời gian ấy, chồng, mẹ và em gái luôn ở bên chị, không dám để chị nằm một mình sợ chị khóc ảnh hưởng sau sinh. Sau khi em bé được bú sữa mẹ, chị cố gắng hút sữa để cho con được hưởng sữa mẹ và để quên cảm giác nhớ con, tủi thân khi sinh xong không được bế con. Chị cũng tập đi dù nhích một chút là đau thấu tim gan, đau cắt da cắt thịt vết mổ bởi chị muốn khỏe mạnh để đón con trở về.
Đến bây giờ chị Trân vẫn nhớ mãi khoảnh khắc hạnh phúc khi nghe tin con được về sau 1 tuần, chị cảm giác mình như được sống lại một lần nữa. Tin vui ấy đã xua tan những ngày lòng nặng trĩu nỗi buồn vì sinh con mà chưa được gặp con của chị. Đặc biệt, sau 5 ngày khi được về nhà mà con vẫn chưa được về, mỗi lần nhìn vào chiếc cũi trống không chị lại xót xa.
Ông xã người Anh làm hết mọi việc khiến chị chăm con nhàn tênh.
Mặc dù con sinh non nhưng chị Trân nuôi con nhàn tênh vì mọi việc ông xã đều làm hết từ thay tã tắm rửa đến cho con bú, hơn nữa bé Andy rất ngoan, chưa bao giờ khóc. Thậm chí chị còn có thời gian để thêu tranh. “Mình sinh xong, một tay chồng bưng bô, dắt vợ từng bước một vào toilet rồi kì cọ rửa ráy tỉ mỉ, mình chỉ việc chỉ tay 5 ngón lâu lâu làm bộ làm tịch xíu thôi. Khi bác sĩ hỏi "sợ chưa, hết đẻ chưa". Mình vẫn trả lời ngay "đẻ nữa chứ" làm bác sĩ hết hồn”, chị Trân cười.
Hiện nay, Andy đã được hơn 3 tháng. Bé giống ba như đúc nên nhiều người hay trêu chị là “máy photocopy”. Bé sở hữu nét đẹp lai, hay cười nên nhận không ngớt lời khen của mọi người.