Tôi từng nghe nhiều đứa bạn của mình phiền lòng về việc ông bà quá cưng chiều cháu, khiến cho đứa trẻ dễ hư và việc nuôi dạy của bố mẹ càng thêm khó khăn hơn. Nhưng đến hôm nay, bản thân mới thực sự hiểu khi rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế.
Chuyện là hơn một tháng hè vừa rồi tôi có gửi cô con gái 9 tuổi về dưới quê cho ông bà chăm sóc, vì vợ chồng có lịch trình công tác ở nước ngoài. Sau khi về nước, tôi liền đón con lên để đứa trẻ kịp chuẩn bị cho năm học mới. Xa con hơn 1 tháng và nhờ bố mẹ chồng trông nom, tôi khá bất ngờ trước diện mạo thay đổi của con gái. Đứa trẻ có vẻ lớn nhanh hơn, mập mạp hơn nên tôi cảm thấy rất hài lòng.
Ảnh minh hoạ
Tôi không biết ông bà có bí quyết gì mà nuôi mát tay thế. Tuy nhiên khi con gái về nhà ở với bố mẹ, lượng ăn của con ngày càng ít đi. Tôi còn phát hiện dạo gần đây con gái có biểu hiện rất lạ, đứa trẻ thường xuyên chui xuống gầm giường vào ban đêm một lúc lâu, sau đó mới leo lên giường đi ngủ. Chuyện này đã bị tôi phát hiện khi vô tình theo dõi camera ở phòng con gái.
Vì để tìm hiểu rõ sự tình, tôi đã tranh thủ lúc bé ngủ say và lén vào phòng để kiểm tra. Giây phút đưa mắt nhìn xuống, tôi vô cùng hoang mang, tay chân bủn rủn. Không biết từ đâu xuất hiện một đống đồ ăn vặt được cất giấu dưới gầm giường. Đến lúc này tôi mới nhận ra, có lẽ đây chính là bí mật mà cô con gái của mình đã che đậy, và cũng là nguyên nhân khiến con ăn rất ít vào những bữa chính trong ngày.
Ảnh minh hoạ
Qua hôm sau, đợi đến khi con gái tan học về nhà, tôi đã nghiêm túc có một cuộc trò chuyện với đứa trẻ để giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên, tôi không chọn cách la mắng hay dùng đòn roi với con, mà sẽ dùng lời lẽ hết sức nhẹ nhàng để con gái có thể thành thật chia sẻ với mẹ.
- An An à! Hôm nay lúc mẹ dọn phòng cho con, mẹ đã vô tình nhìn thấy những gói đồ ăn vặt ở dưới gầm giường. Con có thể giải thích rõ cho mẹ về sự việc này được không con gái? Con hãy nói sự thật và mẹ sẽ tha thứ cho điều đó nên con đừng sợ mẹ sẽ mắng hay đánh con nhé!
Biết bí mật đã bị mẹ phát hiện, cô con gái có chút lo lắng, nhưng thật may mắn là con đã không chọn nói dối mà thành thật trả lời:
- Con xin lỗi mẹ, nhưng vì sợ mẹ mắng, không cho ăn những đồ ăn này nên con đã lén giấu chúng ở dưới gầm giường.
- Con lấy tiền ở đâu ra để mua những thứ này hả con yêu?
- Đấy là tiền ông bà, bố mẹ thi thoảng cho con tiêu vặt, còn có cả tiền bố cho con ăn sáng nữa mẹ ạ! Con đã để dành, tiết kiệm được một khoản nhỏ và mua đồ ăn con thích.
- Lúc trước con không có thói quen ăn vặt như thế, sao bây giờ con lại thèm ăn chúng?
Ảnh minh hoạ
- Trong khi bố mẹ đi công tác, con được ông bà nội cho ăn rất nhiều món ngon mẹ ạ, có cả đồ ăn vặt nữa. Con thích ở với ông bà hơn, ông bà lúc nào cũng chiều con, mua cho con đủ thứ đồ mà con thích. Còn bố mẹ lúc nào cũng khó tính, cấm con không được chơi cái này, ăn cái kia, con buồn lắm!
Nghe con gái giãi bày, tôi mới hiểu lý do vì sao tôi nuôi con hoài không thấy lớn, nhưng gửi về ông bà mấy mươi ngày thì đứa trẻ lại "trộm vía" tăng cần vù vù. Bố mẹ chồng tôi cứ chiều cháu rồi cho nó ăn vặt mỗi ngày thay cơm thế kia, thì bảo sao con bé không mũm mĩm hơn cơ chứ.
May là tôi kịp thời biết chuyện, chứ nếu sự việc này tiếp diễn lâu ngày hơn nữa, tôi sợ con gái sẽ mắc bệnh béo phì mất thôi. Có nhiều cách để giúp con tăng cân, mau ăn chóng lớn, nhưng với phương pháp nuôi cháu kiểu này của ông bà, tôi hoàn toàn không đồng tình. Bởi vì không sớm cũng muộn, lượng thức ăn vặt cứ tích luỹ nhiều hơn trong dạ dày của trẻ nhỏ, các con sẽ rất dễ mắc bệnh, đặt biệt đây lại là loại thức ăn khiến trẻ có khả năng mắc bệnh béo phì nhanh nhất.
Nếu các bậc bố mẹ khác cũng ở trong tình huống như tôi hiện tại, liệu mọi người có tán thành cách ông bà cưng chiều, nuôi dạy cháu như thế này không?
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Việc cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt và bỏ bữa chính có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, và sự phát triển toàn điện của trẻ. Dưới đây là 5 ảnh hưởng rõ ràng nhất về cách nuôi dạy này:
- Thiếu dinh dưỡng cần thiết
Đồ ăn vặt thường chứa rất ít chất dinh dưỡng và giàu calo, đường và chất béo. Khi trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt và bỏ bữa chính, trẻ có thể thiếu các dưỡng chất quan trọng như vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây ra vấn đề về tăng cân không cân đối hoặc suy dinh dưỡng.
- Rối loạn tiêu hóa
Đồ ăn vặt thường chứa nhiều chất béo và đường, có thể gây ra rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy. Thiếu chất xơ từ bữa chính cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa. Những vấn đề này có thể dẫn đến sự khó chịu, và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của trẻ.
- Mất cân bằng năng lượng
Đồ ăn vặt thường chứa nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng, dẫn đến mất cân bằng năng lượng. Trẻ có thể tiêu thụ quá nhiều calo từ đồ ăn vặt mà không nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tăng cân không cân đối và nguy cơ cao mắc bệnh béo phì.
- Tác động đến sức khỏe tâm lý
Một chế độ ăn không cân đối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn vặt và bỏ bữa chính có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi, kém tập trung và thiếu năng lượng. Ngoài ra, việc thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của trẻ.
- Hình thành thói quen xấu
Cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt và bỏ bữa chính có thể tạo ra thói quen xấu, trong việc lựa chọn thực phẩm và ăn uống. Trẻ có thể trở nên khó tính, và thường từ chối ăn những thực phẩm cần thiết cho sức khoẻ và sự phát triển cân đối của mình. Điều này có thể tạo ra một mô hình ăn uống không lành mạnh, và rất khó thay đổi trong tương lai.
Để đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và tốt nhất cho trẻ, bố mẹ nên giúp con thiết lập một chế độ ăn cân đối với các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ, hạn chế ăn đồ ăn vặt như bánh kẹo, thức ăn nhanh, nước ngọt,...