Trong thời gian mang thai, rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra mà đôi khi bản thân mẹ bầu còn cảm nhận và phát hiện được trước cả các bác sĩ có chuyên môn. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một ví dụ.
Rebecca Aitken (31 tuổi, sống tại Formby, Anh) kết hôn 2 năm nhưng chưa thể có con. Cô và chồng cũng đã trải qua 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại. Mãi đến tháng 11/2020 vừa qua, sau lần IVF thứ 3, họ mới lần đầu được thấy chiếc que thử thai hiện lên 2 vạch.
Rebecca đã rất háo hức chờ đến ngày siêu âm để được nhìn thấy các con vì bác sĩ đã chuyển cho cô tới 2 phôi. Tuy nhiên, trước ngày khám thai lần đầu theo lịch hẹn vài hôm, Rebecca bỗng dưng cảm thấy cơ thể "sai sai". Cô bị ra máu và đau ở chân. Cô lập tức đến bệnh viện khám và bác sĩ khẳng định mọi thứ vẫn ổn, cô đã mang thai thành công.
Vợ chồng Rebecca đã hiếm muộn 2 năm và phải làm IVF.
"Tôi tự cảm nhận được rằng cơ thể mình có điều gì đó không ổn, dường như tôi đang mang thai ngoài tử cung. Vậy nhưng khi đến bệnh viện, bác sĩ khẳng định rằng tôi không thể mang thai ngoài tử cung khi làm IVF. Sau đó tôi nhất định yêu cầu siêu âm nhưng không có gì trong tử cung, bác sĩ nói do thai còn chưa vào và hẹn vài ngày sau quay lại", Rebecca kể lại.
Và có lẽ chính bác sĩ cũng không ngờ kết quả siêu âm lần 2 sau đó vài ngày đã chứng thực lời Rebecca nói. Cô đang mang một khối thai ngoài tử cung. May mắn thay, vì phát hiện sớm nên cô không phải phẫu thuật, đảm bảo ống dẫn trứng và tử cung vẫn khỏe mạnh để có thể làm IVF lần nữa.
Dù rất buồn và thất vọng khi thai kỳ không thành công như mong đợi nhưng Rebecca cũng cảm thấy may mắn vì đã tin vào chính bản năng và "cứu" được hy vọng có con trong tương lau của mình.
Chia sẻ câu chuyện rộng rãi, Rebecca cũng muốn gửi thông điệp đến những bà mẹ khác rằng đôi khi không ai có thể hiểu cơ thể và sức khỏe của mình bằng chính mình, đặc biệt là trong thời gian mang thai. Đừng ngại trao đổi với bác sĩ về suy nghĩ, phỏng đoán của bản thân và yêu cầu xét nghiệm khi cần thiết.
Cô may mắn phát hiện sớm triệu chứng thai ngoài tử cung và giữ được khả năng sinh sản của mình.
Hiện tại Rebecca cũng đang gây quỹ từ thiện cho tổ chức nâng cao nhận thức về mang thai ngoài tử cung. "Tôi rất vui khi đã cứu được khả năng sinh sản của mình nên không muốn bất kỳ ai khác phải cắt bỏ ống dẫn trứng vì phát hiện muộn thai ngoài tử cung. Tôi mong rằng tất cả chị em phụ nữ đều sẽ được trang bị kiến thức về dấu hiệu, triệu chứng của biến chứng này", cô nhắn nhủ.
Những dấu hiệu thường gặp của mang thai ngoài tử cung Khi phụ nữ mang thai, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra trong ống dẫn trứng và sau đó tế bào trứng sẽ di chuyển đến tử cung, tại đây trứng đã thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung để phát triển thành một thai nhi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào trứng đã thụ tinh không di chuyển đến tử cung mà thay vào đó, chúng lại bám vào thành ống dẫn trứng hoặc bộ phận khác để phát triển. Tình trạng này được gọi là mang thai ngoài tử cung. Những dấu hiệu thai ngoài tử cung bao gồm: - Rong huyết nhẹ; - Buồn nôn và ói mửa; - Đau bụng dưới; - Đau một bên cơ thể ; - Chóng mặt, mệt mỏi; - Đau vai, cổ, hoặc trực tràng; - Ngất xỉu (không phổ biến). |