Những ngày đầu tháng 9, học sinh nhiều nơi nô nức tựu trường, bắt đầu hành trình dung nạp kiến thức để dần lấp đầy chiếc rương học vấn của bản thân. Vào ngày này, mỗi đứa trẻ sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau khi được gặp lại thầy cô, bạn bè, vui có, buồn có, hào hứng có, ỉu xìu cũng có… nhưng mới đây, hình ảnh một cậu nhóc tiểu học “đứng như tượng” ngoài cửa lớp không dám vào khi lần đầu trông thấy cô giáo chủ nhiệm khiến ai xem cũng cười chảy nước mắt.
Theo sohu, khi vừa đặt chân đến cửa lớp với vẻ mặt cực kỳ hân hoan, cậu bé này bỗng “chết lặng” phát hiện ra, người phụ nữ với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng hiền lành đứng trên bục giảng thực ra không phải ai khác mà chính là dì ruột của mình. Lúc này, nụ cười rạng rỡ ban đầu trên khuôn mặt nhóc tỳ cũng chợt tắt, cậu bé sững sờ một hồi lâu ở cửa lớp rồi đi về chỗ ngồi của mình. Người dì đứng trên bục thấy biểu hiện của cháu trai đã cười ngặt nghẽo.
Ban đầu cậu bé rất háo hức khi vào lớp vì được gặp bạn bè của mình.
Được biết, trong gia đình cậu bé có 3 người dì đều là giáo viên lần lượt dạy tiếng Trung, toán và tiếng Anh, một trong số đó là chủ nhiệm lớp của cậu bé. Song thực tế nhiều người cho rằng, một số trẻ rất thích có người thân trong gia đình làm giáo viên để không rụt rè, sợ hãi như những đứa trẻ khác, nghĩ rằng mình sẽ được quan tâm đặc biệt.
Tuy nhiên, trong tình huống của cậu bé tiểu học này, nhìn biểu cảm của nhóc tỳ, ai cũng đoán được có lẽ em là nhóm trẻ ngược lại, không mong muốn sẽ được người trong nhà dạy mình, bởi bé rất sợ bị "theo dõi" 24/24. Chỉ cần lơ là và mất tập trung, hoặc học hành sa sút thì đứa trẻ sẽ phải đối diện với áp lực lớn, lo lắng cô giáo sẽ la mắng hoặc thất vọng về mình.
Khi thấy cô giáo chủ nhiệm là dì của mình, cậu bé tiểu học "đứng hình".
Sau khi câu chuyện dở khóc dở cười của cậu học sinh tiểu học trên được chia sẻ lên mạng xã hội, nó đã nhanh chóng nhận về vô số bình luận từ cộng đồng mạng. Nhiều người hài hước chia sẻ bản thân cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh “trớ trêu” như thế.
Song, đây cũng là trường hợp khá phổ biến và để lại cho nhiều người những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề: “Khi ranh giới giữa gia đình và nhà trường bị xóa nhòa, liệu sự phát triển của trẻ có còn cân bằng”. Với cậu bé ở trên, đối mặt với một giáo viên chủ nhiệm là dì của mình, nó có thể là một thử thách nhưng cũng có thể là cơ hội để trưởng thành. Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào thái độ mà đứa trẻ phản ứng, thích nghi với hoàn cảnh.
Mặc dù cách giáo dục kiểu gia đình này nghe có vẻ hơi “đáng sợ”, nhưng đằng sau nó ẩn chứa rất nhiều tình yêu thương và trách nhiệm. Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, người dì ở trên không những có thể theo dõi tình hình học tập của cháu bất cứ lúc nào mà còn quan tâm, hướng dẫn nhiều hơn trong cuộc sống. Hoàn cảnh giáo dục này dẫu nghiêm ngặt nhưng cũng có thể cho phép trẻ phát triển mạnh mẽ trong sự chăm sóc. Bên cạnh đó, nó còn là động lực để cậu bé cố gắng và đạt được nhiều thành tích tốt trong năm học mới.
Vì vậy, dù giáo viên chủ nhiệm của trẻ là ai, dù là người thân hay người lạ, bố mẹ hãy là người trang bị cho con những hành trang quý báu để khi bước vào trường học, con sẽ biết mình nên làm gì và sẽ làm gì để có thể trở thành một học sinh không chỉ đối nhân xử thế khéo, yêu bạn kính thầy mà còn gặt hái được những thành tích khiến gia đình tự hào.