Chào đón con yêu ra đời là một niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với mọi người phụ nữ sau 9 tháng 10 ngày mang bầu. Tuy nhiên, sau niềm vui ấy là cả một hành trình nuôi con đầy vất vả mà khởi đầu là tháng ở cữ với nhiều điều phải kiêng khem, cẩn thận. Đáng ngại hơn, các bà bầu sinh con vào dịp Tết Nguyên Đán thì quá trình ở cữ sẽ có đôi chút bất tiện.
Vậy các mẹ sinh con vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 sẽ phải lưu ý những gì, ăn uống sinh hoạt ra sao để mẹ khỏe, nhiều sữa, tinh thần vui tươi?
Chuẩn bị về tinh thần
Đối với tất cả những người phụ nữ mới sinh, tinh thần là một trong những điều quan trọng nhất cần phải lưu ý. Khi tinh thần thoải mái, vui vẻ mới có thể giúp người phụ nữ bắt đầu hành trình làm mẹ một cách suôn sẻ, thuận lợi và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phần lớn những người phụ nữ sau sinh thường rất hay rối loạn cảm xúc, âu lo, vui buồn thất thường, tâm lý nhạy cảm hơn. Trạng thái tâm lí này càng trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn khi sinh con vào dịp Tết.
Tết là thời điểm ai ai đều bận rộn, người nhà cũng tất bật sắm sửa, chuẩn bị Tết nhất, đi chúc tụng, thăm hỏi, phố xá đông vui, tấp nập. Người người xúng xính áo quần, xinh đẹp, diện dàng. Trong khi đó, vì sinh con nên người phụ nữ phải ở trong phòng riêng, quanh quẩn với việc chăm con, cho con bú… Điều này dễ khiến các bà mẹ trẻ tủi thân, hay buồn rầu. Nếu người thân, đặc biệt là chồng, gia đình hai bên nội ngoại không quan tâm, thăm hỏi, chuyện trò mỗi ngày sẽ càng dễ chạnh lòng và khóc nhiều. Những ức chế về tinh thần này là một trong số những tác nhân chính làm giảm tiết sữa ở mẹ, không đảm bảo được nguồn sữa dồi dào cho bé bú. Sau khi sinh, các mẹ cũng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khả năng chịu đựng kém. Nếu điều kiện ở cữ không đủ tốt hoặc phải làm việc nhiều khiến mẹ mệt mỏi, thậm chí có thể gây trầm cảm sau sinh.
Chính vì vậy, người thân, nhất là chồng cần phải đặc biệt quan tâm tới chị em phụ nữ sau sinh. Dù bận rộn ăn Tết, du xuân nhưng phải dành thật nhiều thời gian bên cạnh những bà mẹ để họ cảm thấy được sẻ chia, yêu thương, tránh cảm giác cô đơn, tủi thân trong những ngày đầu năm mới.
Chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh suy kiệt
Sau 9 tháng 10 ngày mang bầu, lại vượt cạn đầy nhọc nhằn, mất sức, cơ thể người mẹ tiêu hao nhiều năng lượng, dễ dẫn đến suy nhược sau sinh. Vì thế, quãng thời gian ở cữ các mẹ cần phải đặc biệt lưu ý giữ gìn, bồi bổ sức khỏe, tránh suy kiệt. Hơn nữa đây cũng là giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ nên cần phải bổ sung dinh dưỡng, vitamin để duy trì dòng sữa cho bé.
Nhưng sinh con vào dịp Tết, nhịp sinh hoạt, giờ giấc của các gia đình cũng thay đổi khá nhiều do mọi người đến chơi, chúc tụng. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến chế độ nghỉ ngơi của các bà mẹ trong giai đoạn ở cữ. Mặc dù vậy các mẹ cần lưu ý giữ gìn sức khỏe và chế độ sinh hoạt hợp lý để phục hồi cơ thể và duy trì dòng sữa cho con bú.
Dù ngày Tết mọi thứ có nhiều cái thay đổi nhưng các mẹ cần phải đảm bảo những điều sau:
Ngủ đủ giấc – khoảng 8 tiếng/ ngày.
- Ăn ngày 3 bữa chính, 3 bữa phụ với đồ ăn chín, nóng và cân bằng dinh dưỡng. Không cần ăn quá nhiều, quá no, nhưng cũng không để quá đói mới ăn.
- Uống nước tối thiểu 3 lít/ ngày.
- Đi lại vận động nhẹ nhàng. Nằm nhiều chỉ càng gây mệt mỏi và khiến vết thương sinh nở lâu lành.
- Giữ vệ sinh thân thể: tắm gội nhanh với nước ấm trong phòng kín gió. Không nên kiêng tắm gội kẻo sinh vi khuẩn và khiến người ủ rũ không vui.
Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Chế độ ăn uống là một trong những điều cần đặc biệt lưu tâm để có thể lực tốt. Dưới đây là một số những loại thực phẩm các bà mẹ nên và không nên nạp vào cơ thể trong thời gian ở cữ dịp Tết:
Những loại thực phẩm không nên ăn: Những loại đồ ăn không đảm bảo ăn chín uống sôi như thịt chua, thịt sống, nộm, gỏi, tiết canh, thịt xông khói, đồ đông lạnh… các mẹ không nên ăn vì sẽ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa, dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới chất lượng sữa tiết ra. Đặc biệt những loại đồ uống có ga, có cồn, chất kích thích không nên uống.
Còn dưới đây là những loại đồ ăn mà các mẹ có thể nạp vào cơ thể:
- Các loại hạt: hướng dương, hạt bí, hạt điều, hạt dẻ cười hay hạnh nhân: axit béo có trong dầu của các loại hạt này được đưa vào sữa mẹ chính là “thực phẩm vàng” cho sự phát triển trí não và mắt của bé mới sinh.
- Gạo lứt, bánh quy và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt: đây là nguồn chất đạm, vitamin nhóm B và chất xơ vô cùng tốt cho cho hai mẹ con.
- Canh/ súp với nấm và rau củ: vừa có hương vị thanh mát dễ ăn, các loại nấm và rau củ lại cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và acid folic giúp mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh và sản xuất nguồn sữa vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng cho bé.
- Trái cây: chuối, kiwi, dâu tây, đu đủ chín… vừa lợi sữa, giảm mệt mỏi cho mẹ, lại đưa vào sữa nhiều vitamin C giúp kháng viêm, tăng đề kháng, giảm các nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh.
- Sữa chua và phô mai: Canxi là dưỡng chất không thể thiếu với mẹ bầu và mẹ mới sinh, tuy nhiên khi uống sữa tươi thì một số mẹ lại gặp vấn đề về tiêu hóa. Với các loại sữa chua và phô mai cứng thì mẹ có thể yên tâm thưởng thức để nạp canxi và lợi khuẩn mà không cần lo lắng về cái bụng nhé.
Ở cữ mặc gì cho xinh?
Trước đây, phụ nữ trong giai đoạn ở cữ thường bị gắn liền với hình ảnh lôi thôi, luộm thuộm nhưng hiện tại, phụ nữ có thể đẹp trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi mới sinh.
Vào dịp Tết, mọi người đều xúng xính diện áo quần đẹp đẽ đi du xuân. Dù không thể ra ngoài đi đây đi đó nhưng các bà mẹ cũng vẫn có thể lựa cho mình áo quần xinh xắn để đón Tết.
Đồ dành cho các mẹ trong giai đoạn ở cữ để vừa xinh vừa tiện lợi cho con ti, các mẹ có thể cân nhắc các gợi ý sau:
- Áo ngực cho con bú: loại áo lót dễ mở từ đằng trước rất thuận tiện mà lại kín đáo, giúp mẹ dễ dàng cho con bú mà không phải ngại ngùng lúng túng.
- Áo sơ mi, váy liền: Giờ đây ở cữ không phải là hình ảnh những bộ đồ ở nhà rộng thùng thình, trông như “gái sề” nữa. Thời trang cho các mẹ có thể là các chiếc áo sơ mi, áo oversize hoặc váy liền rộng rãi có mở cúc phía trên khiến mẹ vừa xinh đẹp vừa khỏe khoắn hơn. Mẹ nhớ chọn chất liệu vải mềm và thoáng,, khóa hoặc khuy cài đằng trước để tiện việc cho con bú nhé.
- Miếng lót thấm sữa: Các mẹ nên trang bị “vũ khí’ này để người không bị tỏa ra mùi sữa, áo quần loang lổ vết sữa chảy.
- Son dưỡng có màu: Nếu không muốn quá nhợt nhạt, các mẹ có thể sử dụng loại son môi làm từ thành phần tự nhiên như củ dền, quả gấc… để có một gương mặt tươi tắn, đôi môi hồng hào.