Khi mạng xã hội trở nên thông dụng hơn với nhiều người, đó là lúc cha mẹ bắt đầu lo lắng về những hành vi lệch lạc của các con ở tuổi dậy thì, vì trẻ có thể thoải mái chia sẻ, nêu quan điểm cá nhân.
Mới đây, nhiều dân mạng không khỏi xôn xao vì sự xuất hiện của một group với cái tên: "Hội những người ghét cha mẹ" thu hút hàng ngàn thành viên, hội nhóm với nhiều bài đăng phản cảm, thể hiện thái độ không đúng mực, thậm chí là xúc phạm phụ huynh, khiến nhiều người không khỏi sửng sốt
Nơi những đứa trẻ “ghét cha mẹ” thể hiện cảm xúc tiêu cực
Được biết, hội nhóm này được thành lập từ 12/2016, hiện tại hơn 7.000 thành viên và độ tuổi tham gia nhóm chủ yếu là trẻ em có độ tuổi 12-23 tuổi. Khi truy cập vào trang chủ của nhóm, điều đầu tiên người dùng có thể nhìn thấy là các điều kiện để tham gia "lạ lùng", khiến nhiều người hội không thể hiểu nổi.
Điều kiện 1: Phải có ít nhất hai lần cãi nhau với cha mẹ trong 1 tuần.
Điều kiện 2: Phải có ít nhất ba lần cãi nhau với cha mẹ trong 1 tuần.
Điều kiện 3: Phải kể lại được rành mạch đầu đuôi diễn biến của vụ cãi cọ với cha mẹ ở lần gần đây nhất.
Hội thu hút với số thành viên hơn 7.000 thành viên.
Tiếp theo đó, những bài đăng trong "Hội những người ghét cha mẹ" khiến người xem không khỏi sốc, choáng váng và bất bình với các nội dung chia sẻ của "con cái" dành cho cha mẹ của mình. Những "người con" trong group có thể ghét cha mẹ mình vì đủ thứ nguyên nhân mà đọc xong người ta cũng phải ngây người.
Đó có thể là tường thuật lại một cuộc cãi vã với cha mẹ kèm theo những ngôn từ bực tức, hằn học. Đó có thể là một bài đăng về tình trạng hiện tại của cha mẹ như một trò tiêu khiển.
Thậm chí là một câu hỏi của bạn trẻ về cách “trả thù” cha mẹ khi không được đáp ứng nhu cầu, hằn học với những cấm đoán. Đáng buồn nhất là những cảm xúc hân hoan khi thấy người thân của mình gặp nạn và cách những đứa trẻ “đồng cảm” với nhau bằng việc hùa vào trút giận bằng những ngôn từ “tục tĩu”.
Muôn kiểu lý do tức giận với cha mẹ.
“Hôm nay là ngày vui nhất trên đời tao. Bà già tao bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện á. Do tình hình dịch bệnh nên tao không vào nuôi bả được. Cuối cùng tao cũng thoát cái cảnh bị chửi 19 năm nay.” - Một bài đăng của tài khoản T.X.V trong "Hội những người ghét cha mẹ". Bên dưới bài đăng, hàng chục bình luận “chúc mừng” nam thanh niên thoát khỏi cảnh “tù ngục”.
Từ bao giờ, cha mẹ lại trở thành chủ để để những đứa con mang lên mạng xã hội để bày tỏ sự bất mãn, bàn tán nói xấu, thậm chí là chửi rủa rồi kéo bè kết phái căm phẫn, thóa mạ, và thù hằn? Khi trẻ được tiếp cận với thế giới ảo, Internet chứa nhiều thông tin và kiến thức thì trẻ cũng chọn đây là nơi để giãi bày cảm xúc khi bị cha mẹ la mắng, trách phạt.
Đến cha mẹ cũng phải “ngây người”, sửng sốt
Nói về vấn đề này, nhiều phụ huynh không khỏi bàng hoàng. Trao đổi với phóng viên, chị Trần Bình Nhi (43 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị đã “ngây cả người” khi đọc qua những bài đăng trong nhóm. Dù các con của chị đều còn nhỏ và chưa được mẹ cho phép sử dụng mạng xã hội, nhưng chị không giấu được sự lo lắng khi những hội nhóm tiêu cực như thế này tồn tại, sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
"Xem những cái này tôi thật sự rất buồn. Dù gì cha mẹ cũng là người sinh thành, nuôi nấng con cái, có mắng chửi vài câu cũng là góp ý, nhắc nhở, mong con ngoan ngoãn hơn. Nếu có mâu thuẫn gì thì cũng nên nói chuyện thẳng thắn hoặc nhờ người lớn trong nhà để nói chuyện giúp đỡ. Bố mẹ thì luôn mong muốn những điều tốt đẹp, các con ngoan ngoãn trưởng thành nên mới, vậy mà con lại ở đằng sau lưng tàn nhẫn nói về cha mẹ mình như vậy.
Nhiều trẻ nhỏ sinh ra tâm lý ghét cha mẹ khi bị la mắng, tuy nhiên vấn đề là dù có nói xấu cha mẹ liệu có giải quyết được khúc mắc? (Ảnh minh họa)
Vấn đề là dù có nói xấu cha mẹ cũng đâu giải quyết được mọi khúc mắc? Dù gì cha mẹ cũng là người nuôi nấng mình, nếu có bức xúc, chưa hài lòng với cha mẹ thì con nên nói chuyện thẳng thắn hoặc nếu không muốn nói trực tiếp thì có thể nhắn tin riêng cho cha mẹ", chị cho biết.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ các thành viên xuất hiện trong "Hội những người ghét cha mẹ" đều tham gia nhóm với mục đích kể xấu hay chửi bới đấng sinh thành của mình. Có rất nhiều thành viên đã kiên nhẫn chỉ ra những lý do không đáng để các thành viên lên mạng bôi nhọ cha mẹ mình, đưa ra những tư vấn khá chân thành.
Đáp lại những comment phân tích đúng sai này, nhiều thành viên trong group "ghét cha mẹ" vẫn đưa ra ý kiến gây tranh cãi, cho rằng không thích nói xấu cha mẹ thì xin mời rời khỏi nhóm.
Cần sớm có cảnh báo để ngăn chặn hành vi và cảm xúc tiêu cực ở trẻ
Ngoài những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức xã hội, "Hội những người ghét cha mẹ" còn có yếu tố vi phạm pháp luật. Trao đổi với báo Người Lao Động vào ngày 27/8 vừa qua, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết theo Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhóm vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm. Cá nhân lập nhóm cũng như người đăng tải nội dung vi phạm trên nhóm đó đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 27/8/2021 vừa qua, nhóm "Hội những người ghét cha mẹ" không còn xuất hiện trên Facebook. Thế nhưng rất nhanh chóng sau đó, những hội nhóm tương tự "mọc" lên rất nhiều trên Facebook. Nhiều hội nhóm hoạt động tinh vi, với hình thức nhóm "kín", nhóm "bí mật", do đó cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, làm lành mạnh không gian mạng.
Ngoài ra, phụ huynh cần theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình của các con, tránh để trẻ tham gia vào những trang mạng xã hội độc hại lôi kéo, tác động xấu đến trẻ.
Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự để tăng sự liên kết và chia sẻ với các con. (Ảnh minh họa)
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Lưu Thị Hường đã có những chia sẻ và nhận định về "Hội những người ghét cha mẹ", đồng thời đưa ra những lời khuyên, hướng giải pháp cho các bậc phụ huynh phải làm gì khi con cái có tâm lý thù ghét cha mẹ.
Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.
Dưới góc độ tâm lý học, nguyên nhân gì khiến trẻ sinh ra tâm lý tiêu cực với cha mẹ?
Có ba nguyên nhân chính khiến trẻ sinh ra tâm lý, cảm xúc tiêu cực, căm ghét cha mẹ:
Thứ nhất, trẻ bị cha mẹ bạo hành. Có 3 dạng bạo hành phổ biến nhất: Bạo hành suy nghĩ (cha mẹ nghĩ về con cái với những nhãn dán tồi tệ), bạo hành bằng lời nói (thể hiện qua cách cha mẹ la mắng, quát nạt các con) và bạo hành bằng hành động (đánh đập, hành hạ con cái)... Khi trẻ bị bạo hành, dù dưới hình thức nào cũng sẽ gây tổn thương cho con dẫn đến tâm lý tiêu cực với cha mẹ, đây là tâm lý bộc phát một cách tự nhiên.
Thứ hai, trẻ bị cha mẹ quản lý, áp đặt quá mức. Ở độ tuổi dậy thì, nhu cầu chứng tỏ và mong muốn được tự do của trẻ rất lớn, do đó khi bị cha mẹ áp đặt quá mức không tránh khỏi việc trẻ cảm thấy tức giận, bức bối, khó chịu. Chỉ những áp đặt rất nhỏ như: “Con phải làm cái này, cái kia cho mẹ ngay…” lâu ngày sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực ở trẻ.
Thứ ba, những nhu cầu của trẻ không được đáp ứng. Có thể thấy, trong "Hội những người ghét cha mẹ", đây là nguyên nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất: Trẻ bị cha mẹ coi thường hoặc có yếu tố thiên vị, mâu thuẫn vì xin tiền chơi game, mua điện thoại không cho… Khi cha mẹ không đáp ứng những nhu cầu của trẻ, con sẽ cảm thấy cha mẹ không yêu mình, mình không còn quan trọng và tự động xa cách các bậc phụ huynh.
Những hội nhóm như “Hội những người ghét cha mẹ” có ảnh hưởng như thế nào đếm tâm lý của trẻ?
Đầu tiên, phải tìm hiểu về lý do xuất hiện hội nhóm này: Xuất phát từ việc trẻ giận dữ trước một hành động nào đó của cha mẹ, ví dụ như cha mẹ có cách hành xử không đúng, dán nhãn tiêu cực cho con khiến trẻ bị ám thị “mình là một đứa trẻ hư”, và chúng sẽ hành động để chứng minh mình là “một đứa trẻ hư thật sự”.
Từ đó, trẻ sẽ tìm cách chống đối cha mẹ và tìm đến những người đồng cảm để sẻ chia. Đây là tâm lý bình thường khi con người bị tổn thương và vô tình tạo nên hiệu ứng cộng đồng.
“Hội những người ghét cha mẹ” có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của trẻ như:
Đầu tiên là kích động tâm lý của trẻ khi đang giận dữ, khiến chúng cho rằng việc mình đang làm là đúng đắn (theo số đông người trong nhóm), từ đó trẻ sẽ càng có cách hành xử tệ hơn.
Thứ hai, tiếp cận những nội dung tiêu cực gây lệch lạc nhân cách của trẻ, đặc biệt những em nhỏ ở độ tuổi dậy thì từ 12-15 tuổi, chưa đủ nhận thức hành vi của mình là đúng hay sai.
Điều thú ba, việc trẻ tham gia vào những hội nhóm như vậy vi phạm nghiêm trọng quy chuẩn đạo đức, lỗi đạo với cha mẹ mà trẻ không hề hay biết. Trong tương lai, trẻ sẽ dễ gặp phải những vấn đề bất ổn với mối quan hệ xã hội, với cha mẹ và những người xung quanh.
Ngày nay việc trẻ được tiếp cận với mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, một trong số đó là việc theo dõi những hội nhóm có nội dung phản cảm như trên, cha mẹ phải làm như thế nào để bảo vệ con?
Trước hết, cha mẹ nên thông cảm và thấu hiểu cho tâm lý bất ổn của con trẻ, việc trẻ tham gia “Hội những người ghét cha mẹ” và các hội nhóm tương tự là hậu quả của việc nỗi đau của trẻ bị đẩy lên quá cao. Bên cạnh đó, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cha mẹ hãy luôn gần gũi với con để xây dựng tường rào vô hình bảo vệ con khỏi những nguy hiểm đang rình rập trên mạng xã hội. Trẻ còn rất nhỏ, năng lực nhận thức còn chưa đủ nên cần có sự bên cạnh của cha mẹ.
Để có thể gần gũi con, trước hết cha mẹ phải là người “an toàn”, đủ tin tưởng để trẻ có thể trút bầu tâm sự và chia sẻ. Người “an toàn” không nên la mắng, quát nạt hay đánh đập con trẻ. Ngược lại, phải dành thời gian cho trẻ để tìm hiểu nhu cầu của con, vấn đề con đang gặp phải, từ đó mới tiếp cận được rằng liệu trẻ có nguy cơ theo dõi, tham gia những trang mạng xã hội tiêu cực hay không? Hãy cùng trẻ ngồi xuống trò chuyện, giải quyết những khúc mắc giữa cha mẹ và con cái một cách kịp thời.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có tâm lý ghét bỏ cha mẹ? Làm thế nào để cha mẹ có thể làm bạn cùng con và gắn kết tình cảm con cái với những người thân trong gia đình?
Đầu tiên, “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, cha mẹ cần hiểu rằng việc con trẻ có tâm lý ghét bỏ cha mẹ đến mức quá tiêu cực xuất phát từ cách hành xử của cha mẹ đối với con trong một thời gian dài. Đó có thể là cách cha mẹ đối xử với con, hoặc đơn giản nhưng quan trọng nhất chính là cách thức giao tiếp giữa hai thế hệ.
Muốn con khác đi, cha mẹ phải hành động khác đi. Ngày nay, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh áp dụng tư tưởng “thương cho roi cho vọt” mà không biết rằng thời thế đã thay đổi, trẻ con ngày nay năng động và cá tính, không thể áp dụng cách giáo dục thời phong kiến.
Thay vì nuôi con theo bản năng để rồi vòng lặp tiêu cực này lại lặp lại, cha mẹ cần “học” cách làm cha mẹ: Học qua sách vở, Youtube, các khóa học, hội thảo, diễn đàn để tìm một người hướng dẫn phù hợp cho mình, học cách giao tiếp với trẻ, có những hiểu biết đúng đắn về tâm lý con cái để áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp. Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần phải học, kể cả nghề “làm cha, làm mẹ”.
Ngoài ra, cha mẹ chính là hình tượng mà con cái noi theo, hãy học cách kiềm chế cảm xúc, chữa lành những tổn thương bên trong mình. Trẻ rất nhạy cảm, đồng thời cũng “bắt chước” người lớn rất nhanh, nếu cha mẹ ghét một ai đó hay dễ nổi nóng, giận dữ, luôn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề… thì trẻ sẽ học theo.
Sau khi đã mở lòng, cha mẹ sẽ cha mẹ nên thông cảm và thấu hiểu cho tâm lý bất ổn của con trẻ, cùng con ngồi xuống tìm hiểu nguyên nhân vấn đề bằng những cuộc trò chuyện, giải thích cho con hiểu hành vi con đang làm là sai, là xấu… rồi trẻ sẽ hiểu ra vấn đề và sớm lập trình lại hệ tư tưởng chân thiện mỹ của bản thân.