Mới đây, báo Tuổi trẻ đưa tin 6 người Việt đi du lịch Thái Lan tử vong bất thường trong phòng khách sạn khiến nhiều người hoang mang. Giới chức Thái Lan bước đầu xác định, các nạn nhân chết vì chất độc, song chưa rõ 6 người này tự tử hay bị ai đó đầu độc. Hiện cơ quan điều tra Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc.
Trước đó, tại Đồng Nai nước ta đã xảy ra vụ đầu độc người thân bằng Xyanua, khiến 5 người trong gia đình tử vong bất thường. Các nạn nhân trước khi chết có biểu hiện nôn ói, chóng mặt, nhức đầu. Một nam sinh 18 tuổi bị hôn mê khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong người nam thanh niên này có chất Xyanua.
Vì mâu thuẫn trong gia đình, thủ phạm đã đầu độc người thân của mình bằng chất độc Xyanua. Ảnh minh họa.
Các đồ dùng, hoa quả nào chứa chất độc Xyanua?
Xyanua là chất gì, có nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe con người đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Báo Vnexpress mới đây chia sẻ ý kiến của ThS.BS Doãn Uyên Vy, chuyên gia về bệnh nhiễm độc (TP HCM), cho biết xyanua còn gọi cyanide, là chất cực độc, tồn tại ở nhiều dạng gồm rắn, lỏng, khí, dạng tiền chất có trong một số thực phẩm như sắn, măng, hạt quả táo.
Theo bác sĩ Vy, Xyanua có trong nhiều nguồn độc khác nhau như đám khói cháy, nhất là cháy vật dụng như len, tơ tằm, cao su tổng hợp, các chất polyurethane từ nhựa dẻo, sơn, keo, chất chống thấm, cách âm, nệm. Hóa chất từ phòng thí nghiệm hay sản xuất công nghiệp như luyện kim, chụp rửa ảnh, làm nữ trang hay đồ nhựa, khai thác mỏ, chất thải... cũng có thể sinh ra xyanua.
Trong tự nhiên, xyanua có trong một số thực vật như khoai mì, măng, hạt quả táo hay mận hoặc cherry, anh đào, hạnh nhân đắng. Những thực vật này có chứa glycoside amygdalin, khi ăn vào qua đường tiêu hóa sẽ phóng thích ra xyanua gây ngộ độc.
Xyanua nguy hiểm thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là hóa chất cực độc, chỉ cần khoảng 50-200mg Xyanua qua đường miệng hoặc hít khoảng 0,2% dạng khí cũng đủ gây tử vong cho một người khỏe mạnh.
Theo CDC, Xyanua là hợp chất hóa học chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon liên kết ba với một nguyên tử nitơ. Xyanua có thể tồn tại dưới dạng khí không màu như Hydro Xyanua (HCN) và Xyanua clorua (CNCl), hoặc ở dạng tinh thể như Natri Xyanua (NaCN) và Kali Xyanua (KCN).
Xyanua là chất cực độc. Ảnh minh họa.
PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội), cho biết do nguy hiểm từ chất độc Xyanua), từ xưa, người dân đã gọi "thứ nhất nhân ngôn (Xyanua), thứ nhì thạch tín (asen)" để nói về mức độ độc hại của hóa chất này.
Xyanua bị cấm bán ngoài thị trường. Hiện hóa chất này chỉ cho phép sử dụng trong công nghiệp khai thác vàng và một số ngành công nghiệp khác, nhưng nhiều người vẫn có thể "lách" mua được.
Theo ông Côn, chỉ cần nuốt 50mg (tương đương một hạt đậu xanh) hoặc hít phải 0,2% dạng khí Xyanua có thể khiến người khỏe mạnh 50-60kg tử vong ngay lập tức. Chất độc này tác dụng rất nhanh, mạnh vào hệ hô hấp và hệ thần kinh gây nhiễm độc cấp tính. Người ăn hàm lượng thấp sẽ có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, thở gấp và không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị trụy mạch, tử vong. Những người sống sót sau ngộ độc Xyanua có thể bị tổn thương tim, não và thần kinh.
Độc chất này có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết. Đặc biệt, Xyanua cho vào đồ uống càng khó nhận biết hơn.
Trong tự nhiên, người ta tính toán có hơn 2.000 loài thực vật chứa chất độc này như măng, sắn và trong hạt của các loại quả táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào… Vì vậy người ăn cần loại bỏ Xyanua trong thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung để hóa chất này bay hơi.
Xử trí ngộ độc Xyanua như thế nào?
Theo các bác sĩ, khi bị ngộ độc Xyanua, bệnh nhân sẽ có lơ mơ, hôn mê, khó thở, cần được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để được hồi sức cấp cứu. Tình huống ngộ độc hay nhiễm độc xyanua thường sẽ không được nhìn ra ngay từ đầu, trừ khi biết trước đang tiếp xúc với chất có xyanua.
Nếu không biết nguồn độc, không biết do nguyên nhân gì mà vẫn nghi ngờ ngộ độc hay nhiễm độc, nên gọi tư vấn ngay bác sĩ chuyên về bệnh nhiễm độc.
Phòng tránh ngộ độc Xyanua như thế nào?
Chất độc thường cũng có trong một số loại thực phẩm, trái cây. Ảnh minh họa.
PGS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhiễm độc Xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được, gây "nghẹt thở trên cạn". Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của Xyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.
"Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc Xyanua là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức", PGS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Đối với người đang làm việc trong các ngành nghề như khai thác mỏ, kim hoàn, làm nữ trang, sản xuất đồ nhựa, dọn vệ sinh chất thải công nghiệp..., cần tìm hiểu quy trình sản xuất và nguy cơ có khí hay chất sinh ra xyanua hay không. Trang bị bảo hộ lao động an toàn khi làm việc.
Với vật liệu xây dựng và trang trí nội thất hiện đại, nếu xảy ra hỏa hoạn, ngoài khí CO sẽ luôn có khí hydro cyanide. Nạn nhân vì vậy tử vong nhanh chóng trong đám cháy khi chưa kịp thoát ra ngoài. Do đó, cần để ý cách thoát thân nhanh khi sống ở nhà cao tầng, bịt mặt bằng khăn ướt khi chạy qua đám khói cháy.
Lột vỏ khoai mì và ngâm trong một ngày có thể loại bỏ lượng chất có xyanua khoảng 45%. Khi ăn măng cần luộc kỹ, bỏ nhiều lần nước luộc măng cho đến khi măng và nước hết đắng.
Chú ý không ăn hạt của quả táo, hạt quả mận, anh đào, hạt quả cherry, hạnh nhân đắng... Chú ý loại bỏ hạt khi xay, ép nước.