Bé Hồng Hạnh (4 tuổi, ở Vĩnh Phúc) từ nhỏ không hề có bệnh gì, khi đi nhà trẻ cháu ăn uống và phát triển tốt. Gần đây, cháu nghỉ hè nên được ông bà trông coi, buổi tối mới ở gần bố mẹ. Hơn một tháng nghỉ hè, bé Hạnh ăn, ngủ tốt, chưa một lần bị ho, sốt.
Sáng cuối tuần vừa rồi, chị Hồng Thu (mẹ bé Hạnh) gọi con dậy nhưng con không thưa, nghĩ con ngủ nướng chị không chú ý. Một lúc sau vào phòng, chị phát hiện miệng con méo xệch, ú ớ không nói được thành lời. “Khi đó tôi hốt hoảng, hô hoán mọi người đến hỗ trợ. Ai cũng bảo con bị đột quỵ phải đưa đi viện ngay”, chị Thu chia sẻ.
Tại một phòng khám gần nhà, bác sĩ nhận định bé Hạnh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Để khẳng định chắc chắn gia đình đưa con đến viện chụp chiếu, kết quả không ngoài dự đoán, bệnh nhi được chẩn đoán bị hàn tà, gây bế tắc lạc mạch ở mặt dẫn đến liệt. Bé Hạnh được đưa đi châm cứu để điều trị.
Bé gái bị méo mồm sau khi nhiễm lạnh đã được châm cứu bình phục sau đó. Ảnh: BS Dương Văn Tâm.
Chị Thu cho biết, do thời tiết thời gian qua nắng nóng, con ra nhiều mồ hôi nên vợ chồng chị bật điều hòa từ tối đến sáng, khi con ngủ dậy mới tắt. Bác sĩ nhận định, đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm lạnh, làm liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. ‘
Ths.BS Dương Văn Tâm, Phòng khám Y học cổ truyền Tâm Hạnh, nguyên Trưởng khoa Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em (BV Châm cứu Trung ương) cho biết, ngoài trường hợp trên, bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị liệt mặt do sai lầm khi dùng điều hòa.
Theo bác sĩ Tâm, việc bật điều hòa trong thời gian dài ở nhiệt độ thấp có thể làm tăng nguy cơ gây liệt mặt, méo mồm. Ngoài ra, những người bị mưa ướt, tắm lạnh về đêm cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng, nhầm lẫn bị đột quỵ nên đưa đi chụp chiếu gây tốn kém, làm mất thời gian vàng điều trị.
Liệt mặt ngoại biên do lạnh mức độ nhẹ 80% sẽ tự lành trong vòng vài tuần sau đó. Tuy nhiên, nếu nặng thì việc điều trị gặp khó khăn, nhất là khi đến muộn. Bệnh thường khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, sau đó liệt nửa mặt hoàn toàn trong vòng 24 - 48 giờ với biểu hiện méo miệng, ăn rơi vãi, không nhắm kín mắt...
Trong khi đó, đột quỵ ít xảy ra ở trẻ nhỏ, triệu chứng điển hình là tê, yếu chân tay hoặc mặt; mất ngôn ngữ; lú lẫn; rối loạn thị giác ở một hoặc cả hai mắt (ví dụ như mù một mắt thoáng qua, nhìn đôi); chóng mặt hoặc mất thăng bằng và phối hợp; đau đầu.
Sai lầm khi nằm điều hòa là nguyên nhân gây liệt mặt. Ảnh minh họa.
Điều trị đột quỵ cũng hoàn toàn khác so với liệt dây thần kinh số 7. Theo bác sĩ Tâm, khi biệt liệt mặt do lạnh, ngoài dùng thuốc có thể châm cứu, chiếu đèn cũng giúp người bệnh nhanh hồi phục. Ngoài ra, để phòng bệnh thì cần giữ ấm, ăn và uống ấm. Người bệnh tuyệt đối không ăn đồ lạnh như kem, đá… và không được tắm lạnh. Khi đi ngoài đường, ngoài đeo kính che gió, bụi nên che kín phần mang tai.
Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 2-5 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe.
Để tránh những tác động tiêu cực từ các thiết bị làm mát với cơ thể, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tránh luồng máy lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ không quá thấp và quá lâu (nên dùng máy lạnh ở mức 26-28 độ C).
- Vào những ngày nóng trên 30 độ C hoặc độ ẩm thấp (dưới 55%), người dùng có thể bật tính năng làm mát (Cool) và đặt kèm một chậu nước trong phòng để tạo độ ẩm, tránh bật điều hòa ở chế độ khô (Dry) sẽ làm giảm độ ẩm hơn.
- Nằm điều hòa nhưng vẫn cần giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột.
- Khi di chuyển ở môi trường nóng về, không nên vào phòng điều hòa ngay lập tức.
- Nên lưu thông khí bằng quạt, khi bật quạt cũng tránh để một chỗ và thổi thẳng vào người, nhất là phần đầu.
- Không sử dụng điều hòa 24/24, nên ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để hít thở không khí tự nhiên.
Cuối cùng, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn "vàng" nhằm hạn chế tối đa di chứng.