Thần đồng 13 tuổi đã vào đại học nhưng 1 năm sau suýt bị đuổi vì sở thích tai hại

Một cậu bé được gọi là thần đồng khi đã vào được đại học ở tuổi 13 và hứa sẽ cố gắng nỗ lực hoàn thành việc học trong 2 năm. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, cậu bé đã suýt bị đuổi học chỉ vì quá nghiện game.

Liao Wei nay đã 24 tuổi, khi còn nhỏ, cậu sớm bộc lộ tư chất thông minh. Năm 3 tuổi, Liao Wei đã học thuộc được bài thơ Đường, 5 tuổi đã đi học tiểu học. Giáo viên cũng nhận thấy cậu bé quá xuất sắc nên đã hỗ trợ cho Liao Wei học nhảy lớp nên chỉ 2 năm rưỡi, cậu bé đã học xong tiểu học.

Năm 2009, Liao Wei khi ấy 13 tuổi đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học với số điểm 563 và đỗ trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Thời điểm đó, Liao Wei liên tục nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông, mọi người ví cậu là thần đồng đến từ một ngôi làng ở miền núi. Một doanh nghiệp địa phương nhận thấy tài năng xuất chúng của Liao Wei đã quết định tài trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt cho cậu bé hoàn thành việc học đại học.

Thần đồng 13 tuổi đã vào đại học nhưng 1 năm sau suýt bị đuổi vì sở thích tai hại - 1

Liao Wei 3 tuổi đã học thuộc thơ, trong vòng 2 năm rưỡi học xong tiểu học.

Vào thời điểm đó, Liao Wei cũng bày tỏ mong muốn trở thành một nhà khoa học và phục vụ quê hương trong tương lai. Liao Wei dự định sẽ dành 2 năm để hoàn thành các tín chỉ đại học, 2 năm để đỗ vào Đại Học Thanh Hoa và 2 năm để học tiến sĩ.

Mẹ của Liao Wei khi ấy vô cùng tự hào về con. Tuy nhiên, trái với ước nguyện của ban đầu của mọi người và của chính Liao Wei, ánh hào quang thần đồng dần phai mờ. Môi trường đại học khá thoải mái để sinh viên tự giác, Liao Wei khi ấy vẫn chỉ là cậu bé 13 tuổi, không có sự giám sát của người lớn dần trở nên tự kiêu, học hành không nghiêm túc. Cậu bé bị ám ảnh bởi những trò chơi điện tử trên máy tính và trốn học thường xuyên để chơi game.

Nhận thấy thành tích học tập cũng như tần suất lên lớp của Liao Wei quá thấp nên trường đại học đã chuẩn bị khuyên cậu bỏ học để không lãng phí thời gian. Doanh nghiệp ban đầu tài trợ cho cậu bé cũng quyết định ngừng lại.

Mặc dù sau đó Liao Wei đã tỉnh ngộ và may mắn thoát khỏi việc phải bỏ học nhưng cậu buộc phải thay đổi bản thân và không còn nhận được sự quan tâm của mọi người như trước nữa.

Thần đồng 13 tuổi đã vào đại học nhưng 1 năm sau suýt bị đuổi vì sở thích tai hại - 3

Liao Wei là niềm tự hào của gia đình khi 13 tuổi đã đỗ đại học.

Nghiện game được xem là một dạng bệnh tâm thần

Các trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại ngày nay có sức hút rất lớn với thế hệ trẻ. Việc quá đam mê game không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe (giảm thị lực, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục...).

Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.

Năm 2018, chứng nghiện game được WHO xếp vào dạng rối loạn tâm thần khi các chuyên gia y tế đều đồng thuận về những nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng do việc thường xuyên chơi các trò chơi điện tử. 

Giống như bất kỳ rối loạn tâm thần khác, nghiện game có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Một người nghiện game thường sẽ tránh ngủ hoặc ăn các bữa ăn đúng giờ để tiếp tục chơi game. Mặc dù những tác động ngắn hạn của điều này có thể bao gồm đói và mệt mỏi, cuối cùng, nó là dẫn đến rối loạn giấc ngủ hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến chế độ ăn uống.

Ngoài ra, có mối liên quan rõ rệt giữa nghiện game và các rối loạn tâm thần như trầm cảm, hành vi tự sát, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu bia và sử dụng các chất gây nghiện. Nghiện game có thể là nguyên nhân gây tăng mưu toan tự sát nếu người nghiện game bị trầm cảm.

Thần đồng 13 tuổi đã vào đại học nhưng 1 năm sau suýt bị đuổi vì sở thích tai hại - 4

Chỉ vì nghiện game mà danh tiếng "thần đồng" của Liao Wei phai mờ.

Chơi game nhiều cũng gây ảnh hưởng đến não bộ. Trẻ em hay người lớn chơi game nhiều trên 10 giờ/ngày trong 1 tuần có khả năng bị giảm hoạt động của các vùng chức năng của não bộ, bao gồm các vùng tập trung chú ý, vùng ức chế và vùng quyết định thực hiện. Lâu dần có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc và nhận thức của người chơi. Các hình ảnh rối loạn chức năng não bộ trên phim MRI sau một thời gian chơi game bạo lực là có thật. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ.

Chơi game có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người chơi như:

- Luôn cảm thấy mệt mỏi, cảm giác mất năng lượng hoặc nghỉ ngơi khó lại sức do ngồi chơi game kéo dài và liên tục;

- Buồn chán, bi quan, cô đơn, bất an;

- Mất hứng thú với các thú vui, sở thích cũ, mọi thứ chỉ dồn vào game;

- Dễ cảm thấy bực dọc, cáu gắt, dễ gây gổ dù chỉ là những chuyện rất nhỏ;

- Xu hướng chống đối với người thân hoặc đồng nghiệp;

- Cảm giác vô dụng, người thừa hoặc là người có lỗi;

- Xu hướng muốn bạo lực hoặc tự sát;

- Rối loạn giấc ngủ;

- Chán ăn, ăn ít.

Nam sinh đột tử sau khi dùng điện thoại vì chơi game quá lâu
Theo Hoàng Dương Dịch từ Sohu (thoidaiplus.giadinh.net.vn)