Mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4 ở tuổi 22
Một nam sinh viên đại học (22 tuổi ở Cao Hùng, Đài Loan, Trung Quốc) đột nhiên bị ngất xỉu khi đang chạy bộ trên sân trường. Chàng trai ngay lập tức được bạn bè đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nghĩa Đại, Đài Loan, Trung Quốc.
Báo cáo xét nghiệm máu cho thấy nam sinh có nồng độ huyết sắc tố bằng một nửa so với người bình thường, bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính vùng bụng cho thấy đại tràng của bệnh nhân có một khối u.
Bác sĩ Trần Trí Nhất lập tức chỉ định phẫu thuật thăm dò ổ bụng và sinh thiết khối u cho bệnh nhân nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Bác sĩ nói: “Chúng tôi phát hiện một khối u có đường kính khoảng 7cm trong đại tràng của bệnh nhân. Các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, gan và các bộ phận khác của cơ thể. Kết quả sinh thiết cho thấy đây là khối u ác tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4”.
Nam sinh bị ngất xỉu khi đang chạy bộ, nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4. (Ảnh do AI tạo)
Khi khai thác thêm về tiền sử bệnh, bác sĩ Trần Trí Nhất, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp và Phẫu thuật Đại trực tràng tại bệnh viện thở dài: “Cơ thể bệnh nhân đã xuất hiện 3 dấu hiệu cảnh báo từ nửa năm trước”.
Cụ thể, bệnh nhân chia sẻ anh bị thay đổi tần suất đi đại tiện. Theo nam sinh, trước đây ngày nào anh cũng đi đại tiện, nhưng bắt đầu từ 6 tháng trước, khoảng 3-4 ngày anh mới đi đại tiện một lần. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị đi ngoài phân dẹt hình lá lúa và bị sụt cân không rõ nguyên nhân (sụt 15kg).
Mặc dù cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thời gian dài nhưng nam sinh không mấy bận tâm và không đi kiểm tra. Điều này khiến bệnh nhân bỏ lỡ “thời gian vàng” để điều trị ung thư đại tràng.
Khi nghe bác sĩ giải thích, nam sinh đã vô cùng sốc và hối hận vì không đi khám sớm.
Bệnh nhân sau đó đã nhập viện để điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng
Theo chuyên gia, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Cụ thể bao gồm:
- Tuổi tác: Những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn
- Tiền sử gia đình: Những người có cha mẹ, anh chị em ruột, mắc ung thư đại tràng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Hút thuốc lá và uống rượu: Hút thuốc và uống rượu làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Chế độ ăn kém lành mạnh: Những người thường xuyên có thói quen ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, ăn ít chất xơ có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng.
- Thừa cân hoặc béo phì: Tình trạng thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư đại tràng.
- Mắc một số hội chứng hoặc bệnh lý liên quan đến đường ruột: Người mắc viêm đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, đa polyp, hội chứng Lynch,... có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng
Bác sĩ Trần Trí Nhất cho biết, mỗi năm Trung Quốc ghi nhận hơn 16.000 ca mắc ung thư đại tràng mới. Nếu bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh sẽ rất cao. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân phát hiện muộn, ở giai đoạn 4, khối u đã di căn thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời ung thư đại trực tràng, mọi người cần căn cứ vào các dấu hiệu cảnh báo.
Theo bác sĩ Trần Trí Nhất, mọi người cần đặc biệt chú ý khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau:
- Tiêu chảy, táo bón, thay đổi tần suất đi đại tiện;
- Đi ngoài ra máu, phân đen, phân dẹt, phân có dịch nhầy;
- Đau bụng, đầy hơi;
- Giảm cân mà không rõ nguyên nhân;
- Thường xuyên mệt mỏi;
- Thiếu máu.
Bác sĩ Trần Trí Nhất lưu ý, khi có 1 trong các dấu hiệu kể trên, dấu hiệu diễn ra trong thời gian, không rõ nguyên nhân, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.