Theo số liệu khoa học, cơ thể con người chịu đựng được tối đa 45 đơn vị đau. Nhưng khi phụ nữ đẻ thường, người mẹ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, nó tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng một lúc. Chính vì vậy sự ra đời của phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau khi sinh được xem như "cứu cánh" tuyệt vời giúp mẹ bầu "vượt cạn" dễ dàng hơn.
Vậy nhưng không ít sản phụ và gia đình vẫn phân vân có nên thực hiện biện pháp này hay không. Và cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ ồn ào đang gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây.
Cụ thể, vào ngày 6/4 vừa qua, một đoạn video đã được đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một người phụ nữ đang mặc áo bệnh nhân hùng hổ xông lên gây chuyện với chính chồng mình. Ba nữ y tá phải rất cố gắng mới can ngăn được người phụ nữ đang nổi nóng. Thậm chí khi đã bị giữ lại, cô còn cố ném chiếc dép về phía người chồng.
Bà mẹ mới sinh tức giận, gây gổ với chồng.
Theo chú thích được đăng kèm đoạn video, người phụ nữ trong đoạn video vừa sinh con xong. Và điều khiến cô bực tức đến vậy là chồng đã không đồng ý cho sử dụng biện pháp gây tê ngoài màng cứng nên cô phải chịu rất nhiều đau đớn khi sinh. Nguyên nhân khiến người chồng kiên quyết đến vậy được cho là mẹ anh khuyên rằng gây tê vừa tốn kém vừa không tốt cho người mẹ và em bé.
Đoạn video không chỉ thu hút sự chú ý mà còn khiến cư dân mạng nổ ra tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng người phụ nữ có lý do để nổi giận vì cả người chồng và gia đình chồng đã không hiểu cho những đau đớn của mình.
"Bây giờ ai đẻ mà chẳng gây tê. Việc nhà chồng không cho cô ấy làm không chỉ khiến cô ấy đau đớn đâu mà còn gây tổn thương nữa. Cảm giác mình vất vả như vậy mà không ai hiểu, tiếc chút tiền làm mình khổ thêm", một người bình luận.
Đồng quan điểm, một bà mẹ khác chia sẻ: "Phải đến mức nào người ta mới tức giận như vậy, vừa mới đẻ xong đã muốn sống chết với chồng. Đau đẻ như gãy xương, ngày xưa không có cách nào thì phải chịu chứ bây giờ có tiêm gây tê tiếc gì mà không cho làm".
Nguyên nhân tức giận vì chồng không đồng ý cho gây tê màng cứng của bà mẹ này gây ra nhiều tranh cãi.
Trái lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng bà mẹ này đang phản ứng hơi thái quá, gây gổ ngay tại bệnh viện là điều không nên.
Một người chia sẻ: "Nhìn xem, cô ấy vẫn khỏe đến mức hùng hổ thế kia cơ mà. Chứng tỏ ca sinh đã thành công, suôn sẻ mà không cần đến thuốc giảm đau. Có gì về nhà nói chứ làm ồn ào ở ngay bệnh viện ảnh hưởng đến người khác".
"Tôi đẻ 2 đứa con đều không dùng thuốc giảm đau. Chịu khó tập luyện lúc mang bầu, học cách thở và cách rặn đúng thì vẫn sinh được thoải mái. Đừng lúc nào cũng phụ thuộc vào thuốc, chắc gì đã tốt. Mẹ chồng ngăn cản cũng là lo cho sức khỏe của cô ấy sau này thôi", một bà mẹ đưa ra ý kiến.
Hiện tại, đoạn video vẫn được chia sẻ liên tục và thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Đó là một kỹ thuật gây tê được thực hiện để giảm đau do cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ. Bác sĩ sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng. Ống thông này sau đó được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ.
Thuốc gây tê sẽ được truyền liên tục qua ống thông này để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ.
Đây là biện pháp an toàn, hiệu quả, giúp giảm đau khá nhiều và mẹ đỡ mất sức khi sinh nhưng cũng tồn tại một vài nguy cơ như:
- Nhức đầu sau gây tê ngoài màng cứng, nhưng rất hiếm: Nhức đầu sau gây tê ngoài màng cứng thường là do thủng màng cứng, có thể gặp phải ở các trường hợp có khó khăn trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nguy cơ này sẽ giảm nếu sản phụ bình tĩnh và giữ yên tư thế trong khi đặt ống thông.
- Đau lưng: Về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, 50% sản phụ không dùng phương pháp “đẻ không đau” khi đi sanh, vẫn gặp đau lưng sau sanh. Đau lưng sau sanh có thể do những nguyên nhân sau: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh do đau,…
- Biến chứng nhiễm trùng là rất hiếm (1/145.000).
- Liệt chân, là một tai biến nghiêm trọng thường là do không tôn trọng các chống chỉ định (1/500.000).