Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì để nhanh khỏi?

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì để tránh bị mất nước và nhanh khỏi là vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm khi con gặp phải tình trạng này. Vậy mẹ cần phải làm gì, mua thuốc gì khi con bị tiêu chảy?

Khi con bị tiêu chảy, nhiều mẹ sẽ bắt đầu lo lắng, hoảng loạn mà tìm hiểu xem trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì? Tuy nhiên, việc cho trẻ uống thuốc khi bị tiêu chảy còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh và đặc biệt cần phải có sự chỉ định của bác sĩ nếu trẻ còn quá nhỏ. Bởi nếu tùy tiện cho trẻ uống thuốc, mẹ có thể sẽ vô tình khiến bệnh tình của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn và thậm chí là gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Cách xác định trẻ bị tiêu chảy

Ở mỗi giai đoạn phát triển, tần suất đi ngoài của trẻ lại khác nhau. Cụ thể:

- Trẻ sơ sinh: Trẻ có thể đi ngoài 5-6 lần/ngày, thậm chí là 10 lần/ngày do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Nếu đi ngoài hơn 10 lần/ngày nhưng vẫn ăn uống bình thường, không quấy khóc hay bị sút cân thì trẻ không phải bị tiêu chảy. Ngược lại, nếu trẻ đi ngoài nhiều lần, bỏ bú sụt cân, ngủ li bì,... thì tức là trẻ đang bị tiêu chảy và mẹ cần đưa tới bác sĩ để thăm khám.

- Trẻ nhỏ: Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ thì tức là trẻ bị tiêu chảy.

tre bi tieu chay uong thuoc gi de nhanh khoi? - 1

Trẻ bị tiêu chảy thường là do nhiễm trùng dạ dày, gây ra bởi virus, vi khuẩn, kí sinh trùng. Ảnh minh họa

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy nhưng nguyên nhân chính là do nhiễm trùng dạ dày gây ra bởi virus, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng. Tình trạng này thường chỉ kéo dài 1-2 ngày là hết. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hơn 1 tuần hoặc hay tái đi tái lại thường là do trẻ đang mắc phải một số bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh đường ruột.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, cơ địa và tình trạng sức khỏe mà triệu chứng trẻ bị tiêu chảy sẽ khác nhau. Ở trường hợp nhẹ, trẻ có thể bị đau bụng, đầy hơi, sốt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần, mất nước,... Trong trường hợp nặng, trẻ thậm chí còn bị có máu trong phân, mệt mỏi, quấy khóc, ngủ li bì, sút cân,...

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì?

Khi bị tiêu chảy, trẻ bị mất nước và chất điện giải nên nguyên tắc bất di bất dịch là cần bù nước và chất điện giải cho trẻ càng nhanh càng tốt. Ở trẻ sơ sinh, mẹ nên cho con bú nhiều hơn. Với trẻ nhỏ, mẹ nên cho con ăn đồ mềm, loãng, dễ tiêu hóa.

Ngoài ra, mẹ có thể pha dung dịch oresol cho trẻ. Lưu ý, mẹ cần phải pha và sử dụng đúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

tre bi tieu chay uong thuoc gi de nhanh khoi? - 3

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc. Ảnh minh họa

Ngoài oresol, một số mẹ thường tự ý mua thuốc điều trị tiêu chảy cho con. Tuy nhiên, theo ông Benjamin Ortiz, bác sĩ nhi khoa tại Văn phòng Điều trị Nhi khoa của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, một số loại thuốc không kê đơn điều trị tiêu chảy có thể mang lại hiệu quả với người lớn và trẻ em, nhưng việc cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi uống những loại thuốc này có thể gây hại, vì chúng có thể tích tụ nhanh chóng trong cơ thể trẻ nhỏ.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, kéo dài và có triệu chứng mất nước, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng một số loại thuốc sau, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể:

- Thuốc kháng sinh.

- Sử dụng thuốc dạng bột để hòa vào trong thức ăn, nước uống hoặc sữa cho trẻ uống ngay lập tức.

- Bổ sung kẽm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi với định lượng 10mg/ngày. Với trẻ trên 6 tháng thì định lượng là 20 mg/ngày. Thời gian sử dụng kéo dài từ 10-14 ngày.

tre bi tieu chay uong thuoc gi de nhanh khoi? - 4

Khi bị tiêu chảy, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi và hay quấy khóc hơn. Ảnh minh họa

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ bị tiêu chảy và có những triệu chứng dưới đây:

- Dấu hiệu mất nước bao gồm: nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, miệng khô, khóc không ra nước mắt, tã không ướt từ 3 giờ trở lên, mắt trũng, ngủ li bì, quấy khóc,...

- Tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ

- Sốt cao (39 độ C)

- Phân có màu đen, máu hoặc mủ

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì cần tùy thuộc vào nguyên nhân và thể trạng của bé. Thuốc là do bác sĩ kê đơn, mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho con uống kẻo gây nguy hiểm cho con.

5 điều cha mẹ cần chú ý để giúp bé tránh khỏi bệnh tiêu chảy
Hà Phương (Phụ Nữ Việt Nam)