Có con là một điều tuyệt vời mà các bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ không khỏi hạnh phúc và sung sướng. Từ giai đoạn thai nghén cho đến khi em bé chào đời, cha mẹ trải qua rất nhiều cảm xúc và luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con nên tìm hiểu rất nhiều điều.
Tuy nhiên, lần đầu làm bố mẹ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và sau khi em bé chào đời, một số ông bố bà mẹ thường “hơi bất ngờ” vì đôi khi trẻ con dường như không đáng yêu như họ nghĩ.
Thực tế, trẻ sơ sinh có những "bí mật" về cơ thể mà nhiều bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ nếu biết chắc hẳn phải bất ngờ.
Trẻ vừa chào đời sẽ đỏ ửng, có những nếp nhăn giống như ‘ông bà già’
Nhiều em bé khi mới chào đời có những nếp nhăn trên người giống như người già. Một số trẻ khi mới lọt lòng toàn thân sẽ đỏ ửng với các nếp da rõ ràng trên mặt và khắp người, điều này khiến một số cha mẹ lo lắng: Liệu có phải có gì bất thường hay không? Những nếp nhăn này sẽ hết theo năm tháng hay sao? Liệu nhan sắc của con có bị ảnh hưởng bởi những nếp nhăn này?
Thậm chí, có những ông bố bà mẹ mới sinh con lần đầu đã “dở khóc dở cười” vì con mình quá xấu xí khi có những nếp nhăn như vậy. Không nhiều nhưng cũng có trường hợp mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh sau khi nhìn thấy con không "đáng yêu" như tưởng tượng.
Trẻ sơ sinh khi vừa chào đời sẽ đỏ ửng, có những nếp nhăn giống như ‘ông bà già’.
Tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì những nếp nhăn và làn da đỏ ửng của con. Nguyên nhân khiến trẻ sinh ra có nếp và làn da đỏ ửng chủ yếu là do khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ được ngâm trong nước ối khá lâu, điều này giúp thai nhi có thể được nuôi dưỡng tốt hơn.
Ở trẻ sơ sinh, lớp mỡ dưới da của bé chưa được tích lũy nhiều nên da của trẻ không được căng mọng, các lớp biểu bì da xẹp xuống vì không được lớp mỡ nâng đỡ. Do đó, theo thời gian, những nếp nhăn trên da trẻ sẽ dần biến mất, màu da đỏ ửng cũng sẽ trở nên hồng hào hơn.
Trẻ sơ sinh có thể tích dạ dày tương đối nhỏ và cần bú thường xuyên
Người lớn chỉ cần ăn ba bữa một ngày, nhưng không có nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ cần bú sữa mẹ ba bữa một ngày. Thường thì khi con khóc, các mẹ thường có thói quen cho con ăn sữa, và tần suất này sẽ lớn hơn 3 bữa một ngày rất nhiều. Bởi chỉ cho trẻ sơ sinh bú sữa 3 lần không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Vậy tại sao trẻ lại phải bú mẹ thường xuyên?
Sự thật là, dung tích dạ dày của trẻ nhỏ hơn người lớn rất nhiều, chỉ tương đương với kích thước của quả anh đào, từ 5-7ml. Sau một tuần kể từ khi chào đời, dạ dày của trẻ sẽ to hơn quả bóng bàn một chút xíu mà thôi.
Do đó, lượng sữa trẻ nạp vào mỗi lần cũng rất hạn chế, cha mẹ đương nhiên cần cho trẻ ăn nhiều hơn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để kích thích cơ thể tiết nhiều sữa hơn phù hợp với nhu cầu sữa của trẻ.
Trẻ sơ sinh có thể tích dạ dày tương đối nhỏ và cần bú thường xuyên.
Trẻ sơ sinh có khả năng điều hòa thân nhiệt cơ thể tương đối kém
Trẻ sơ sinh khả năng điều hòa thân nhiệt chưa tốt bằng người lớn, cơ quan điều nhiệt cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên con chưa thể tự mình thích ứng với thế giới bên ngoài bụng mẹ, do đó , cha mẹ nên kiểm soát nhiệt độ môi trường xung quanh.
Vì thể chất của trẻ sơ sinh còn tương đối yếu và khả năng kiểm soát thân nhiệt tương đối kém, tốt nhất cha mẹ nên kiểm soát nhiệt độ từ 25 ℃ đến 27 ℃, nhiệt độ này là thích hợp nhất cho sự tồn tại của con và sẽ khiến trẻ cảm thấy nhiệt độ tối ưu để tạo sự thoải mái.
Chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh tương đối thấp
Trẻ sơ sinh vừa chào đời, con đang dần học cách tự thích nghi với môi trường mới nên chất lượng giấc ngủ của trẻ sẽ tương đối thấp, khó đi vào giấc ngủ sâu. Ba tháng đầu tiên, giấc ngủ của trẻ rất quan trọng vì bộ não đang hoàn thiện, vì vậy ở giai đoạn này cha mẹ cần tạo môi trường yên tĩnh cho con.
Không nên gọi quá nhiều người lớn đến gặp con thường xuyên, dù con nít mới chào đời khiến ai cũng muốn ôm hôn, bế và cưng nựng nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến giờ giấc ngủ và cả chất lượng giấc ngủ của con. Không chỉ tạo môi trường yên tĩnh, cha mẹ cũng không nên cho con tiếp xúc quá nhiều người lạ vì có thể vi khuẩn và các yếu tố bất thường sẽ gia tăng dễ khiến trẻ bị ốm.
Trẻ sơ sinh vừa chào đời, con đang dần học cách tự thích nghi với môi trường mới nên chất lượng giấc ngủ của trẻ sẽ tương đối thấp, khó đi vào giấc ngủ sâu.
Trẻ sơ sinh chỉ thở bằng mũi, cần tránh cho trẻ bị khó thở
Người lớn chúng ta sẽ chọn cách thở bằng miệng khi bị ngạt mũi, tuy nhiên vì cổ họng trẻ sơ sinh có cấu tạo chưa được phát triển như ở người trưởng thành nên trẻ sẽ không dùng miệng để hỗ trợ việc thở mà hoàn toàn chỉ dùng mũi để thở trong giai đoạn này.
Do đó, cha mẹ cũng phải quan tâm trẻ hơn. Khi phát hiện có dị vật bên trong khoang mũi của trẻ, cần phải làm sạch kịp thời. Không đặt đồ chơi nhồi bông hoặc chăn bông khác xung quanh nơi con bạn ngủ, tránh để một số bé lật người, các vật mềm chặn mũi và các vấn đề về hô hấp.
Trẻ sơ sinh rất hay khóc nhưng không có nước mắt
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, chưa có nhiều biểu hiện và hành động khác và khóc là cách thức duy nhất để con giao tiếp với cha mẹ. Do đó, mọi nhu cầu của trẻ thông qua tiếng khóc như: có thể đói, muốn đi tiểu, không được khỏe, buồn ngủ...
Dù trẻ rất hay khóc nhưng cha mẹ có biết rằng khi con khóc, không có nước mắt chảy ra. Điều này là do tuyến lệ của trẻ sơ sinh chưa phát triển. Phải cho đến khi con tròn 3 tháng tuổi và lớn hơn, tuyến lệ mới hoàn thiện và bé có thể rơi nước mắt khi khóc.
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, chưa có nhiều biểu hiện và hành động khác và khóc là cách thức duy nhất để con giao tiếp với cha mẹ.
Trẻ sơ sinh thị lực kém và chỉ có thể nhìn xa 20 cm
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời chỉ “cảm nhận ánh sáng” và nhìn các vật một cách rất mơ hồ. Lúc mới chào đời, thị giác của bé chưa hoàn thiện, bé chỉ nhìn được những vật cách xa mắt khoảng 20cm và chúng chỉ có 2 màu đen, trắng.
Nguyên nhân là lúc này não vẫn chưa sẵn sàng để xử lý và giải thích những thông tin phức tạp. Do đó, khả năng xử lý màu sắc của bé vẫn còn rất hạn chế.
Trẻ sơ sinh sẽ phát triển thị giác đầy đủ vào cuối tháng thứ 9 và hoàn thiện khi bé 1 tuổi. Bé sẽ thích nhìn những màu sắc có độ tương phản cao và hình thể rõ ràng. Để tạo điều kiện phát triển thị lực đồng đều ở cả hai mắt của bé, mẹ hãy thường xuyên đổi bên vú và chiều bế bé khi cho bú. Bằng cách này, cả hai mắt của bé sẽ được kích thích thị giác như nhau.
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời chỉ “cảm nhận ánh sáng” và nhìn các vật một cách rất mơ hồ.