Theo nghiên cứu của nhóm giáo sư Giáo sư Richard Weissbourd - Đại học Harvard, giai đoạn quan trọng nhất để nuôi dưỡng não bộ cho một đứa trẻ chính là trước khi bé lên 10 tuổi. Đây được cho là "giai đoạn vàng", nếu cha mẹ biết nắm bắt, kích thích tối đa, trẻ sẽ hình thành được nền tảng thông minh rất tốt khi trưởng thành.
Trước 10 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển trí thông minh tối ưu nhất. (Ảnh minh họa)
Chính vì vậy, hành trình nuôi con thông minh không khó nếu mẹ nắm vững 4 nguyên tắc sau:
Cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ chứa một hỗn hợp các thành phần như axit béo chuỗi dài, protein và axit amin có thể chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mô thần kinh. Một số nhà sản xuất sữa luôn muốn bổ sung những dưỡng chất này vào trong sản phẩm dinh dưỡng của mình để hỗ trợ phát triển tối đa các mô thần kinh cũng như trí thông minh cho trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn giúp phát triển trí thông minh cho bé từ những năm đầu đời. (Ảnh minh họa)
Chế độ dinh dưỡng cho “Giai đoạn vàng”- từ 1-10 tuổi
Theo chia sẻ từ bác sĩ tâm lý người Nhật Bản - Hideki Wada, ông cho biết não bộ con người phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất trong 10 năm đầu đời. Trẻ dưới 10 tuổi, não bộ trong quá trình hoàn thiện đầy đủ và tối đa, qua tuổi thứ 10 sẽ bước sang một giai đoạn khác, não bộ phát triển chậm hơn. Trong khi đó, sự phát triển não bộ ở trẻ cũng như trí thông minh phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là gen di truyền, sự rèn luyện học tập và chế độ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, không có chính xác một loại thực phẩm giúp trẻ thông minh mà chỉ có các chất dinh dưỡng trong thực phẩm có tác dụng hỗ trợ để phát huy những tiềm năng di truyền về gen thông minh sẵn có. Các chất dinh dưỡng này được nhiều nghiên cứu chỉ ra như chất đạm, iot, sắt, axit folic, DHA.
DHA có tỉ lệ rất cao trong chất xám (chiếm tới 1/4 lượng chất béo trong não) giúp tạo ra trí thông minh trong cơ thể của trẻ nhỏ. Cơ chế hoạt động của chúng là kích thích độ nhạy của các nơ ron thần kinh, dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. DHA được tìm thấy nhiều trong các loại cá thu, cá hồi, gan cá, dầu cá hoặc các loại hạt có dầu, lòng đỏ trứng.
Ngoài DHA, nếu trẻ thiếu i-ốt dễ bị thấp còi, tổn thương các thế bào thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Hay tình trạng thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, trẻ học tập kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Các acid béo không no chuỗi dài - thành phần chiếm 60% trong não bộ trẻ cũng cần được cung cấp đầy đủ cho con.
Chất đạm (protein) được coi là chất nền móng phát triển não bộ, giúp trẻ đạt chiều cao và cân nặng chuẩn. Thiếu hụt chất dinh dưỡng này khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ hơn các bạn đồng lứa.
Theo một nghiên cứu về trẻ em ở Tây Kalimantan, Indonesia cho thấy trẻ thấp còi thể nặng có điểm IQ thấp hơn đáng kể so với trẻ thấp còi ở mức độ nhẹ. Việc đảm bảo cân nặng và chiều cao đạt chuẩn cho có mối quan hệ mật thiết với sự hình thành trí não và phát triển trí thông minh cho trẻ.
Vì vậy, với trẻ biếng ăn, trẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng, mẹ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt giàu năng lượng giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng, hỗ trợ cải thiện sự phát triển của não bộ.
Mẹ có thể bổ sung sữa vào bữa ăn phụ của bé. Đối với trẻ từ 1 tuổi, sữa chiếm 70% khẩu phần ăn, trẻ từ 2 tuổi trở lên vẫn cần uống ít nhất 1 cốc/ ngày.
Ngoài ra, không nên cho trẻ sử dụng nước ngọt có ga vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ vitamin, khoáng chất và các axit béo – các chất có liên quan mật thiết đến chỉ số IQ.
Giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển trí thông minh của trẻ
Theo một công bố của tạp chí Y khoa Anh quốc cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa giấc ngủ với sự phát triển trí não của trẻ. Theo đó, những bé dưới 3 tuổi không được ngủ theo một thời gian biểu nhất định, khi trưởng thành, kỹ năng đọc, học toán và nhận thức sẽ chậm hơn khi trưởng thành. Do đó, giấc ngủ có vai trò quan trọng với sự phát triển não bộ ở trẻ. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ giấc và thoải mái nhất.
Rèn luyện trí thông minh cho trẻ
Một nghiên cứu năm 1995 cho thấy sự thành công trong học tập và trí thông minh của một đứa trẻ có mối liên hệ chặt chẽ với số lượng từ mà chúng nghe được khi còn nhỏ. Chính vì thế, giao tiếp thường xuyên với con cái chính là cách cha mẹ rèn luyện tư duy thông minh cho bé.
Khi cha mẹ nói chuyện, hát, chỉ đồ vật để bé chạm vào đồ vật chính là lúc bạn đang đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của con. Việc con nghe và hồi đáp lại những lời nói, hiệu lệnh của cha mẹ cũng là lúc não bộ bé phản ứng lại khi được tác động, con học cách giao tiếp tốt hơn.
Ngoài ra, nên cho bé tiếp cận với những món đồ chơi kích thích, xây dựng trí não và đọc sách. Đọc sách là cách rèn luyện não bộ cho trẻ. Sách vở mở ra chân trời tri thức vô cùng rộng lớn không chỉ cho bé mà cho cả cha mẹ. Hãy khuyến khích thói quen đọc sách của con và đọc sách cùng con khi có thể. Đây cũng là cách để con tự tin hơn trong mọi lĩnh vực.