Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bản thân mà còn gây hại cho những người xung quanh. Ngoài gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tiết niệu, các chất độc hại trong khói thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, ung thư. Đặc biệt, với phụ nữ đang mang thai thì nên tránh càng xa khói thuốc càng tốt.
Dù biết khói thuốc chẳng hề tốt lành chút nào nhưng một người phụ nữ mang thai vẫn không thể cưỡng lại được cơn nghiện. Cô ta vẫn hút một điếu thuốc sau mỗi bữa ăn và thậm chí còn lầm tưởng uống sữa có thể giải độc được nhưng không ngờ lại gây ra bi kịch.
Thai phụ vẫn hút thuốc khi mang thai và nghĩ rằng uống sữa là có thể giải độc. Ảnh minh họa
Bệnh viện Nam Đầu ở Đài Loan mới đây đã chia sẻ về một trường hợp của sản phụ họ Trần (22 tuổi). Bác sĩ tại bệnh viện cho biết, thai phụ này vốn có thói quen hút thuốc lá. Sau khi biết mình có thai, thay vì cố gắng bỏ thuốc thì mẹ bầu lại thay đổi tần suất hút thuốc từ 1 bao xuống 3 điếu mỗi ngày ngay sau bữa ăn.
Dù biết hút thuốc không tốt cho sức khỏe của bản thân và thai nhi nhưng bà mẹ trẻ vẫn không tài nào khống chế được cơn nghiện của mình. Nghe phong thanh uống sữa có thể giải độc nên mỗi lần hút thuốc xong, chị Trần đều uống một ly sữa vì nghĩ như vậy sẽ không ảnh hưởng tới thai nhi.
Thế nhưng, mới đây người phụ nữ đã phải tới bệnh viện thăm khám khi bị đau bụng dữ dội. Sau khi được hẹn siêu âm lại vào tuần 33 thì các bác sĩ phát hiện nhau thai rất kém, bị vôi hóa nặng và có nguy cơ chị Trần phải sinh non. Khi nghe chị Trần chia sẻ về thói quen sinh hoạt, bác sĩ rất tức giận và còn mắng chị thiếu hiểu biết. Hút thuốc đã là sai lầm mà chị còn tin vào việc uống sữa sau đó có thể... giải độc, một quan niệm hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Bác sĩ sản phụ khoa Hoàng Tử Phi tại Bệnh viện Nam Đầu cho biết, nhau thai đảm nhận nhiệm vụ cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, tuổi thai càng lớn thì độ trưởng thành của nhau thai càng cao và thường bắt đầu bị vôi hóa sau 32 tuần.
Bác sĩ sản phụ khoa Hoàng Tử Phi tại Bệnh viện Nam Đầu
Bác sĩ Hoàng cũng nhắc nhở rằng, các yếu tố như hút thuốc là và uống rượu có thể làm tăng tốc độ vôi hóa nhau thai. Trong trường hợp của chị Trần, dù vôi hóa nhau thai xảy ra ở tuần thứ 33 nhưng tình trạng đã rất nghiêm trọng.
Rõ ràng là nhau thai đã bị lão hóa và ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng của thai nhi. Nếu vôi hóa nhau thai xảy ra khi thai nhi chưa đủ lớn thì có thể phải đánh giá tình trạng thai trong bụng mẹ. Nếu thấy rõ là thai nhi bị thiếu oxy thì cần phải phẫu thuật sinh sớm, nếu không thai nhi sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng và khi kết hợp với tình trạng thiếu ối sẽ gây ra nhiều rủi ro, thậm chí là đe dọa tới tính mạng.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc khi mang thai có thể làm tăng quá trình vôi hóa nhau thai. Theo thông tin từ Cơ quan Y tế Quốc gia, phụ nữ mang thai hút thuốc có thể khiến thai nhi tiếp xúc với các chất độc hại như hắc ín, nicotin, carbon dioxide và nicotin, làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến nhẹ cân, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng trí tuệ của bé. Vì vậy, phụ nữ nên tránh xa khói thuốc càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.