Mang thai là quãng thời gian 9 tháng 10 ngày dài đằng đẵng mà mỗi người mẹ phải trải qua biết bao khó nhọc. Bên cạnh chuyện ốm nghén, nhức mỏi người, chán ăn, khó ngủ,… thì mẹ bầu còn phải theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ như huyết áp cao, tiền sản giật, ứ mật hoặc tiểu đường trong thai kỳ. Vì nếu không được theo dõi và thăm khám kịp thời, tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Giai Kỳ lên xe hoa theo chồng vào năm ngoái sau một đám cưới nhỏ được tổ chức ở Triết Giang (Trung Quốc). Tháng 6 năm nay, cặp đôi hạnh phúc tột độ khi Giai Kỳ thông báo mình đã có thai. Ngay lập tức, chồng cô liền yêu cầu vợ ở nhà nghỉ ngơi dưỡng thai, một mình anh có thể lo lắng được cho gia đình.
Vì hai bên gia đình nội ngoại ở xa, cộng thêm việc nghén nặng nôn ói liên tục nên Giai Kỳ chỉ đi khám thai có 2 lần. Đó là lần đầu khám xem có thai không và lần thứ 2 là khi thai nhi được 12 tuần. Sau đó, mẹ bầu này chỉ ở nhà dưỡng thai nghỉ ngơi thoải mái. Chính vì thế, cân nặng của cô tăng lên nhanh chóng.
Vì chỉ ở nhà ăn với ngủ để dưỡng thai nên cân nặng của Giai Kỳ tăng lên nhanh chóng (Ảnh minh họa)
Khi bầu được 5 tháng, Giai Kỳ thường xuyên cảm thấy bị chóng mặt, người lúc nào cũng mệt mỏi, kiệt sức. Lúc này cô muốn đến bệnh viện khám xem sao nhưng một vài bà mẹ khác trong xóm nói rằng đó là hiện tượng bình thường, hơn nữa, việc siêu âm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Do đó, vợ chồng Giai Kỳ quyết định không đi khám thai nữa.
Cuối tuần trước, chồng Giai Kỳ đang ngủ bỗng tỉnh giấc khi nhận thấy cả đêm mà vợ không hề nhúc nhích một chút nào. Anh liền nâng người gọi vợ nhưng cô không hề trả lời. Tức thì, anh liền đưa Giai Kỳ vào viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ tức giận hỏi: “Tại sao vợ bị huyết áp cao mà đến giờ anh mới đưa cô ấy vào viện? Anh làm chồng kiểu gì vậy?”. Đến lúc này, chồng của Giai Kỳ “chết lặng”, anh hoàn toàn không biết vợ mình bị huyết áp cao, anh chỉ biết vợ hay bị chóng mặt thôi. Bác sĩ không nói gì nữa chỉ thông báo tin buồn, vợ anh đã ra đi do vỡ mạch máu não vì huyết áp cao và thai nhi cũng đã bị tử vong vì ngạt do người mẹ hôn mê quá lâu.
Nghe tin, chồng Giai Kỳ chỉ biết đứng khóc nức nở. Giá như ngay khi vợ bị chóng mặt anh nên đưa vợ vào viện khám thì có lẽ bây giờ anh đã không bị mất cả vợ lẫn con.
Cao huyết áp lại không được cấp cứu kịp nên cả hai mẹ con thai phụ đã tử vong (Ảnh minh họa).
Theo bác sĩ, cứ trong khoảng từ 8 – 12 thai phụ thì sẽ có 1 người bị huyết áp cao. Đây là một bệnh lý thường xảy nhất thai kỳ, và nếu không được phát hiện sớm cũng như kiểm soát và điều trị kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Bởi vì cao huyết áp có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm sau:
1. Các vấn đề đối với mẹ bầu
- Tiền sản giật: Khi bị cao huyết áp, một số cơ quan như thận và gan của mẹ bầu có thể sẽ không hoạt động bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng tiền sản giật. Tiền sản giật là một bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tổn thương thận, gan và não. Nghiêm trọng hơn nữa, nó còn khiến mẹ bầu bị co giật và hôn mê.
- Nhồi máu cơ tim: Huyết áp cao trong thai kỳ có thể gây áp lực lên một số cơ quan, trong đó có tim, dẫn đến đau tim, suy tim, đột quỵ.
- Suy thận: Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi thận không hoạt động tốt và tạo điều kiện cho chất thải tích tụ trong cơ thể.
2. Các vấn đề đối với trẻ sơ sinh
- Sinh non: Khi bị cao huyết áp dẫn đến tiền sản giật thì các mẹ bầu sẽ có khả năng sẽ phải sinh non. Sinh non không chỉ khiến em bé nhẹ cân, mà còn có thể kém phát triển về thể chất như bị khiếm thính, khiếm thị, suy tim và kém phát triển về trí não như bại não…
- Hạn chế sự phát triển của bào thai: Huyết áp cao có thể sẽ thu hẹp các mạch máu trong dây rốn – sợi dây kết nối cung cấp máu và oxy từ mẹ sang thai nhi. Điều này dẫn đến tình trạng em bé không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng nên chậm phát triển.
- Sảy thai: Huyết áp cao ở mẹ bầu còn khiến em bé chết một cách tự nhiên vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
Do đó, để bảo vệ bản thân và thai nhi, các mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ và đúng kỳ hạn. Nếu bạn bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn uống dựa trên tình hình sức khỏe thực tế. Ngoài ra, mẹ bầu cũng chỉ nên ăn thực phẩm lành mạnh, hạn chế ăn đồ mặn có nhiều muối vì nó sẽ làm huyết áp của bạn bị đẩy lên cao. Hãy cố gắng vận động 30 phút mỗi ngày để kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng và phòng ngừa tình trạng tiền sản giật.