Ngày 12/7/2021, làng giải trí Việt đón chào một thiên thần nhí - cô bé Chaudhary Vaishali Tây Phương (tên thật mật là Moon), con gái của Võ Hạ Trâm và ông xã doanh nhân người Ấn Độ. Em bé lai đáng yêu, có khuôn mặt giống bố như khuôn đúc, sở hữu nhiều biểu cảm hài hước nhanh chóng nhận được sự yêu mến của mọi người. Moon giờ đây "chiếm sóng" mẹ Trâm trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý không kém nữ ca sĩ nổi tiếng. Hành trình lớn khôn của con cũng vì thế được khán giả khắp cả nước dõi theo.
Bé Moon chào đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ.
Cô bé đáng yêu nay đã hơn 3 tháng tuổi, "hút" sóng không kém người mẹ nổi tiếng.
Về phần mình, từ khi lên chức, Võ Hạ Trâm gần như tạm thời "trút bỏ" hình tượng một ca sĩ lộng lẫy. Cô bình dị hơn, cũng "đầu bù tóc rối" như ai, dành cả ngày xoay quanh con gái và say mê kể chuyện bỉm sữa. Lắng nghe tâm sự của Võ Hạ Trâm trong tâm thế một người mẹ, khán giả có thể hiểu thêm về tình yêu con và nguồn năng lượng dồi dào, giúp nữ ca sĩ luôn cảm thấy hạnh phúc trên hành trình lần đầu làm mẹ.
Từ ngày có con, cuộc sống gia đình mình có nhiều thay đổi không? Chị đã làm quen với vai trò mẹ bỉm sữa như thế nào?
Có thể nói Moon đến với vợ chồng Trâm là một cái duyên, và là một món quà tinh thần mà Trời Phật đã ban cho tôi, dạy cho tôi nhiều bài học yêu thương để trưởng thành hơn. Trong lúc cả thành phố gần như “đóng băng”, quanh quẩn trong nhà chỉ có gia đình nhỏ, tôi lại thấm thía hơn hai chữ “gia đình”.
Những lúc bận rộn với nhịp sống thường ngày, tôi và ông xã thường có thói quen hướng ra bên ngoài nhiều hơn để mưu sinh, giao tế, mang về cho bản thân nhiều cơ hội; nhưng đợt dịch vừa rồi, đặc biệt là từ khi có em Moon, vợ chồng tôi đã học cách hướng vào bên trong, sống chậm lại để yêu thương nhau nhiều hơn. Cuộc sống mẹ bỉm của tôi đã bắt đầu một cách nhẹ nhàng như thế.
Bé Moon chào đời vào giữa mùa dịch ở TP.HCM. Con là món quà gắn kết cả gia đình, mang thiên chức làm mẹ đến với Võ Hạ Trâm.
Cảm xúc của chị trong lần đầu gặp mặt con? Em bé có giống như trong tưởng tượng của chị trước đó không?
Lần đầu gặp con thì gương mặt bé vẫn chưa rõ nét. Khi đó, con chỉ khóc thôi nên tôi chưa thấy rõ gương mặt của bé. Cảm xúc lúc đó của tôi cũng như bao người mẹ khác là rất xúc động khi được nghe tiếng khóc đầu đời của con. Bên cạnh đó tôi cũng rất lo lắng, chỉ cầu mong em bé sẽ khỏe mạnh, đầy đủ tay chân và khóc thật to để báo hiệu với mẹ là con khỏe.
Sau khi con chào đời, tôi cảm thấy nhẹ nhõm bởi vì trộm vía con rất khỏe mạnh, khóc to và sau vài ngày thì lại rất xinh xắn nữa. Con trông giống hệt như hình siêu âm mà mỗi tháng tôi được xem khi đi khám thai. Từ trong phim siêu âm con đã hình thành rõ nét của bố rồi nên khi con chào đời, được tắm rửa sạch sẽ thì cảm nhận đầu tiên của tôi là con giống bố vô cùng.
Lúc mang thai, tôi không tưởng tượng gì về nhan sắc của con hết. Tôi chỉ mong con giống bố và tôi tin là khi mang thai, mình tiếp xúc và yêu ai nhiều thì con sinh ra sẽ giống người đó.
Ngay từ khi mới chào đời, bé Moon đã là "bản sao" của bố.
Bé Moon giống bố như khuôn đúc. Võ Hạ Trâm có buồn vì con giống bố, không giống mẹ?
Tôi không buồn chuyện con giống bố vì khi mang thai, tôi cũng mong bé giống bố để con thừa hưởng những nét đẹp lai như mắt to, lông mi cong, mũi cao,... Tôi luôn ước nguyện như thế vì con giống bố sẽ đẹp hơn, còn giống mẹ sẽ không đẹp bằng.
Chị chia sẻ thêm về phản ứng của ông bà 2 bên trong lần đầu gặp cháu nhé?
Lần đầu thấy cháu, mẹ ruột tôi đã cảm thán: “Trời ơi, tạc y đúc như ba, không khác một nét” và khen tôi đẻ mướn rất giỏi (cười). Sau đó bà ngoại rất mong hết giãn cách để được gặp cháu vì Moon sinh ra trong mùa dịch nên ông bà ở Việt Nam cũng chỉ được ngắm con qua ảnh và video.
Mẹ chồng tôi thì rất vui mừng. Ngày tôi sinh, chồng tôi có facetime với gia đình ở bên Ấn Độ và mọi người đều rất háo hức. Mẹ chồng gần như muốn nhảy cẫng lên và nhảy múa luôn khi thấy cháu. Ở bên Ấn, khi một em bé chào đời là sự kiện vô cùng lớn nên tình cảm và cách thể hiện của gia đình chồng đều rất mạnh mẽ.
Tôi còn nhớ là khi mình đang nằm hồi sức thì mẹ chồng luôn hỏi thăm chồng tôi sức khỏe tôi như thế nào. Khi tôi hồi phục, mẹ chồng đã gọi điện thoại trò chuyện ngay và tôi nhớ là bà đã khóc rất nhiều. Bà xem tôi như con gái ruột và thương tôi phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như vậy nên đã khóc. Bà còn động viên tôi rồi nhắn nhủ chồng tôi phải chăm sóc vợ thật tốt.
Hiện tại trang cá nhân của Võ Hạ Trâm ngập tràn hình ảnh của bé Moon. Dường như phần lớn cuộc sống của chị đều xoay quanh con?
Hoàn toàn chính xác. Tất cả mọi mặt trong cuộc sống của tôi hiện nay đều hướng đến con. Không phải là dịch mà mình mới gắn với con như thế, mà là ngày từ hành trình thai nghén con, tôi đã tự nhủ sẽ dành một thời gian ít nhất là một năm để chăm cho con thật tốt, từ chuyện ưu tiên cho con bú sữa mẹ đến việc chọn bỉm, quần quần áo áo.
Những tấm hình, video về Moon được đăng trên Facebook đều là tấm hình tôi yêu thích, tôi nhìn ngắm nó mỗi ngày mà luôn cười tít mắt. Các mẹ bỉm khác thấy hình em Moon đều hạnh phúc lây thì huống gì là tôi, đúng không?
Hỏi thật có khi nào chị cảm thấy ngột ngạt không? Nếu có, chị đã giải tỏa áp lực và những cảm xúc tiêu cực như thế nào?
Những ngày đầu tiên khi về nhà với em Moon là khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi vì lúc đó cả 2 mẹ con và vợ chồng tôi đều không hiểu nhau. Những lúc con khóc giữa đêm đòi ti mẹ, ti xong vẫn khóc, chồng thấy xót con thì cứ đòi tôi mớm cho con tiếp nhưng em bé đã chạm ngưỡng rồi. Tiếng khóc con có thể nói là một nỗi “ám ảnh” với mình lúc đó, mình không trách bé được vì con còn nhỏ và luôn muốn ra tín hiệu gì đó cho bố mẹ.
Tôi đã đọc sách, tham khảo tài liệu về nuôi con khoa học nhưng đôi lúc cũng không tài nào hiểu được con, rồi đâm ra tự trách cứ, chán ghét bản thân mình. Tôi còn nhớ mình đã khóc với chồng nhiều tiếng đồng hồ liền để trút hết tâm sự, nhờ vậy anh ấy hiểu tôi và con hơn, giúp đỡ hai mẹ con nhiều hơn trong chuyện bỉm sữa.
Chị chia sẻ thêm về tình huống khi đó nhé, ông xã đã động viên chị như thế nào?
Những ngày đầu chăm con là những ngày tháng mà có rất nhiều bỡ ngỡ và cảm xúc, không tránh khỏi những lúc mình cảm thấy căng thẳng. Tôi không ngủ được nên rất cáu gắt và stress.
Tôi tâm sự với chồng là tôi cảm thấy không còn là chính mình nữa. Cuộc sống quá khác biệt so với ngày xưa. Trước đây tôi tự do, được đi đây đi đó. Còn bây giờ tôi phải ở nhà, làm những công việc giống nhau liên tục và cảm thấy rất bức bối.
Ông xã đã luôn ở bên cạnh và dành cho tôi những lời động viên tích cực. Anh hiểu được vợ đang đối mặt với những thay đổi lớn. Khi đó, anh có an ủi: "Những ngày giãn cách ở nhà, ai cũng có cảm xúc như vậy. Tuy nhiên nếu nhìn vào mặt tích cực thì mình quá may mắn khi có thêm một thiên thần nhỏ - là một phần của cả anh và em. Mình hãy cố gắng vượt qua để dành những điều tốt nhất cho con.
Hãy xem đây là một món quà mà ông trời đã ban tặng. Hãy xem đây là một điều ý nghĩa em có thể làm trong mùa dịch. Nếu mà không có con thì em còn buồn chán và bức bách hơn. Còn bây giờ em có một đứa bé, em chăm sóc nó, yêu thương nó thì một ngày trôi qua rất nhanh".
Chính lời động viên đó và sự săn sóc của chồng đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn sớm mà không bị trầm cảm sau sinh.
Ngược lại, khoảnh khắc nào làm chị cảm thấy hạnh phúc nhất? Chị chia sẻ thêm về những niềm vui thường ngày chỉ có được sau khi Moon chào đời nhé?
Cũng giống như những mẹ bỉm khác, tôi thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy con lớn lên từng ngày, thấy được nhiều điểm “nổi bật” của con so với các bạn cùng trang lứa. Như là em Moon rất thích “hóng chuyện”, thấy ba làm gì trên điện thoại là nhìn vào màn hình ngay, hay thấy mẹ đang nói chuyện với các cô là Moon nhìn chăm chăm vào miệng mẹ có vẻ như để nghe xem mẹ đang nói gì. Hay đang giỡn với Moon, đột ngột mẹ chuyển sắc mặt và khóc mếu, em đều quan sát và cũng chuyển sắc mặt theo mẹ. Tôi mong là đây là những dấu hiệu sơ khởi tính cách thích quan sát, thấu cảm từ con gái của mình.
Võ Hạ Trâm chia sẻ con gái thích hóng chuyện, quan sát và có biểu hiện thấu cảm từ bé.
Bé Moon sở hữu loạt biểu cảm nghiêm nghị rất nổi tiếng. Ngoài đời con có tính cách như thế nào, có “nghiêm nghị” như trong ảnh mẹ đăng tải không?
Moon hay làm trò lắm. Đến giờ tôi vẫn còn bật cười như những ngày đầu tiên thấy nét mặt “quạu quọ” của Moon, giờ là “đặc điểm nhận dạng” của em trên mạng xã hội luôn rồi. Nhờ vậy tôi mới nhận ra con mình có yếu tố “nghệ sĩ hài” giống mình, luôn tỏ ra vui vẻ, hoà đồng với mọi người, không khóc quấy như những ngày đầu tiên nữa.
Những ngày đầu sau giãn cách, em được ba mẹ đưa về nhà ngoại chơi, tuy gặp gỡ bà ngoại, cô chú lần đầu tiên nhưng em được luôn danh hiệu “hoa hậu thân thiện” khi cười nói, hóng chuyện hết người này đến người kia, đến mức bà ngoại còn bảo vui là mẹ Trâm ngày xưa đã “dễ dãi” giờ gặp em Moon còn “dễ dãi” hơn nữa, “bó tay” hai mẹ con Trâm luôn.
Moon có bộ sưu tập biểu cảm đa dạng, là một "nghê sĩ hài" giống mẹ Trâm.
Thời gian gần đây Moon nhận được nhiều chú ý. Song song với tình yêu thương của mọi người, con cũng gặp những bình luận ác ý. Suy nghĩ của chị về vấn đề này? Chị sẽ bảo vệ con như thế nào?
Thật tình tôi không chú ý đến những lời bình luận tiêu cực đó vì tôi tin rằng mỗi người đều có quan điểm dạy con riêng, nên đôi khi cách nuôi con của mình chưa được phổ quát nên mọi người cảm thấy lạ lẫm, rồi từ đó có những bình luận nghi ngại. Nghĩ kỹ lại họ cũng đều có ý tốt để đưa ra ý kiến giúp mình nuôi con tốt hơn mà thôi.
Những điều tôi chia sẻ về chuyện sinh con, chăm con đều ở trang cá nhân cả và đều được các mẹ bỉm sữa, đặc biệt là các mẹ hiện đại vào ủng hộ và góp thêm ý kiến. Nên tôi nghĩ ai đủ duyên, hợp năng lượng và đồng ý với quan điểm của mình, họ sẽ tự tìm đến mình và giúp mình lan toả những điều đúng đắn, tích cực đến với nhiều người hơn.
Chị thuộc tuýp mẹ bỉm sữa nào, tự tay chăm con từ A-Z hay nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh để cân bằng thời gian cho bản thân?
Đầu tiên là do dịch, thứ nữa là bản tính của vợ chồng tôi từ đầu là độc lập nên cũng rất sợ gây ra sự phiền hà cho những người thân, thậm chí là mẹ đẻ hay mẹ chồng tôi, nên chúng tôi tự tay chăm con và có sự giúp sức của vú nuôi.
Mọi người hỏi tôi có ngột ngạt không khi ở trong nhà chỉ có chồng con, bỉm sữa thì đến giờ tôi cũng không cảm nhận được điều đó vì vợ chồng tôi đều “chia ca kíp” để chăm con. Sau những giờ đọc kinh là giờ tôi tự tập thể dục, những lúc đó anh Vikas sẽ giúp tôi trông con, nếu con có khóc hay tỏ ra khó chịu thì đã có bà vú “trợ giúp”.
Buổi sáng sớm hay tối muộn là giờ của mẹ chăm Moon vì công chuyện tã bỉm, vệ sinh, bú mớm hay ru con ngủ thì người phụ nữ sẽ quán xuyến khéo léo hơn đàn ông. Giờ sinh hoạt gia đình là 7h tối, dù con còn bé nhưng vợ chồng tôi luôn muốn đặt cái nếp này từ bây giờ để vợ chồng tôi tự nhắc nhau dù làm gì hay bận gì đều phải sắp xếp thời gian chung cho con.
Chị chia sẻ thêm về quyết định cho con ăn chay trường nhé? Nhiều mẹ bỉm sữa cho rằng ăn chay trường không đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé. Quan điểm của chị về vấn đề này?
Chuyện mẹ bỉm ăn chay trường, chăm con không phải là chuyện hiếm trên thế giới, mà ngược lại lối sống này càng ngày càng được ưa chuộng, nhân rộng ở nhiều nơi. Ý thức được việc mình ăn chay trường nên từ lúc thai nghén, tôi đã tự mình tìm đến chuyên gia dinh dưỡng để cố vấn cho cả mẹ và con đến hiện tại.
Tuy mẹ ăn chay nhưng trộm vía tôi vẫn thấy con phát triển một cách khoẻ mạnh như các em bé khác, ít bệnh vặt nữa. Đôi khi Moon có những biểu hiện về xương có phần nhỉnh hơn các bạn khác như mới có 2 tháng tuổi mà xương cổ em đã cứng cáp như các em bé phát triển 4 tháng tuổi hay lực ở tay chân em khá mạnh, điều đó làm vợ chồng tôi yên tâm hơn về phương pháp dinh dưỡng mà chúng tôi đang theo đuổi đến giờ.
Moon hiện tại khỏe mạnh, trộm vía cứng cáp hơn những bạn cùng trang lứa, phần nào chứng minh chế độ dinh dưỡng - ăn chay trường của mẹ phù hợp với con.
Ông xã hỗ trợ chị như thế nào trong việc chăm con? Anh ấy có phải là ông bố đảm chăm con khéo không?
Ngoài việc dần hiểu con hơn thì tôi tự trao cúp vàng cho mình ở mảng “training” (huấn luyện - PV) ông chồng trở thành ông ba xuất sắc của năm (cười to). Thiệt là như vậy.
Còn nhớ những ngày đầu tiên chăm con, anh không dám ẵm con luôn vì anh thấy con còn bé quá, ẵm không đúng sẽ làm đau con. Nên những lúc mẹ tắm, bà vú đi chợ, ba nằm chơi với con thì xác định mẹ tắm xong luôn thấy ba mướt mồ hôi. Hay như con khóc thét là thể nào mẹ cũng vừa ru con vừa trấn an ông chồng để ổng ngồi yên cho vợ ru con ngủ, anh chồng ảnh được cái tính điềm đạm nhưng hay rối trong những lúc cấp bách.
Đến bây giờ anh được gọi là ông bố “master” (chuyên gia) rồi, sau vài tháng được tôi huấn luyện, giờ mà mẹ bảo mẹ đi tập gym, hai bố con tự chăm nhau thì anh nhà tự tin hơn hẳn: "Cứ để anh lo". Nếu chấm điểm, chắc tôi chấm anh 10 điểm cộng thêm 2 điểm tự tin nữa (cười).
Từ ông bố bế con cũng "nhát" tay, chồng Võ Hạ Trâm được vợ huấn luyện thành bố đảm.
Là một gia đình đa văn hóa, mẹ chồng chị ở Ấn Độ và cả mẹ đẻ chị ở Việt Nam có mâu thuẫn về việc nuôi dạy bé Moon không? Chị đã dung hòa sự khác biệt như thế nào để tốt nhất cho mẹ và bé?
Mẹ chồng tôi là người có sự thấu cảm đặc biệt với người khác, đặc biệt là với tôi. Vì do hoàn cảnh dịch bệnh, trong hành trình thai nghén, sinh nở đều không có sự có mặt của bà kề bên nên bà nghĩ đó là điều thiết sót khiến tôi phải “hy sinh” khá nhiều. Chính vì thế, bà luôn tôn trọng và để tôi “toàn quyền” quyết định việc nuôi dưỡng con, có chăng bà sẽ nhắc anh chồng Vikas bớt lo chuyện kinh doanh mà phụ vợ việc chăm con.
Một phần nữa là từ đầu hai vợ chồng tôi cũng đã cật lực thuyết phục mẹ đẻ và mẹ chồng tôi hãy trao quyền để chúng tôi được nuôi con một cách khoa học nhất và may mắn là hai mẹ đều đồng ý, tán thành ý kiến đó.
Làm mẹ trong gia đình đa văn hóa, Võ Hạ Trâm may mắn được ông bà 2 bên thấu hiểu và sẻ chia, toàn quyền nuôi dạy con.
Cảm ơn Võ Hạ Trâm vì đã chia sẻ! Chúc chị và gia đình có thật nhiều niềm vui và sức khỏe.