“Ở cữ” là khái niệm chỉ khoảng thời gian mà các mẹ sinh khi sinh con sẽ nghỉ ngơi, bồi bổ tối đa để cơ thể nhanh chóng phục hồi sau quãng thời gian mang thai và sinh nở tốn nhiều sức lực. Và thường thì sau 1 tháng ở cữ, chị em nào cũng vui mừng khi thấy cơ thể của mình đã khỏe hơn rất nhiều nên tự tin làm mọi việc mình thích hoặc cần. Song, thực tế thì không phải người mẹ nào ở cữ ra cũng khỏe mạnh cả.
Khi Tiểu Dĩnh (25 tuổi, sống ở Côn Minh, Trung Quốc) sinh con, nhóm bạn thân của cô đã cùng nhau đến nhà thăm bà đẻ. Tuy nhiên, vì mới “vượt cạn” nên trông Tiểu Dĩnh lúc đó rất nhợt nhạt, yếu ớt, thiếu sức sống. Ai cũng khuyên cô nên nghỉ ngơi cho thật tốt trong thời gian ở cữ, chịu khó ăn uống bồi bổ để mau hồi phục.
Vừa sinh con xong nên Tiểu Dĩnh trông yếu ớt, nhợt nhạt, mệt mỏi nên ai cũng khuyên cô hãy nghỉ ngơi nhiều trong thời gian ở cữ (Ảnh minh họa)
Vì bận con mọn nên mãi đến khi con được 6 tháng, Tiểu Dĩnh mới có dịp hội ngộ lại với nhóm bạn thân. Trong khi hầu hết mọi người đều nhận xét bà mẹ này đã hồi phục tốt, thậm chí, ngay cả bản thân Tiểu Dĩnh cũng cảm thấy như vậy, thì có một cô bạn đột nhiên nhận xét: “Tiểu Dĩnh, hình như dạo này em ngủ không đủ giấc”.
Nghe câu nói, Tiểu Dĩnh choáng váng, liền đáp: “Không, em vẫn ngủ đủ và nghỉ ngơi nhiều sau khi em bé”. Vậy nhưng, người bạn lắc đầu nói: “Chị không nói về thời gian em ngủ, chị đang muốn nói đến chất lượng giấc ngủ của em. Có vẻ như em ngủ không ngon”.
Đến đây thì Tiểu Dĩnh đành thừa nhận rằng đúng là từ khi sinh con, cô ngủ không ngon. Mặc dù thời gian ngủ nhiều nhưng cô ngủ rất nông, thường xuyên bị tỉnh giấc và dễ gặp ác mộng. Sau đó, Tiểu Dĩnh đã hỏi người bạn vì sao lại biết điều này.
Tiểu Dĩnh tiết lộ đúng là cô ngủ rất nông, thường xuyên tỉnh giấc và hay gặp ác mộng nên ngủ không ngon dù thời gian ngủ nhiều (Ảnh minh họa)
Người bạn của cô giải thích: “Chị vẫn nhìn thấy những vết nám trên da mặt của em sau lớp trang điểm. Ngoài ra, sau khi son môi của em trôi đi, chị còn thấy màu môi của em nhợt nhạt. Có vẻ như em bị rối loạn hormone, mà nguyên nhân gây ra là do em ngủ không ngon. Em nên đi khám sức khỏe”.
Vài ngày sau, Tiểu Dĩnh đi khám sức khỏe và đúng như cô bạn đã nhận xét, thật sự cơ thể của cô đã chưa hồi phục hoàn toàn.
Theo bác sĩ, dù sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể người phụ nữ vẫn có những vết thương. Nếu 95% các mẹ sinh thường phải chịu đau đớn đến chết đi sống lại, nhiều mẹ còn bị rạch/rách tầng sinh môn thì các sản phụ sinh mổ lại bị đau đớn vì vết mổ.
Thông thường, sau khi kết thúc thời gian ở cữ, nhìn vẻ bề ngoài thì các mẹ sinh thường hay sinh mổ đều khỏe mạnh trở lại. Song, thực tế thì phần sâu của vết thương vẫn chưa bình phục hoàn toàn, và phải cần từ 3 – 6 tháng bạn mới chính thức hoàn toàn khỏe mạnh.
Dù sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể của các bà mẹ đều cần từ 3 - 6 tháng mới hồi phục hoàn toàn từ bên trong lẫn bên ngoài.
Vì vậy, để biết bản thân mình đã hồi phục hoàn toàn hay chưa thì các mẹ có thể để ý một số điều sau:
- Khi ấn vào bụng hay vết mổ mà không còn cảm giác lạ hay đau đớn thì nghĩa là bên trong cơ thể bạn đã khỏe.
- Trong 3 tháng đầu sau sinh, bạn không còn thấy sản dịch tiết ra bất thường hay sản dịch không có mùi hôi và màu sắc bình thường thì nghĩa là tử cung của bạn đã hồi phục như cũ. Ngược lại, nếu thỉnh thoảng các mẹ lại thấy “vùng kín” của mình tiết dịch bất thường, dịch có mùi hôi, ra nhiều thì nghĩ là tử cung hoặc hệ sinh dục đang có vấn đề nghiêm trọng. Trường hợp này cần đến bệnh viện thăm khám kỹ lưỡng.
- Nếu cơ thể đã phục hồi thì da dẻ của các mẹ sẽ rất hồng hào, trên mặt không xuất hiện các vết nám và sắc môi hồng hào. Đối với phụ nữ, khí và huyết ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản, và sau một quá trình mang thai sinh nở, khí huyết của bạn đã bị tổn hao rất nhiều. Sau thời gian ở cữ, nếu bạn vẫn chưa phục hồi được đầy đủ khí huyết thì sắc mặt và môi sẽ tái nhợt. Chưa kể, do sự rối loạn về nội tiết tố mà da mặt sẽ xuất hiện các đốm nám, tàn nhang…
Do đó, các mẹ sau sinh phải chú ý nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là phải đảm bảo ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ tốt. Bởi chỉ khi bạn ngủ ngon, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi vận đủ khí huyết trở lại. Bên cạnh việc ăn uống bồi bổ, nghỉ ngơi nhiều, thì việc giữ một tinh thần vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng cũng giúp cho quá trình phục hồi sau sinh được nhanh hơn.