“Mẹ đặt tên con là Phong – ngọn gió với mong muốn con luôn bình an, khỏe mạnh, là một em bé mạnh mẽ, phóng khoáng, bay thật cao thật xa, sống tốt thay cả phần của các em Kem, Dứa, Đậu”. Đó là những dòng tâm sự của chị Nguyễn Trang (Cô Tô, Quảng Ninh) dành cho bé Dừa.
Mặc dù, hơn 1 năm qua kể từ khi có bé Dừa, cuộc sống của chị tất bật hơn, quanh quẩn cả một ngày chỉ để lo cho con nhưng chị chưa bao giờ thấy mệt. Chị trân trọng niềm hạnh phúc được làm mẹ sau bao năm nhọc nhằn vượt đảo xa tìm con và chàng chiến binh Dừa đã mạnh mẽ đã ở lại bên vợ chồng chị để xây dựng lên tổ ấm nhỏ hạnh phúc trọn vẹn.
Tổ ấm nhỏ của chị Trang.
Hành trình vượt đảo xa đi tìm con
Chị Trang là giáo viên huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Chị kết hôn vào năm 2016 nhưng tới tận 4 năm sau mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ bé Dừa. Nói đến đây, dường như những thước phim quay chậm của 4 năm về trước lại ùa về trong chị. Chị Trang trầm ngâm kể, sau một năm kết hôn chờ mãi không thấy con đến, vợ chồng chị đi khám thì hay biết nguyên nhân chị bị đa nang buồng trứng.
Suốt 4 năm trời, vợ chồng chị đi chạy chữa khắp nơi, cứ ai bảo gì thì uống đó nhưng không có kết quả. Năm 2018, vợ chồng chị quyết định tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI ở bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Và đó cũng là khoảng thời gian chị bắt đầu với cuộc hành trình vượt đảo xa tìm con, chịu không biết bao nhiêu mũi tiêm đến thâm tím bụng.
Vợ chồng chị mất 4 năm tìm kiếm mới có được bé Dừa.
Chị Trang cho biết, chị phải trải qua hành trình kích trứng vô cùng vất vả. Con đường từ đảo vào đất liền của chị mất 3h đồng hồ trên tàu và 3h đồng hồ trên xe qua các chặng để đến viện. Có những ngày sáng chị còn ở đảo, trưa đã có mặt ở viện ăn vội suất cơm để xếp số sớm cho kịp khám đầu giờ chiều. Sau khi khám xong chị lại lên xe về đề sáng mai ra đảo đi dạy. Có những ngày chị dạy chiều, 4h lại tất tả xin về sớm cho kịp chuyến tàu cuối. 8h tối vẫn còn trên xe buýt với chiếc bụng đói meo chẳng kịp ăn uống gì để đến viện kịp giờ tiêm. Vất vả là vậy nhưng chị kích mãi trứng vẫn không đạt yêu cầu và chị đã thất bại ở lần đầu IUI đó.
Tiền cạn kiệt, sức khoẻ cũng vơi dần theo những chuyến tàu xe và mũi tiêm, cộng thêm công việc không được phép nghỉ nhiều, vợ chồng chị quyết định nghỉ ngơi năm sau làm lại. Một năm sau vợ chồng chị chọn IVF - một phương pháp có tỉ lệ thành công cao hơn. Và chị lại bắt đầu những chuyến hành trình tàu, xe 5-6 chặng từ đảo lên viện, những mũi tiêm đau buốt đến thâm tím bụng. Vì chi phí điều trị tốn kém, cộng thêm chi phí đi lại của 2 người sẽ không kham nổi nên vợ chồng chị quyết định anh sẽ ở nhà lo kinh tế, một mình chị đi khám.
“Vì nhà xa không tiện về và mình cũng không dám về vì sợ không đúng giờ tiêm nên có những đêm 1 mình nằm lại viện, nguyên cả cái khoa D7 chỉ mình mình ở đó. Lần này, thật may mắn là nước mắt đã không rơi, mình lần đầu tiên được nhìn thấy 2 vạch màu đỏ sau cả hàng trăm lần thất vọng trước đó. Mình vẫn còn nhớ như in giọng hét vui sướng của chồng khi cầm chiếc que thử trên tay “chúng ta được gặp nhau rồi”, chị Trang mỉm cười.
Mang thai 4 vừa mừng vừa lo
Lần đầu tiên đi khám sau 10 ngày chuyển phôi với beta hơn 400, chị Trang vui mừng khôn xiết khi bác sĩ tiên lượng thai đôi. Lần thứ 2 đi khám sau 1 tuần, bác sĩ đưa kết quả thai 3, chị vừa mừng vừa lo khi cầm tờ giấy ra gặp chồng. Và lần thứ 3 đi khám, sau 2 tuần, bác sĩ thông báo thêm một thai phát triển chậm, thai 4, chị đã choáng váng run rẩy, mãi mới bước xuống được khỏi bàn siêu âm.
“Trong phòng tư vấn, bác sĩ bảo tạng người mình nhỏ, không đủ sức khỏe để đảm bảo thai 4, bắt buộc phải giảm thiểu 2 thai, lại là 2 thai phát triển tốt nhất vì nó cùng chung túi, sợ sau này sẽ xảy ra hiện tượng truyền máu song thai. Nghe bác sĩ thông báo mình không khóc nhưng khi đêm về nằm sờ tay lên bụng, mình đã trách ông trời sao tàn nhẫn, 4 năm trời không cho mình gặp các con, cuối cùng gặp được, lại bắt mình chia xa.
Đêm trước ngày làm thủ thuật giảm thiểu thai, mình không dám nghe điện thoại của bà ngoại, của bạn bè thân quen, mình sợ mình khóc. Khi xe đẩy vào phòng đợi, mình khóc nấc và liên tục xin lỗi con vì đã không thể bảo vệ tốt cho các con”, chị Trang rưng rưng.
Chị mang bầu 4 nhưng chỉ có bé Dừa ở lại với vợ chồng mình.
Chị Trang tâm sự, khi thực hiện thủ thuật thành công, chị tưởng rằng mọi việc sẽ bình lặng trôi qua nhưng ông trời vẫn cứ muốn thử thách chị. Khi thai được 11 tuần, chị bàng hoàng phát hiện 1 tim thai bị mất. Cả bầu trời sụp đổ trước mặt chị và nước mắt chị rơi không ngừng khi xin nghỉ để ra đất liền khám. Hành trình tàu, xe từ Đảo vào viện, hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu chị và chị luôn cầu xin ông trời suốt quãng đường đó nhưng cuối cùng kỳ tích vẫn không xảy ra với chị.
“Do mình chủ quan nghĩ rằng tuần trước vừa đi siêu âm không có vấn đề gì, nghĩ rằng hơi đau, mệt là do nghén. Vì vậy khi biết tin một tim thai bị mất, mình khóc và tự hỏi trong đầu tại sao việc kinh khủng này lại đến với mình, mình đã hiếm muộn rồi có được 4 con rồi cuối cùng luật lượt lại ra đi mãi? Tại sao ông trời đưa mình lên cao trong tột cùng hạnh phúc lại vứt mình xuống đáy vực sâu?”, chị Trang nhớ lại.
Cuối cùng bé Dừa đã ở lại với vợ chồng chị. Nói đến đây chị mỉm cười cho biết, cái tên này được vợ chồng chị dự định đặt từ khi mới cưới nhưng đến tận 4 năm sau mới được dùng. “Vì bụng mình to, toàn mỡ, đi đâu ai cũng tưởng bầu nên chồng đặt là Sọ Dừa”, chị Trang cho hay.
Bé Dừa là chiến binh mạnh mẽ.
Chồng làm nhiệm vụ, vượt đảo xa đi sinh
Được biết, mang bầu bé Dừa, chị Trang tích cực bồi bổ và nghỉ ngơi, tìm đọc sách thai giáo, các món ăn bổ dưỡng cho thai nhi. Chính vì vậy chị tặng lên tận 18kg. Tuy nhiên, mang bầu đến tuần 38, thai nhi chỉ nặng 2,5kg, khi siêu âm bác sĩ cho biết bé bị suy dinh dưỡng bào thai nên chỉ định chị mổ ở 38 tuần 5 ngày.
Bé Dừa sinh tháng 4/2020 đúng vào đợt dịch COVID-19 bùng lên lần 2, lệnh giãn cách toàn xã hội được ban hành. Vì chồng chị làm ngành y không được nghỉ, bệnh viện chỉ cho 1 người chăm 1 người nên khi chị đi sinh không có chồng kề bên. Mặc dù tủi thân nhưng nghĩ đến con chị lại cố gắng nhiều hơn.
“Bé Dừa vừa sinh ra đã bị thiếu oxy trong máu, phải nằm lồng ấp, một mình bà nội chạy lại 2 khoa sản và nhi để chăm mẹ con mình. Ngày thứ 2 sau mổ, mình một mình tập đi lại phăm phăm để được xuống thăm con trong lồng ấp và để bà nội đỡ phải chạy đi chạy về. 5 ngày sau con mới được ra mới mẹ, mình nhớ mãi hình ảnh con con bé tí đen thui mắt thô lô nhìn mẹ”, chị Trang cười.
Hình ảnh đáng yêu của bé Dừa.
Sau sinh 10 ngày chị Trang được ra viện về nhà. Còn chồng chị làm nhiệm vụ nên con đầy tháng anh mới được về gặp con. Chăm con lần đầu dẫu có nhiều bỡ ngỡ vất vả nhưng nhờ có gia đình và ông xã luôn ở bên hỗ trợ nên chị Trang không gặp nhiều khó khăn. Đến nay, bé Dừa đã được hơn 1 tuổi, là chàng trai hay nói hay cười và siêu tình cảm. Bé là chiến binh mạnh mẽ và là ánh sáng phía cuối con đường hầm của vợ chồng chị.