Cho con đi mẫu giáo, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng cho miếng ăn, giấc ngủ của bé bởi con còn quá nhỏ để tự lo cho chính bản thân mình. Trong khi đó các cô giáo ở lớp không đủ thời gian để chăm lo chu đáo tới từng em. Chính vì thế, một bậc phụ huynh sau khi đưa con gái 5 tuổi đi học thì thường có thói quen theo dõi con qua camera được gắn ở lớp học.
Tuy nhiên, vào một buổi trưa khi theo dõi giấc ngủ của con ở trường mẫu giáo huyện Phật Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc), cặp cha mẹ này vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra một sự việc bất thường.
Đó là vào hôm 26/11, qua màn hình camera họ thấy con mình đang đắp chăn nằm lăn lộn trên giường có vẻ khó ngủ thì bỗng có một cô giáo bước tới. Những tưởng cô giáo sẽ ru dỗ giúp con nhanh vào giấc ngủ hơn nhưng ngược lại, vị giáo viên này bất ngờ ngồi lên đầu đứa trẻ, đồng thời gác chân lên vai của con trong khoảng 3 phút.
Hình ảnh được cắt từ clip cho thấy cô giáo vừa ngồi lên đầu học sinh vừa dùng điện thoại.
Vừa ngồi cô vừa dùng điện thoại và không quan tâm đến phản ứng của học sinh. Chứng kiến qua màn hình điện thoại cảnh con bị bạo hành ở lớp học, bậc phụ huynh bủn rủn chân tay, lập tức gọi điện báo cảnh sát.
Phía cảnh sát nhanh chóng mở cuộc điều tra sau khi được trình báo thì được biết, cô giáo đó người họ Từ, 36 tuổi. Khi được hỏi về hành động của mình, cô Từ giải thích đó là cách cô giúp con... ngủ nhanh hơn. Câu trả lời của cô khiến ai cũng rợn người.
Sau khi được bố mẹ đưa đi kiểm tra, rất may bé gái không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Cô Từ cũng đã bị phía cảnh sát giam giữ để tiếp tục điều tra.
Khi phóng viên đưa ra câu hỏi phỏng vấn người phụ trách nhà trẻ và hiệu trường thì được biết, nhà trường đã ra quyết định đuổi việc cô Từ theo quy định.
Việc trẻ nhỏ gặp những vấn đề về tâm lý và thể chất sau khi đi học không phải là chuyện hiếm xảy ra. Vì vậy mỗi bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao các biểu hiện của con sau khi đi học về để kịp thời can thiệp.
Dưới đây là những biểu hiện ở trẻ khi đi học về cha mẹ cần đặc biệt chú ý vì rất có thể nó là dấu hiệu cho thấy bé đang bị bạo hành tại trường học:
1. Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết bầm tím
Đây chắc chắn là dấu hiệu rõ ràng nhất mà cha mẹ không được phép bỏ qua. Cơ thể trẻ tuy non nớt, mềm yếu nhưng không thể tự xuất hiện các vết bầm tím, vết xước.
Sau mỗi ngày con đi học về cha mẹ cần kiểm tra thân thể bé để phát hiện những thương tích trên người. Nếu thấy có bất kì dấu vết nào lạ trên cơ thể bé mẹ cần lời giải thích rõ ràng từ giáo viên. Nếu câu trả lời nhận được là "quen thuộc: bé bị ngã". Mẹ cần bình tĩnh xem xét thêm các biểu hiện khác nữa.
2. Trẻ sợ hãi khi ở trong không gian kín
Thông thường, ở tất cả các trưởng mầm non, tiểu học hiện nay đều đã trang bị những thiết bị camera kết nối với điện thoại thông minh của phụ huynh để cha mẹ tiện theo dõi trẻ nhỏ. Chính vì thế, để bạo hành trẻ, các bảo mẫu cần phải đưa trẻ vào khu vực kín để thực hiện.
Trẻ bị đánh đập thường có xu hướng khép mình. (Ảnh minh họa)
Đó là lý do trẻ tỏ ra sợ hãi khi ở trong không gian kín, bé sẽ mường tượng ra cảnh bị bạo hành. Vì thế, khi con ở trong phòng 1 mình hay đưa con đi tắm... thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên nhủ và trò chuyện với con để tìm ra nguyên nhân.
3. Trẻ hốt hoảng, ngủ không sâu giấc
Tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi những hành động thô bạo. Nó thường đi vào trong giấc mơ của trẻ, khiến trẻ không thể nào ngon giấc.
Vì thế, nếu thấy con ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm... mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sức khỏe hay là do trẻ đang bị bạo hành.
4. Không chịu đi học, nhìn thấy mẹ là đòi về ngay
Trẻ nhỏ thường phản kháng khi cha mẹ bắt đi học. Đó là một tình huống hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sự phản kháng của trẻ là vô cùng dữ dội như ôm chặt mẹ, giãy giụa khi mẹ giao bé cho cô giáo hay mỗi lần được mẹ đón đều chạy tới và đòi về ngay lập tức... thì là dấu hiệu bất bình thường. Hãy quan sát ánh mắt của trẻ và ánh mắt của bảo mẫu trong những trường hợp này để nhận ra được nguyên do thực sự.
Các bé bị cô giáo đánh đập thường chỉ thích về nhà với bố mẹ. (Ảnh minh họa)
5. Ngại giao tiếp, tiếp xúc
Trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực...
6. Hành vi quá khích
Nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, hồi hộp hay toát mồ hôi hoặc chống đối lại cha mẹ có thể là những hành vi khác lạ, quá khích của bé cho thấy đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Việc bé bị bạo hành dẫn đến lo sợ và không làm chủ được những hành động thân thể mình.
Trên đây chỉ là một vài biểu hiện nhỏ cho thấy trẻ có thể đang bị bạo hành ở trường học. Ngoài ra, để biết chính xác con có đang bị bạo hành hay không, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện nhẹ nhàng, hỏi han tình hình ở trường lớp của con và việc đối xử của các thầy cô tại trường. Chắt lọc những ý kiến từ trẻ kết hợp với quan sát thực tế để nhận ra vấn đề.