Hoa dâm bụt là loại hoa rất quen thuộc với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, hồng, cam, vàng. Hoa nở rộ quanh năm, nhưng đặc biệt sẽ nở nhiều từ tháng 6 và tháng 7 hàng năm.
Mỗi loại đều mang một vẻ đẹp riêng, có giá trị làm cảnh cao. Bạn có thể trồng hoa dâm bụt làm hàng rào hoặc trồng trong chậu và đặt trong sân vườn, ban công, sân thượng để làm cảnh.
Tuy nhiên, ngày càng ít người thích trồng hoa dâm bụt, thậm chí có người còn đưa chúng vào “danh sách đen” vì 4 lý do này.
1. Cái tên mang ý nghĩa không cát lành
Trong tiếng Hán, tên hoa dâm bụt đồng âm với từ “tang” nên bị coi là không may mắn. Có người lại cho rằng, hoa dâm bụt thường chỉ những người phụ nữ không đoan chính, lẳng lơ, không chung thủy nên không muốn trồng chúng trong nhà.
Nhưng trên thực tế, tại các nước khu vực Bắc Mỹ, hoa dâm bụt là biểu tượng của người vợ hoặc người phụ nữ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Loài hoa này còn ám chỉ vẻ nữ tính, hiền thục của những người phụ nữ.
Tại một số nước châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, ý nghĩa của hoa dâm bụt là giúp lưu giữ những ký ức, sự hoài niệm, sự trong sáng của tuổi thơ mỗi con người. Ngoài ra, nhiều người còn quan niệm trồng loài hoa này trong nhà có thể đem đến may mắn, tài lộc cho gia đình.
Hoa dâm bụt còn là quốc hoa của Malaysia. Nơi đây trồng rất nhiều hoa dâm bụt và coi trọng chúng trong những tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
2. Phơi nắng lâu có thể gây héo cây
Dâm bụt là loại cây ưa nắng, tuy nhiên việc tiếp xúc lâu với ánh nắng có thể khiến lá của nó bị héo, thậm chí khiến toàn bộ cây héo rũ. Đặc biệt khi nhiệt độ cao vào mùa hè, nếu lá hoa dâm bụt phơi nắng quá lâu thì lá sẽ bị mất nước, gây héo nặng và ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của chúng.
Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn cần đặc biệt chú ý tránh để cây tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Nên cho hoa dâm bụt nhận lượng ánh nắng thích hợp vào buổi sáng hoặc chiều tối để đảm bảo sự phát triển của cây. Ngoài ra, bạn cũng có thể phun nước xung quanh cây để hạ nhiệt khi gặp nhiệt độ cao vào mùa hè, việc này sẽ giúp duy trì môi trường phát triển thích hợp cho cây.
3. Nụ hoa dễ rụng
Nụ hoa dâm bụt tương đối mỏng manh, nếu nhiệt độ và độ ẩm xung quanh không được kiểm soát hiệu quả thì nụ sẽ dễ bị rụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của cây mà còn khiến những người trồng hoa cảm thấy bực bội, thất vọng vì công sức vun trồng của mình không được đền đáp.
Để nụ hoa không bị rụng, bạn nên chú ý duy trì môi trường có độ ẩm phù hợp khi chăm sóc hoa dâm bụt. Bạn có thể phun nước lên cây thường xuyên để giữ ẩm không khí xung quanh.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt tỉa hợp lý các cành, lá xung quanh sau khi nụ hoa hình thành để giảm tác động của các yếu tố bên ngoài đến nụ hoa.
4. Lá dễ bị vàng
Lá của hoa dâm bụt dễ bị héo và úa vàng. Việc này liên quan đến đất, ánh sáng, độ ẩm và các yếu tố khác. Nếu không chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tác dụng làm cảnh của cây.
Để lá không bị úa vàng, bạn cần cung cấp cho cây lượng nước và chất dinh dưỡng thích hợp. Loài hoa này ưa ẩm, vì thế bạn nên tưới nước cho cây mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng hoặc buổi tối, tránh tưới cây vào buổi trưa khi trời nắng gắt kẻo cây bị sốc nhiệt, héo rũ. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, có thể tăng tần suất tưới nước.
Ngoài ra, nên bón phân cho hoa dâm bụt thường xuyên để đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết cho hoa phát triển.