2 biến chủng nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang có mặt ở Việt Nam có đặc tính gì?

Đặc điểm của virus là luôn biến chủng để có thể lây lan cho nhiều người. Đây cũng là cách để virus có thể duy trì sinh sôi và phát triển.

Theo chia sẻ mới nhất từ một chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trên thế giới cứ 1 tháng xuất hiện 1-2 đột biến virus SARS-CoV-2. Hiện nay, biến thể nổi trội (emerging variants) thường có nhiều đột biến đáng chú ý được tích lũy trong 1 thời gian ngắn và là mối quan ngại mang tính toàn cầu.

Các biến thể này có khả năng lây truyền mạnh, tăng biểu hiện nặng, hoặc giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin và các thuốc kháng virus.

Phân tích 10,022 hệ gen của SARS-CoV-2 từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận 65,776 biến thể và 5,775 biến thể riêng biệt (district variant).

Các biến thể đã tạo ra 12 clade và subclade khác nhau của SARS-CoV-2 từ virus đầu tiên tại Vũ Hán (O): S, L, V, G, GH, GR, GV, G+S477X, GH+S477X, GR+S477X, GV+S477X.

Các biến thể được nhắc đến với khả năng lây truyền nhanh được xác định liên quan đến đột biến tại khu vực thụ cảm thể bám gắn (RBD) tại protein S bao gồm: D614G và H501Y.

- D614G xuất hiện tháng 3/2020 và liên quan đến 7 clade, subclade sau này.

- HS01Y lần đầu báo cáo vào tháng 9/2020, đến 17/1/2021 đã có 60 quốc gia báo cáo về chủng virus mới này và hiện tại, virus H50O1Y liên quan đến 3 dòng 501Y v1 (tại Anh), 501Yv2 (Nam phi) và 501Yv3 (tại Nhật).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho hay: "Virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến chủng là điều rất bình thường. Thông thường virus sẽ biến chủng rất nhanh. Nguyên nhân là do cấu trúc di truyền của virus rất mềm mại, khi virus nhân đôi có một lỗi gì đó là đã xuất hiện biến chủng".

Hiện nay, trên thế giới có 2 biến chủng gây ra lo ngại đó là: biến chủng tại Anh và biến chủng Nam Phi. Hai biến chủng này có khả năng lây bệnh nhanh hơn so với các biến chủng còn lại.

Tại Việt Nam đã ghi nhận có cả hai biến chủng trên. Đặc biệt, biến chủng Anh đã có ngoài cộng đồng và biến chủng Nam Phi trong khu cách ly khi có người nhập cảnh.

2 biến chủng nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang có mặt ở Việt Nam có đặc tính gì? - Ảnh 1.

Người dân tại TP. Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm

"Xu hướng biến chủng lây nhanh sẽ khống chế toàn bộ biến chủng khác. Đối với virus biến chủng Anh lây lan nhanh thì việc khống chế là phải truy vết, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm nhiều là rất quan trọng. Trong đó, điểm mấu chốt là năng lực xét nghiệm, vì nếu không phát hiện hết các bệnh nhân virus sẽ vẫn tiếp tục lây lan. Virus chỉ dừng lại khi đã lây cho tất cả mọi người.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh nặng hơn. Xu hướng của virus khi lây nhanh thì các triệu chứng nhẹ hơn. Người mắc bệnh vẫn có thể đi lại nên tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, dù bệnh nặng hay nhẹ vẫn cần phải phòng ngừa vì vẫn có tỷ lệ nhất định bệnh nhân nặng", Bác sĩ Khanh nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) virus SARS-CoV-2 biến chủng lây lan nhanh sẽ khó khăn hơn cho công tác phòng dịch. Tại Việt Nam đã xuất hiện virus biến chủng tại Anh có tốc độ lây lan nhanh do có liên quan tới độ bám dính tế bào của virus. Riêng đối với biến chủng Nam Phi, virus còn có xu hướng kháng cả vắc xin.