Lưu Đinh, một chàng trai 22 tuổi ở Ninh Ba (Trung Quốc), thích chơi game, cậu cho rằng "đi ngủ trước hai giờ đêm là lãng phí cuộc đời". Hôm đó, như thường lệ, cậu chơi game đến tận khuya, nhưng bỗng cảm thấy chóng mặt, đau đầu và tay không còn linh hoạt như thường lệ. Tuy nhiên, cậu lại không quá để tâm đến những biểu hiện này.
Mãi đến ngày hôm sau, Lưu Đinh mới phát hiện nửa người không thể cử động nên mới gọi người trong nhà vào giúp đỡ. Khi được đưa đến bệnh viện, nửa người bên trái của cậu đã không thể cử động được, thời gian vàng cứu chữa đã qua, bác sĩ cũng không thể làm gì hơn. Nằm viện mấy ngày, gia đình đau buồn quyết định đưa cậu về quê điều trị.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Phần Quế Hoa, Phó khoa Thần Kinh, Bệnh viện số 2 Ninh Ba (Trung Quốc), người trực tiếp điều trị cho Lưu Đinh thở dài: "Chàng trai trẻ chỉ mới 22 tuổi. Khi đang ở độ tuổi sung mãn nhất của cuộc đời, cậu ấy lại bị liệt nửa người do nhồi máu não. Thật đáng tiếc. Cậu ấy chưa già nhưng đã hút thuốc hơn 10 năm rồi, thích uống rượu, thức khuya và ngồi lâu. Sự kết hợp của nhiều lối sống không lành mạnh khác nhau dẫn đến nhồi máu não ở độ tuổi trẻ như vậy".
Lưu Đinh bị xơ vữa động mạch nặng. Loại bệnh này là do sự tích tụ lipid và sự tăng sinh của các nguyên bào sợi, các thành phần này có thể gây tổn thương nội mạc mạch máu và tạo thành mảng bám trên nội mạc động mạch. Khi mảng bám vỡ ra hoặc bong ra, nó có thể hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn mạch máu và dẫn đến đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có những điểm chung
Bác sĩ Phần Quế Hoa đã làm việc trong lĩnh vực thần kinh học hơn 20 năm. Bà cho biết, 20 năm trước, bệnh nhân đột quỵ chủ yếu là người già trên 60 tuổi, những năm gần đây xu hướng bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng rõ rệt. Khoa điều trị cho nhiều bệnh nhân đột quỵ dưới 40 tuổi mỗi tháng. Đột quỵ dưới 40 tuổi được gọi là đột quỵ tuổi trẻ.
Bà nhận định, những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi thường có các điểm chung sau: hút thuốc, ít vận động, thường xuyên thức khuya và mắc các bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, cao huyết áp mà không biết hoặc không can thiệp dù biết rõ.
Ảnh minh họa
"Đột quỵ, trọng tâm là phòng ngừa. Có thể ngăn ngừa tới 90% số ca đột quỵ". Bà cho rằng trong số các yếu tố ảnh hưởng đến đột quỵ, tuổi tác và các yếu tố di truyền không thể can thiệp được. Phòng ngừa tiên phát và phòng ngừa thứ phát là chìa khóa để giảm tỷ lệ mắc bệnh này.
Phòng ngừa tiên phát đề cập đến việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ trước khi bệnh xảy ra, bao gồm điều chỉnh thói quen sinh hoạt và thuốc men. Phòng ngừa thứ phát là phòng ngừa các triệu chứng đột quỵ hiện có hoặc tái phát. Phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi.
Theo báo cáo, lối sống quyết định phần lớn sức khỏe của mạch máu. Ở bất kỳ giai đoạn tiến triển nào của tổn thương mạch máu, lối sống lành mạnh, quản lý lối sống đối với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và can thiệp bằng thuốc đều có lợi và có thể trì hoãn sự tiến triển của tổn thương mạch máu.
"Đối với đột quỵ, thời gian là vàng và là bộ não. Nếu bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ sớm hơn một phút, 1,9 triệu tế bào thần kinh não có thể được cứu. Hiện nay, thời gian vàng được công nhận để điều trị đột quỵ là 4-5 giờ. Vượt quá khoảng thời gian này là vượt quá số lượng tế bào não ở vùng sau thiếu máu cục bộ, nó sẽ dần dần bị hoại tử", bác sĩ Phần cho biết.
Khi xuất hiện các triệu chứng liên quan, người trẻ thường khó nghĩ đến việc bị đột quỵ hơn người lớn tuổi và dễ trì hoãn việc điều trị
Bà cho rằng khi xuất hiện các triệu chứng liên quan, người trẻ thường khó nghĩ đến việc bị đột quỵ hơn người lớn tuổi và dễ trì hoãn việc điều trị. Đơn cử như trường hợp của Lưu Đinh, việc điều trị bị trì hoãn gần 20 tiếng.
Mùa thu đông là mùa có tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ cao nhất, nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ giảm đột ngột, gây biến động huyết áp. Bà đặc biệt nhắc nhở những người bị mỡ máu cao, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao trong mùa này phải hết sức chú ý kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn và tăng cường theo dõi huyết áp, lượng đường trong máu.
Nguồn và ảnh: Health Network, Kknews