Nguyên nhân dẫn đến đau lưng thường bao gồm thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, hẹp ống sống, loãng xương. Bệnh lý khác như viêm cột sống dính khớp, viêm thân sống đĩa đệm, lao cột sống…
1. Đau lưng do hàn ngưng huyết trệ
- Triệu chứng: Đau lưng không cúi ngửa được, gặp lạnh đau tăng, động làm thì đau tăng, đau kéo tới cả chi dưới, rêu lưỡi trắng, mạch trầm.
- Phép chữa: Ôn kinh tán hàn, hóa ứ (lưu thông huyết dịch, tiêu tán ứ huyết), khư phong, chỉ thống.
Phụ tử chế - vị thuốc trong bài Khương thị khư thống thang trị đau lưng.
- Điều trị: Dùng bài Khương thị khư thống thang (Trường Đại học Y khoa Thượng Hải):
Thành phần bài thuốc gồm các vị: Chế phụ tử 9g, sinh địa hoàng 50g, tàm sa (phân tầm) 30g, tần giao 9g, xích thược 9g, quế chi 9g, linh tiên 15g, bạch hoa xà 9g, đương qui 9g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
2. Đau lưng thiên về phong thịnh
- Triệu chứng: Đau ngang lưng cúi ngửa đau, gặp thời tiết thay đổi đau tăng, đau kéo tới cả chi dưới, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
- Phép trị: Sơ phong hoạt lạc, tiêu ứ, chỉ thống.
Vị thuốc đương quy.
- Điều trị: Dùng bài Mã thị cốt thích tiêu thống ẩm (Trung y học viện Liêu Ninh):
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Đương quy 15g, hồng hoa 10g, quế chi 10g, xương truật 15g, một dược 15g, bạch thược 15g, uy linh tiên 30g, huyền hồ 15g, ngưu tất 15g, cam thảo 10g.
Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
* Ngoài ra có thể phối hợp sử dụng bài thuốc Lý thị tẩy thống thang (Sở nghiên cứu Trung y dược tỉnh Sơn Tây) đắp nóng vào nơi đau để tăng hiệu quả.
Thành phần bài thuốc gồm các vị: Ma hoàng 30g, tế tân 30g, phòng phong 30g, thấu cốt thảo 30g, quế chi 30g, bạch chỉ 30g, giới tuệ 30g, cam thảo 30g.
Cách dùng: Các vị thuốc trên đổ nước vào sắc sau 2 giờ, bỏ bã, lấy nước để dùng, lấy 1 cân bã rượu, bỏ vào nước thuốc ở trên để nấu cho đến khi nước thuốc ngấm vào bã rượu, rồi chia chỗ nước thuốc ngấm bã rượu này làm 2 túi, lại đun nóng rồi chườm vào nơi đau, mỗi lần chườm lâu 3 - 4 giờ, ngày 1 lần. Hai thang thuốc dùng trong một tuần, bốn tuần làm một đợt điều trị.
3. Đau lưng do can thận bất túc
- Triệu chứng: Thận hư tinh kém lại có cả phong hàn thấp, váng đầu ù tai, lưng gối mỏi, chi dưới yếu.
- Phép chữa: Bổ can thận, mạnh gân xương, lưu thông ứ trệ, thông lạc mạch.
Vị thuốc cốt toái bổ.
- Điều trị: Dùng bài Đổng thị yêu trùy tích cốt đông thống hiệu phương (Nhân dân y viện số II thành phố Thượng Hải):
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Quy bản (trích) 15g, cốt toái bổ 9g, đan sâm 15g, xuyên tục đoạn 9g, thỏ ty tử 9g, đỗ trọng 12g, miết giáp (trích) 15g, chế hương phụ 9g, đương qui (sao) 9g, đại xuyên khung 9g, cẩu tích 12g, ngũ gia bì 12g.
Cách dùng: Các vị thuốc trên bỏ vào túi vải buộc chặt, dùng trư bài cốt (xương sườn lợn 30g) sắc lấy nước uống, trước hết sắc xong 2 nước, sau đó mới thêm ít muối vào sắc nước thứ 3 rồi chia 3 lần uống trong ngày và ăn cả trư bài cốt, dùng liên tục 7 đến 14 ngày.
* Nếu thiên về tinh khuy dương yếu, chọn dùng Trương thị ích Thận cường tích thang (Phụ viện Y khoa đại học Cáp Nhĩ Tân) để bổ thận trợ dương, hoạt huyết khu phong.
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Cẩu tích 20g, tục đoạn 20g, lộc giác sương 30g, độc hoạt 15g, đỗ trọng 20g, ngưu tất 20g, đan sâm 20g.
Sắc uống ngày 1 thang. Chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Trong giai đoạn đau lưng cấp tính người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động nặng, tránh các tư thế đột ngột có thể gây sang chấn thêm cho cột sống…
Tốt nhất người bệnh cần được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp và triệt để.