PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội ung thư (Hà Nội), cho biết trong suốt quá trình công tác, ông từng gặp những gia đình có nhiều thế hệ cùng mắc ung thư đại trực tràng.
Điển hình là trường hợp ba bố con mắc ung thư đại trực tràng. Người bố phát hiện đầu tiên, nhiều năm sau, hai người con trai cũng phát hiện bệnh. Thậm chí, em trai của người bố cũng mắc ung thư đại trực tràng.
Cả 4 trường hợp khi phát hiện đều được cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng, điều trị tiên lượng tốt.
Cho đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính gây ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một số nhóm yếu tố nguy cơ như chế độ sinh hoạt không điều độ, yếu tố môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư hóa.
Ung thư đại trực tràng là một trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền. Theo các thống kê, trên thế giới có khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene, với hai hội chứng là Lynch và đa polyp.
Nhóm thứ nhất, hội chứng Lynch không có đa polyp có nguyên nhân là do sự khiếm khuyết ở gene MNH1 hoặc MSH2...
Nhóm thứ hai là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình. Nguyên nhân do đột biến gene APC, di truyền từ bố mẹ sang con (gene APC ức chế sự hình thành của khối u). Nếu một người mắc hội chứng đa polyp thì hầu hết thành viên trong gia đình đều có nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Nghị đang tư vấn cho bệnh nhân đã điều trị khỏi ung thư. Ảnh: Ngọc Minh.
Theo PGS Đoàn Hữu Nghị, người có hội chứng Lynch và đa polyp đại trực tràng có nguy cơ tiến triển thành ung thư rất cao, lên đến trên 50%. Riêng với nhóm đa polyp thường có đặc điểm tổn thương rất đặc trưng là toàn bộ khung đại trực tràng có hàng nghìn polyp. Những trường hợp đa polyp đại tràng này nếu được phát hiện qua nội soi sẽ phải cắt để phòng ngừa nguy cơ gây ung thư.
Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên, có một số đặc điểm sau đây để gợi ý nghĩ tới mắc ung thư đại trực tràng:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Chán ăn, khó tiêu, đầy bụng trên vùng rốn, ăn không ngon khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân, suy nhược.
- Đi ngoài nhiều lần.
- Rối loạn bài tiết phân, đi táo, đi lỏng thất thường.
- Xuất hiện máu trong phân.
Khi có bất cứ dấu hiệu nào như trên, bạn cần đi khám để phát hiện sớm. PGS Hữu Nghị cho rằng ung thư đại trực tràng tiên lượng thường tốt nếu được phát hiện sớm, cơ hội khỏi bệnh lên tới 90%. Bác sĩ từng điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc ung thư đại trực tràng vẫn sống hàng chục năm. Trong đó, có trường hợp đã sống được 25 năm vẫn khỏe mạnh.
Phòng ngừa ung thư đại trực tràng không hề khó. Đối với người có yếu tố nguy cơ như gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, từng cắt polyp, viêm loét đại trực tràng… thì nên đi tầm soát định kỳ.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng bằng cách nội soi.
"Trong ăn uống, để phòng ngừa ung thư đại trực tràng nên ăn nhiều chất xơ. Chất xơ có rất nhiều trong các loại rau như rau muống, rau dền, rau khoai lang, măng…. Ăn nhiều chất xơ giúp cho phân đi qua đại tràng nhanh hơn, các chất độc trong phân không ngấm vào máu. Ngoài ra, cần hạn chế các chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư như thịt đóng hộp chế biến sẵn. Người bình thường nên một ngày đi một lần và nên đi vào một giờ cố định", PGS Nghị khuyên.