Bữa sáng vô cùng quan trọng với cơ thể vì nó cung cấp năng lượng cho cả ngày dài. Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam), bữa sáng là lúc cơ thể cần được ăn nhiều nhất bởi sau một đêm ngủ dài khoảng 15 tiếng, dạ dày đang ở trạng thái rỗng.
Cũng theo vị TS, tốt nhất nên ăn sáng trước 8h, đặc biệt nên tạo ra thời gian ăn sáng cố định mỗi ngày để có nhịp sinh hoạt đều đặn, giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Bữa sáng là lúc cơ thể cần được ăn nhiều nhất
Tuy nhiên, bữa sáng sẽ phản tác dụng nếu như chúng ta tiêu thụ các loại thực phẩm kém lành mạnh, thậm chí còn có thể là nguyên nhân thúc đẩy bệnh ung thư. Một báo cáo khoa học được công bố trên tạp chí Nature Communications (Mỹ) cho biết thực phẩm, là yếu tố góp phần gây bệnh ung thư, tái phát ung thư. Ngược lại, việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Dưới đây là những thực phẩm được chứng minh có thể gây bệnh ung thư mà các gia đình cần tránh tiêu thụ trong bữa sáng.
Chọn những món này cho bữa sáng coi chừng "tự nuôi lớn" tế bào ung thư
- Luôn ăn nhiều thịt chế biến: Dễ gây ung thư, tiểu đường
Xã hội phát triển khiến nhiều người ngại nấu ăn, họ thích ăn những món chế biến sẵn như giăm bông và xúc xích. Quy trình sản xuất những thực phẩm này thường có nhiều dầu, muối và cả chất bảo quản nitrite. Nitrite giúp ức chế vi khuẩn song dùng nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Bên cạnh đó quá trình hun khói thực phẩm cũng có thể tạo hydrocarbon thơm đa vòng, một loại chất gây ung thư.
Cả phương pháp chế biến cho đến nguyên liệu đều góp phần biến món ăn này trở thành "thủ phạm" làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. WHO phân loại thịt chế biến sẵn vào nhóm 1, cùng nhóm với thuốc lá và bụi khói công nghiệp.
Ngoài ra, nghiên cứu của Đại học Y Harvard (Mỹ) cũng cho thấy, ăn thịt chế biến sẵn chứa nhiều nitrite như xúc xích, dăm bông, thịt xông khói làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 42%, nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 là 19%.
- Chọn món ăn nhiều đường: Gây ung thư vú, ung thư tuyến tụy
Trong vòng 9 năm, các nhà khoa học ở Thụy Điển đã thực hiện một cuộc khảo sát với 80.000 người và phát hiện ra rằng việc ăn quá nhiều đường, đồ uống ngọt, mứt... có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. Lý do là bởi khi ăn đồ ngọt, các tế bào trong cơ thể sẽ trở nên kháng insulin, điều đó khiến tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Lâu dần, tuyến tụy bị quá tải và dẫn đến tổn thương.
Bên cạnh đó, Trung tâm Ung thư Anderson, Đại học Texas, đã thực hiện nghiên cứu trên chuột và thấy rằng những con chuột ăn nhiều đường có xu hướng phát triển các khối u tuyến vú, giống như ung thư vú ở người. Ngoài ra, những khối u này dễ di căn hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng lượng đường tiêu thụ hàng ngày nên được kiểm soát chặt chẽ, tốt nhất là không quá 25gr/ngày.
Ngoài ra, một thói quen ăn sáng cũng có thể gây ung thư thực quản là ăn nóng
Sáng sớm xì xụp một món ăn nóng hổi thực sự vô cùng lý tưởng. Tuy nhiên ăn đồ quá nóng cũng không hề có lợi cho hệ tiêu hóa, nhất là có thể làm tổn thương thực quản. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công bố rằng, sử dụng thực phẩm có nhiệt độ trên 65 độ C có thể gây ra bệnh ung thư thực quản. Các chuyên gia của IARC cho rằng khi chúng ta ăn hoặc uống đồ nóng liên tục sẽ làm hỏng niêm mạc thực quản. Khi cơ quan này liên tục bị tổn thương sẽ gây ra viêm mãn tính và cuối cùng dẫn đến ung thư.
Đâu mới là cách ăn sáng khoa học?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, một bữa sáng đầy đủ cần phải cung cấp đủ bốn nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Sau khi ngủ dậy nên dành 20-30 phút để nghỉ ngơi, uống nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó mới bắt đầu ăn sáng.
Bữa sáng cần tránh ăn trái cây đông lạnh, nước ép lạnh, cà phê đá hay sữa đá… bởi thời điểm này các cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, lâu dài, sẽ có hại cho sức khỏe.