Các chuyên gia tại Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y tế Công đoàn Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, sữa đậu nành chỉ tốt khi dùng đúng và đủ. Cụ thể, loại đồ uống này chứa nhiều calo, carbohydrate, chất xơ, vitamin K, vitamin E, omega-3, omega-6… cung cấp năng lượng và rất tốt cho sức khỏe nên được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điều cấm kỵ khi uống sữa đậu nành mà không ít người mắc phải, phổ biến nhất là:
1. Uống sữa đậu nành lúc đói
Uống sữa đậu nành vào lúc đói vừa làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn dễ gây đau bụng, khó tiêu, thậm chí ngộ độc nhẹ.
Bởi vì protein trong sữa lúc này sẽ thay đổi thành nhiệt lượng và được chuyển hóa thành năng lượng chứ không phát huy được công dụng vốn có. Vì vậy, hãy ăn 1 chút trước khi uống sữa đậu nành, tốt nhất là các món giàu tinh bột như bánh ngọt, bánh mì, bánh bao…
2. Dùng sữa đậu nành để thay thế sữa hoặc nước lọc
Theo các chuyên gia, dù sữa đậu nành có chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhưng bạn không nên dùng thay nước lọc hàng ngày. Bởi khi uống quá nhiều sẽ gây đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy do chất dinh dưỡng không được hấp thụ hết.
Cũng có nhiều người cho rằng cùng là sữa, lại hoàn toàn thiên nhiên nên sữa đậu nành có thể thay thế sữa tươi, sữa bột… mà lại an toàn hơn. Thực chất, đây là quan niệm sai lầm và phản khoa học.
Ở góc độ bổ sung canxi, sữa đậu nành không thể thay thế sữa. Hàm lượng canxi trong mỗi 100g sữa là khoảng 104mg, gấp khoảng 21 lần trong sữa đậu nành. Hơn nữa, tỷ lệ canxi và phospho trong sữa phù hợp hơn với cơ thể người. Đồng thời chứa các yếu tố thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi như vitamin D, đường lactose, axit amin…
Ngoài ra, uống nhiều sữa đậu nành trong thời gian dài cũng dễ gây ra rối loạn nội tiết tố, đẩy nhanh quá trình hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu… và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Tốt nhất là không uống quá 500ml mỗi ngày với người lớn và 200ml đối với trẻ em.
3. Dùng để uống thuốc
Uống thuốc cùng sữa đậu nành sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa và cũng khiến công dụng của thuốc khó phát huy. Thậm chí có thể làm thuốc phản tác dụng hoặc gây ngộ độc. Đặc biệt là khi dùng các loại thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycin…
4. Năm nhóm người không nên uống sữa đậu nành
Theo các chuyên gia y tế, có 5 nhóm người tốt nhất là nên tránh xa sữa đậu nành, đó là:
- Người bị viêm dạ dày, đường ruột kém: sữa đậu nành có tính hàn, lại dễ khiến dạ dày bị kích thích, bài tiết nhiều acid nên sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, viêm loét lâu khỏi hơn…
- Người bị bệnh gout: bệnh nhân gout khó hấp thụ và chuyển hóa purin trong khi sữa đậu nành giàu chất này. Khi đó, purin sẽ tích tụ lại, gây đau đớn, bệnh gout trở nặng hơn và còn tạo gánh nặng cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
- Người mắc ung thư vú: người có tiền sử bệnh ung thư vú, buồng trứng và tử cung không nên uống sữa đậu nành. Do đậu nành chứa phytoestrogen có tác động kích thích estrogen, có thể làm các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
- Người bị sỏi thận: chất oxalat có trong sữa đậu nành rất dễ kết hợp với canxi trong máu để tạo ra sỏi. Chính vì vậy, những người bị sỏi thận cũng không nên uống sữa đậu nành.
- Người bị thiếu kẽm: sữa đậu nành chứa chất saponin hormone và lectin, những chất này làm cơ thể bị hạn chế hoặc ức chế hấp thụ kẽm. Vì vậy, nếu uống sữa đậu nành trong thời gian dài cần nhớ bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm thường xuyên.
Ngoài ra, hãy nhớ chỉ uống sữa đậu nành đã được đun sôi kỹ và không ăn chung với trứng. Bởi vì nó chứa 1 chất đặc biệt gọi là trypsin, khi kết hợp với protein trong lòng trắng trứng sẽ làm mất dinh dưỡng và gây tiêu chảy, trướng bụng, buồn nôn. Người bụng dạ yếu cũng nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ khi uống sữa đậu nành để tránh rối loạn tiêu hóa.
Nguồn và ảnh: Sohu, Top Beauty, Asia One