Ngày 28/3, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết cả 4 bệnh nhân bị sốc phản vệ, ngộ độc rượu nặng. Kíp cấp cứu tiêm adrenalin, bù dịch, rửa dạ dày, dùng thuốc chống loạn nhịp, sốc điện cấp cứu, kiểm soát nhịp tim, theo dõi chỉ số sinh tồn.
Hiện, 4 bệnh nhân thoát nguy kịch, tiếp tục theo dõi để tránh biến chứng gan, thận...
Kíp cấp cứu chạy đua cứu 4 bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Video: Bệnh viện cung cấp
Củ ấu tẩu còn gọi là củ ấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A do chứa aconitin. Chất này ngấm rất nhanh qua da và niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây ngộ độc.
Đầu tiên, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi tê môi, lưỡi, họng và mặt, đôi khi đầu như to ra. Nhiều trường hợp bị rối loạn hô hấp như khó thở, nhịp thở chậm, tăng tiết gây ứ đọng khí phế quản, ngừng thở hoặc rối loạn nhịp tim, tử vong.
Triệu chứng khác thường gặp là người bệnh thấy lo sợ, khó chịu, buồn bã chân tay, sau đó có các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt.
Khi phát hiện bị ngộ độc rượu ấu tẩu, cần gây nôn, sau đó đến bệnh viện. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà tự theo dõi và điều trị, dẫn đến suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim và tử vong.
Tuyệt đối không uống rượu ngâm củ ấu tẩu hay các loại rễ cây không rõ nguồn gốc. Các loại rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.