4 triệu chứng ban đầu dễ bị xem nhẹ của bệnh trầm cảm, người trẻ thường xuyên áp lực, làm việc quá sức cần đặc biệt chú ý

Vẫn còn rất nhiều người xem nhẹ bệnh trầm cảm mà không biết rằng nó có thể “tàn phá” và giết chết con người. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó, nhất là người trẻ tuổi học tập, làm việc quá sức.

Suy nghĩ tiêu cực, buồn bã là những cảm xúc hết sức tự nhiên của con người trong cuộc sống, Tuy nhiên, trạng thái cảm xúc này có thể trở thành bệnh lý rối loạn trầm cảm. Đó là khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động hằng ngày.

Bất ai cũng có thể mắc trầm cảm, nhưng không phải người nào cũng đủ kiến thức, dũng cảm để phát hiện hay thừa nhận nó. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh. Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra 4 triệu chứng ban đầu phổ biến nhất để mỗi chúng ta lưu ý:

1. Tâm lý tiêu cực

Suy nghĩ, tâm lý, thậm chí hành động tiêu cực liên tục là 1 trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của trầm cảm. Ban đầu, bệnh nhân sẽ thường thấy nhạy cảm với mọi sự việc, bức bối, cảm xúc tiêu cực, dễ khóc. Sau đó cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thấy mình vô dụng, tự ti... dẫn đến cảm giác tuyệt vọng. Lúc này, họ có thể tự gây thương tích cho bản thân, nguy hiểm hơn là suy nghĩ đến cái chết và tự sát.

4 triệu chứng ban đầu dễ bị xem nhẹ của bệnh trầm cảm, người trẻ thường xuyên áp lực, làm việc quá sức cần đặc biệt chú ý - Ảnh 1.

Ngược lại, tâm lý tiêu cực ở 1 số bệnh nhân trầm cảm lại sinh ra cáu kỉnh, dễ kích động, thù hằn. Những điều nhỏ nhặt vô cùng cũng khiến họ khó chịu dù trước đây không như vậy. Đôi khi đi kèm sự tức giận là suy nghĩ tự làm hại bản thân hoặc mong muốn làm hại người khác. Nếu bạn đang trải qua những cảm xúc trên quá 2 tuần, hãy tìm sự trợ giúp từ bác sĩ ngay lập tức.

2. Mất hứng thú và sự tập trung

Thực tế cho thấy, người trầm cảm thường có biểu hiện suy giảm, thậm chí không còn hứng thú với công việc, cuộc sống hay những thú vui, sở thích trước đây. Họ luôn có cảm giác mỏi mệt, trống rỗng, mất động lực sống, không quan tâm đến mọi người xung quanh, kể cả gia đình. Phần lớn nam hay nữ đều giảm mạnh hoặc mất ham muốn tình dục.

4 triệu chứng ban đầu dễ bị xem nhẹ của bệnh trầm cảm, người trẻ thường xuyên áp lực, làm việc quá sức cần đặc biệt chú ý - Ảnh 2.

Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm còn rất khó tập trung. Dù là trong công việc, học tập hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Những triệu chứng trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Họ thường gặp khó khăn khi đưa ra quyết định giải quyết vấn đề, thậm chí dù là những việc đơn giản.

3. Rối loạn giấc ngủ

Theo các chuyên gia, mất ngủ là dấu hiệu trầm cảm đầu tiên và phổ biến ở nhiều người. Có đến 95% bệnh nhân trầm cảm gặp tình trạng mất ngủ kéo dài và hình thành bệnh. Nói cách khác, mất ngủ và bệnh trầm cảm tác động qua lại, mất ngủ lâu ngày dễ gây trầm cảm và trầm cảm sinh ra mất ngủ, bệnh càng trầm trọng hơn.

4 triệu chứng ban đầu dễ bị xem nhẹ của bệnh trầm cảm, người trẻ thường xuyên áp lực, làm việc quá sức cần đặc biệt chú ý - Ảnh 3.

Ở giai đoạn đầu, phần lớn người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ liên tục nhưng lại không ngủ được. Vào ban đêm, họ thường suy nghĩ nhiều trước khi ngủ và rất khó đi vào giấc ngủ. Khi ngủ rồi cũng dễ bị tỉnh giấc nhiều lần, ngủ dậy thấy mệt mỏi, đau nhức. Khi bệnh nặng, nhiều người chỉ ngủ từ 2 giờ mỗi ngày hoặc thức trắng cả đêm và ngày.

4. Rối loạn cơ thể

Trầm cảm cũng có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất. Trong 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dialogues in Clinical Neuroscience, 69% những người trầm cảm đã có cảm giác đau nhức cơ thể dù có kết quả bình thường khi khám sức khỏe. Rối loạn tâm trạng có thể xuất hiện kèm với các triệu chứng khác như đầy hơi, đau lưng, đau khớp.

Thay đổi thói quen ăn uống hay cân nặng 1 cách đột ngột cũng là biểu hiện hay gặp ở giai đoạn đầu của bệnh. Một số người trở nên ăn nhiều hơn khi họ mắc trầm cảm nhưng số khác lại đột nhiên chán ăn, ăn gì cũng không ngon miệng.

4 triệu chứng ban đầu dễ bị xem nhẹ của bệnh trầm cảm, người trẻ thường xuyên áp lực, làm việc quá sức cần đặc biệt chú ý - Ảnh 4.

Trầm cảm có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm cả di truyền, chấn thương hoặc bệnh lý não bộ… Nhưng ở người trẻ, chủ yếu là do áp lực lâu ngày, làm việc hay học tập quá sức, tác động từ xã hội hoặc sang chấn tâm lý.

Bác sĩ nhắc nhở nhóm dễ mắc trầm cảm này hãy học cách sắp xếp công việc và nghỉ ngơi phù hợp. Ăn uống khoa học, tập thể thao hằng ngày và tìm cho mình những sở thích lành mạnh, những người bạn có thể sẻ chia. Khi có 1 trong 4 dấu hiệu trên kéo dài quá 2 tuần thì tốt nhất nên nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia y tế.

Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, WHO

https://ahadep.com/4-trieu-chung-ban-dau-de-bi-xem-nhe-cua-benh-tram-cam-nguoi-tre-thuong-xuyen-ap-luc-lam-viec-qua-suc-can-dac-biet-chu-y-20220224101839412.chn