Các thành phần chính của ô nhiễm không khí bao gồm khí NO, Ozon, các hạt rắn và lỏng lơ lửng (trong đó nguy hiểm nhất là hạt bụi mịn PM2.5) và nhiều thành phần khác.
Bụi mịn PM2.5 và PM1.0 xâm nhập vào cơ thể người thông qua hệ thống hô hấp khi con người hít thở, tùy vào kích thước của hạt bụi thì mức độ xâm nhập sẽ có sự khác nhau. Trong khi bụi mịn PM 1.0 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi, thì bụi mịn pm2.5 lại nguy hiểm hơn vì chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh.
5 lầm tưởng liên quan đến ô nhiễm không khí thường gặp.
Đeo nhiều khẩu trang càng có tác dụng "lọc" không khí?
Khẩu trang là vật bất ly thân của nhiều người khi ra đường, đặc biệt trong thời tiết lạnh giá như hiện nay. Có người lo lắng cho sức khỏe, đeo 2-3 lớp khẩu trang hoặc lót thêm giấy. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng cải thiện tác hại của bụi mịn so với việc đeo một lớp khẩu trang tiêu chuẩn. Đôi khi, còn gây cảm giác ngột ngạt, khó chịu cho người đeo. Trong điều kiện sống tại vùng có mức độ ô nhiễm không khí thấp, môi trường thông thoáng, chỉ cần dùng một khẩu trang y tế. Những ngày ô nhiễm không khí nặng hoặc sống tại khu vực gần nhà máy, nút giao thông… cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng có tác dụng lọc bụi mịn như N95,… Sử dụng mặt nạ chuyện dụng là không cần thiết trong cộng đồng, trừ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Chú ý để khẩu trang phát huy hiệu quả, cần chọn loại ôm khít mặt từ các nhà sản xuất uy tín, có đủ 5 lớp trong đó có lớp màng lọc bụi.
Sống trên tầng cao thì ít bị ô nhiễm không khí?
Sống trên các căn hộ cao tầng mang lại cảm giác khói bụi ở xa và ít ảnh hưởng đến chúng ta. Điều này có hoàn toàn đúng? Một nhóm tác giả Smart Air đã thử nghiệm bằng cách sử dụng máy đếm hạt laser từ tầng 1 đến tầng 22 của tòa chung cư ở Bắc Kinh vào mùa hè. Kết quả cho thấy, hạt có kích thước < 0,5 micromet, tương đương với kích thước của vi khuẩn hoặc các loại hạt nhỏ từ khói xe ô tô, ở trên cao lại nhiều hơn. Với các hạt có kích thước > 2,5 micromet, tương đương hạt phấn hoa và bụi thì ở dưới lại cao hơn owe trên cao một chút. Điều đó cho thấy, ở trên cao cũng bị ảnh hưởng bởi hạt bụi mịn của ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, còn phụ thuộc vào hướng gió và mức độ thông khí của tòa nhà. Nếu căn hộ ở tầng cao nằm ở hướng gió của nhà máy điện than hoặc ngành công nghiệp thải ra khí qua ống khói cao thì chất lượng không khí có thể kém hơn so với mặt đất.
Không tập thể dục trong những ngày ô nhiễm không khí nặng?
Vào những ngày mức độ ô nhiễm nặng, nhiều người lựa chọn ở nhà và ngừng tập thể dục. Tuy nhiên, việc tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thậm chí. Các đánh giá rủi ro của Châu Âu cho thấy, lợi ích về bệnh tim mạch của việc tập thể dục mang lại còn lớn hơn nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tiếp xúc với ô nhiễm không khí liên quan đến việc đạp xe dọc theo đường đô thị. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để chứng minh.
Ảnh: Quý Nguyễn
Bộ y tế khuyến nghị vào những ngày ô nhiễm không khí, nên tránh các hoạt động ngoài trời kéo dài và mạnh mẽ. Thay vào đó, các hoạt động thể chất mạnh mẽ, ngắt quãng, lặp đi lặp lại trong nhà, dù chỉ kéo dài 4-5 phút cũng có lợi cho sức khỏe như đi bộ nhanh, leo cầu thang, mang vác đồ nặng, làm việc nhà…
Chỉ rửa mặt sau khi đi ngoài đường về?
Điều này là chưa đủ để loại bỏ bụi. Sau khi ra ngoài về, cần rửa mặt, rửa tay. Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính khi ra ngoài và nhỏ nước muối sinh lý. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm hàng ngày.
Hiện nay, chưa có phương pháp "thải độc" nào được chứng minh là có hiệu quả trong việc loại bỏ các tác hại do ô nhiễm không khí gây ra. Ví dụ như việc bổ sung chất chống oxy hóa có trong mần bông cải xanh hay bổ sung dầu cá, củ cải đường và các thực phẩm giàu nitrat khác trong chế độ ăn, đều chưa được chứng minh trên diện rộng.
"Thải độc" do ô nhiễm không khí?
Aspirin được khuyến cáo rộng rãi và có hiệu quả trong việc dự phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tuy nhiên, việc sử dụng cần được cân nhắc giữa lợi ích và ruiur ra, cũng như cần thời gian để chứng minh hiệu quả.
Do vậy, cách tốt nhất để giảm tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe là giảm thiểu nguồn khí thải ra ngoài môi trường. Với các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền hay trẻ em, cần chủ động phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y Tế như đeo khẩu trang, làm sạch không khí trong nhà, vệ sinh mũi họng, ăn uống cân bằng…