Thừa cân hoặc béo phì là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền, hành vi và môi trường. Và mặc dù có vô số chế độ ăn kiêng, chiến lược, thuốc và thiết bị giảm cân được cung cấp cho mọi người ngày nay, nhưng điều quan trọng cần biết là giảm cân lành mạnh đòi hỏi những thay đổi toàn diện về lối sống, bao gồm cả một chế độ ăn uống cân bằng.
Để giảm cân theo cách tự nhiên, hãy khám phá nhiều loại thực phẩm và hương vị tự nhiên để kiểm soát sự thèm ăn của bạn một cách không có rủi ro, thay vì kìm hãm sự thèm ăn của bạn bằng các loại thuốc có thể mang lại tác dụng phụ.
Theo tờ The Epoch Times, có 5 loại thực phẩm giúp ngăn chặn sự thèm ăn của bạn một cách an toàn, từ đó mang lại hiệu quả giảm cân rõ rệt.
1. Hạt tiêu đen
Piper nigrum, thường được gọi là tiêu đen, là một loại thảo mộc rất có uy tín trong hệ thống y học truyền thống của Ấn Độ Ayurveda. Phần lớn lợi ích của nó đến từ thành phần piperine, một chất tăng cường sinh khả dụng và một chất chống béo phì tiềm năng. Các loại gia vị cay nồng như tiêu đen cũng có tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn.
Một nghiên cứu năm 2018 đã thử nghiệm điều này, đánh giá xem việc tiêu thụ đồ uống làm từ hạt tiêu đen có ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, lượng đường sau ăn, hormone đường ruột, chức năng tuyến giáp và sức khỏe đường tiêu hóa hay không sau khi ăn một bữa ăn "thử thách" bánh mì trắng với 50g carbs.
Trong nghiên cứu liên quan đến 16 đối tượng khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu kết luận rằng đồ uống tiêu đen có thể có lợi cho việc điều chỉnh sự thèm ăn. Theo nghiên cứu, đồ uống điều chỉnh sự thèm ăn bằng cách giảm cảm giác đói, ham muốn ăn và "khả năng tiêu thụ", đồng thời tăng cảm giác no.
2. Cải bó xôi
Một nghiên cứu dài hạn trên người từ Đại học Lund ở Thụy Điển cho thấy chiết xuất từ rau bina (cải bó xôi) có chứa màng lá xanh được gọi là thylakoid làm giảm cảm giác đói cồn cào lên đến 95%, cũng như tăng giảm cân ở mức 43%.
Hedonic đói (tạm dịch: hưởng thụ cơn đói) là cảm giác thèm ăn của mọi người đối với các loại thực phẩm không lành mạnh như đồ ngọt hoặc đồ ăn vặt. Trong nghiên cứu, thylakoid giúp tăng cường sản xuất hormone tạo cảm giác no trong cơ thể, giúp kiểm soát sự thèm ăn tốt hơn và tăng giảm cân.
Charlotte Erlanson-Albertsson, tác giả của nghiên cứu trên và là giáo sư tại Đại học Lund, chia sẻ với tờ Science Daily: "Các phân tích của chúng tôi cho thấy rằng uống đồ uống có chứa thylakoids trước bữa sáng làm giảm cảm giác thèm ăn và giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn cả ngày".
Trong một nghiên cứu trên động vật, các tác giả đã đánh giá tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn của chiết xuất từ lá rau bina giàu flavonoid. Rau bina được chứng minh một tác dụng đầy hứa hẹn là giải phóng cholecystokinin nhanh hơn mức bình thường, tạo ra một tín hiệu cảm giác no trong thời gian ngắn. Điều này có thể là do hàm lượng flavonoid cao, các tác giả nói thêm.
3. Thìa là
Thìa là, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), là một loại cây thuốc cổ xưa có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Một nghiên cứu trên động vật về ảnh hưởng của thìa là đối với trọng lượng cơ thể, tỷ lệ hiệu quả thức ăn nạp vào thức ăn và leptin huyết thanh cho thấy nó có thể làm giảm tốc độ hiệu quả của thức ăn - hoặc phần trăm lượng thức ăn được lưu trữ dưới dạng chất béo - ở các đối tượng.
Trong nghiên cứu ở những phụ nữ thừa cân ở Hàn Quốc, 9 đối tượng khỏe mạnh được uống trà thìa là, trà cỏ ca ri (khổ đậu) hoặc trà giả dược, sau đó được phục vụ bữa trưa tự chọn, lượng thức ăn của họ được phân tích. Các nhà nghiên cứu đo lường sự thèm ăn chủ quan, cảm giác đói, no, ham muốn ăn và lượng thức ăn tiềm năng.
Uống trà thìa là và cỏ ca ri đã hỗ trợ đáng kể trong việc ngăn chặn sự thèm ăn chủ quan của những người tham gia. So với giả dược, trà thìa là giúp giảm cảm giác đói và hấp thụ thức ăn tiềm năng cũng như cảm giác no lâu hơn.
4. Hạt lanh
Là một loại cây lương thực giàu chất xơ và chất béo omega-3, hạt lanh cũng được khám phá rộng rãi để ngăn chặn sự thèm ăn.
Trong hai nghiên cứu ngẫu nhiên với 24 và 20 đối tượng, một liều nhỏ chất xơ hạt lanh đã ức chế đáng kể sự thèm ăn cùng với năng lượng nạp vào. Được dùng dưới dạng đồ uống hoặc viên nén, chất xơ hạt lanh tạo ra các phản ứng tương tự.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, bốn bữa ăn khác nhau đã được thử nghiệm ở 18 nam thanh niên trong một nghiên cứu. Các bữa ăn thử nghiệm được phục vụ sau một đêm nhịn ăn, với hạt lanh ở các dạng khác nhau là nguồn cung cấp chất xơ. Các phát hiện cho thấy rằng chất xơ trong hạt lanh có thể ngăn chặn chứng mỡ máu sau ăn, sự gia tăng chất béo trung tính trong máu sau khi ăn, cũng như cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, lượng năng lượng sau đó không bị ảnh hưởng.
5. Sữa chua
Một sản phẩm sữa lên men được coi là nguồn dinh dưỡng và thực phẩm thiết yếu, bằng chứng lâm sàng gần đây cho thấy sữa chua có liên quan đến việc kiểm soát trọng lượng cơ thể, do đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các yếu tố tác động bao gồm thành phần độc đáo của sữa chua, bao gồm cả vi khuẩn axit lactic, có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Ăn sữa chua có thể dẫn đến giảm mỡ trong cơ thể, giảm lượng thức ăn, tăng cảm giác no và thay đổi phản ứng hormone đường ruột.
"Hàm lượng năng lượng, chất dinh dưỡng tương đối và sự đóng góp của một phần sữa chua tiêu chuẩn vào chế độ ăn uống tổng thể cho thấy rằng tỷ lệ phần trăm hàng ngày của các chất dinh dưỡng này góp phần lớn vào nhu cầu chất dinh dưỡng và đóng góp mạnh mẽ vào việc điều chỉnh chuyển hóa năng lượng", các tác giả của nghiên cứu này cho biết.
Nguồn và ảnh: The Epoch Times, Science Daily, Nature