1. Chế độ ăn uống
Việc kiểm soát và chú ý tới những gì mình ăn là một trong những điều quan trọng nhất để kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này được quyết định bởi carbohydrate (đường và tinh bột trong thức ăn).
Nếu ăn tinh bột đường trong giới hạn cho phép, nó sẽ không ảnh hưởng tới đường huyết. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá nhiều carbohydrate có trong cơm trắng, bánh mì, thực phẩm chiên rán… nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Thay vào đó, bạn nên chọn các loại carbohydrate tốt như ngũ cốc chưa qua chế biến (lúa mạch, hạt quinoa, bánh mì nguyên cám, đậu, gạo lứt…) để tiêu thụ. Những loại thực phẩm này không chỉ kiểm soát được lượng đường huyết mà còn tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng tới chất xơ trong thực phẩm vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu. Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít đường (táo và việt quất), sữa chua và đậu cũng là những lựa chọn tốt. Đặc biệt, đối với trái cây nên hạn chế ăn nhiều cùng lúc và ăn ít những loại quả có hàm lượng đường cao như dưa hấu, chuối…
2. Ngủ quá ít
Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn cảm thấy buồn ngủ mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và làm tăng lượng đường trong máu.
Trong một nghiên cứu có liên quan, các nhà khoa học yêu cầu những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm trong 6 ngày liên tiếp. Vào cuối cuộc nghiên cứu, họ thấy khả năng phân hủy glucose trong cơ thể của những người này đã giảm trung bình 40%.
Tại sao như vậy? Các nhà khoa học tin rằng, khi con người chìm vào giấc ngủ sâu, hoạt động của hệ thần kinh sẽ chậm lại và não sử dụng ít lượng đường trong máu hơn.
Vì thế, bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc nếu muốn kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, bạn nên chú tới việc duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, không sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ để cơ thể được thư giãn hoàn toàn.
3. Tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện insulin.
Nếu không thường xuyên tập thể dục, lượng đường trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng. Thế nhưng, tập luyện quá sức cũng có thể gây ra những tác động tương tự.
Mặc dù như vậy không có nghĩa là bạn không tập thể dục. Việc vận động cơ thể thích hợp là một trong những cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe tổng quát. Tùy theo tình trạng đường huyết như thế nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bài tập phù hợp với bản thân.
4. Căng thẳng thường xuyên
Căng thẳng là phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy ở con người khiến cơ thể hành động như thể đang bị tấn công. Khi phản ứng này xảy ra, nồng độ hormone trong cơ thể tăng cao, cơ thể đốt cháy các nguồn năng lượng dự trữ như glucose và chất béo để đối phó với các mối đe dọa.
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao do insulin không thể phân hủy glucose.
Căng thẳng cũng có thể gián tiếp khiến lượng đường trong máu tăng cao. Khi bị căng thẳng, người bệnh thường ít chú ý tới việc ăn uống điều độ, tập thể dục hay dùng thuốc. Điều này phần nào khiến cho đường huyết không ổn định và có thể trầm trọng thêm.
Bạn có thể học cách thư giãn và thử một thứ gì đó như thiền, yoga hoặc mát-xa để cải thiện tình trạng của bản thân.
5. Một số loại thuốc
Chúng ta đều biết rằng, insulin có thể làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ một liều hoặc sử dụng thuốc sai liều lượng, nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Một số loại thuốc chẳng hạn như corticosteroid, cũng có thể có tác dụng tương tự. Các loại thuốc khác có thể làm tăng lượng đường trong máu bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị trầm cảm, thuốc hạ huyết áp.
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào ở trên và nhận thấy rằng, lượng đường trong máu tăng lên, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để có những biện pháp cải thiện tình hình.