Sỏi là những hạt cứng tạo thành từ các chất khoáng và muối trong cơ thể. Sỏi có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau như sỏi thận, sỏi mật, sỏi tuyến nước bọt,... Nguyên nhân hình thành sỏi được giải thích có thể là do sự mất cân bằng giữa các chất khoáng và chất lỏng trong cơ thể dẫn tới hình thành kết tủa và tạo sỏi. Sự hiện diện của sỏi trong cơ thể có thể gây đau, viêm nhiễm và cản trở quá trình bài tiết bình thường của cơ thể.
Dưới đây là những vị trí cơ thể có thể hình thành sỏi và triệu chứng nhận biết nhanh mà bạn có thể tham khảo:
1. Sỏi thận
Sỏi thận hình thành do sự kết tủa và tập trung của các chất khoáng và muối trong nước tiểu, thường là calcium, oxalate và uric acid. Khi nước tiểu có chứa lượng chất cặn cao hơn lượng nước có thể hòa tan, hoặc nếu nước tiểu thiếu các chất ức chế sự hình thành sỏi, các hạt cứng bắt đầu hình thành.
Hình ảnh sỏi thận (Ảnh: ST)
Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận khác nhau, thường bao gồm việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu muối và protein, mất nước, các vấn đề về giải phẫu của hệ tiết niệu, rối loạn chuyển hóa, hoặc yếu tố di truyền.
Triệu chứng của sỏi thận có thể bao gồm đau dữ dội ở vùng lưng gần hông và bên xương sườn, đau khi đi tiểu, nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu do máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, buồn nôn và nôn mửa, cảm giác tiểu rắt hoặc tiểu không hết.
2. Sỏi amidan, họng
Amidan là một tổ chức hạch lympho nằm ở hầu họng có nhiệm vụ chính là bảo vệ cho cơ thể trước sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Cấu tạo tổ chức này gồm nhiều khe kẽ lồi lõm.
Sỏi amidan hình thành do sự tích tụ của các chất như thức ăn, tế bào chết, vi khuẩn, và các chất khác trong kẽ hở của amidan. Thông thường, amidan có thể tự làm sạch những chất này, nhưng đôi khi chúng cứng lại và tạo thành sỏi. Nguyên nhân của sỏi amidan có thể do việc không duy trì vệ sinh khoang miệng tốt thêm cấu tạo amidan có nhiều khe hở hoặc sự hiện diện liên tục của vi khuẩn và mảng bám.
Minh họa sỏi amidan (Ảnh: ST)
Triệu chứng của sỏi amidan có thể bao gồm hơi thở có mùi, đau họng, amidan sưng tấy có đốm trắng, khó nuốt hoặc cảm giác có dị vật trong cổ họng. Đôi khi sỏi amidan không gây ra triệu chứng gì và chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm hoặc chụp hình. Nếu sỏi to và gây ra triệu chứng khó chịu thì có thể cần đến phương pháp điều trị, như gắp sỏi ra hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
3. Sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang hình thành khi các khoáng chất trong nước tiểu, như canxi, oxalate và uric acid, kết tủa và tạo thành các mảnh cứng trong bàng quang. Quá trình này thường xảy ra do việc nhịn tiểu trong thời gian dài, mất nước, nhiễm trùng tiểu hoặc tình trạng tiểu không hết. Đôi khi sỏi bàng quang cũng hình thành do một viên sỏi thận nhỏ trượt xuống bàng quang và tiếp tục to lên.
Sỏi bàng quang (Ảnh: WebMD)
Triệu chứng của sỏi bàng quang có thể bao gồm:
- Cảm giác đau khi tiểu.
- Tiểu ra máu hoặc tiểu có màu đục.
- Cảm giác tiểu không hết hoặc thường xuyên cảm thấy buồn tiểu.
- Đau ở vùng bụng dưới khi đi tiểu.
4. Sỏi túi mật
Sỏi túi mật, hay còn gọi là sỏi mật, thường hình thành khi chất cholesterol hoặc muối bilirubin trong mật tăng lên và không thể hòa tan hoàn toàn, dẫn đến sự kết tủa và tạo thành sỏi. Nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh, béo phì, giảm cân nhanh hoặc do di truyền. Nữ giới, người lớn tuổi và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh sỏi mật cũng có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn.
Sỏi mật có thể gây đau ở vùng hạ sườn phải (góc phần tư trên bên phải của bụng). Tuy nhiên, cơn đau cũng có khả năng lan ra vùng thượng vị (vùng bụng giữa hai xương sườn, trên rốn, dưới xương ức), lên vai phải, bả vai hoặc sau lưng.
Sỏi túi mật (Ảnh: ST)
Triệu chứng khác của sỏi mật có thể bao gồm buồn nôn và nôn, vàng da và vàng mắt nếu sỏi chặn dòng chảy của mật vào ruột. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sỏi túi mật không gây ra triệu chứng và chỉ được phát hiện thông qua các chẩn đoán hình ảnh. Bạn có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ túi mật nếu sỏi gây đau.
5. Sỏi tuyến tiền liệt
Sỏi tuyến tiền liệt hình thành khi các chất khoáng trong dịch tiết của tuyến tiền liệt kết tủa và lắng đọng, tạo thành các hạt cứng. Nguyên nhân có thể bao gồm việc dịch tiết bị ứ đọng, nhiễm trùng, viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc rối loạn chức năng của tuyến tiền liệt do lão hóa. Sỏi tuyến tiền liệt thường phổ biến hơn từ độ tuổi trung niên trở lên.
Triệu chứng của sỏi tuyến tiền liệt có thể không rõ ràng nhưng có thể bao gồm đau hoặc khó chịu trong vùng hông, tiểu khó, tiểu đau hoặc tiểu ra máu.
Sỏi tuyến tiền liệt (Ảnh: ST)
Thông thường bạn sẽ không cần điều trị vì chúng thường không gây ra triệu chứng. Nhưng đôi khi chúng có thể bị nhiễm trùng, gây viêm tuyến tiền liệt và các vấn đề về đường tiết niệu. Để giải quyết bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh hoặc điều trị khác.
6. Sỏi tuyến nước bọt
Sỏi tuyến nước bọt, hay còn gọi là sỏi tuyến nước miếng, hình thành khi các chất khoáng trong nước miếng, như canxi, tích tụ lại và kết tủa thành sỏi trong các ống dẫn nước bọt của tuyến nước bọt. Không rõ nguyên nhân tại sao sỏi tuyến nước bọt lại hình thành.
Sỏi tuyến nước bọt (Ảnh: ST)
Triệu chứng của sỏi tuyến nước bọt thường là đau và sưng tại mặt, miệng, cổ khi ăn hoặc uống, cảm giác khó chịu trong miệng, khó khăn khi mở miệng nói chuyện hoặc nuốt.
Sỏi tuyến nước bọt thường không nghiêm trọng và có thể dễ dàng loại bỏ nhờ uống nhiều nước hơn, nặn hoặc ngậm thứ gì đó có vị chua.
7. Sỏi tuyến tụy (sỏi tụy)
Sỏi tụy hình thành khi các chất cặn như canxi, mỡ và protein trong dịch tụy kết tủa lại và tạo thành sỏi cứng trong ống tụy hoặc tụy. Nguyên nhân có thể do dư lượng canxi trong máu cao (hypercalcemia), tăng mỡ trong máu (hyperlipidemia), sỏi mật, viêm tụy mãn tính hoặc thói quen thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn,...
Sỏi tụy (Ảnh: WebMD)
Triệu chứng của sỏi tụy bao gồm đau bụng dữ dội, đau có thể lan ra lưng hoặc vùng bụng trên, buồn nôn, nôn, đau bụng, mạch nhanh, sốt và jaundice (vàng da do tắc mật).
8. Sỏi hốc mũi
Sỏi hốc mũi, hay còn được gọi là sỏi mũi, hình thành khi các chất như canxi, phốt phát trong dịch mũi kết tủa và tạo thành sỏi. Nguyên nhân của việc hình thành sỏi mũi có thể do dị vật không được lấy ra; nhiễm trùng; viêm nhiễm mạn tính trong mũi hoặc các hốc xoang;...
Sỏi hốc mũi (Ảnh: WebMD)
Triệu chứng của sỏi mũi có thể bao gồm cảm giác đau hoặc khó chịu trong mũi, chảy nước mũi, hơi thở có mùi, dịch mũi có mùi hôi, dịch mũi có lẫn máu và đôi khi gây khó khăn trong việc thở nếu sỏi lớn và chắn đường thông không khí.
9. Sỏi tĩnh mạch
Sỏi tĩnh mạch hay còn được biết đến là các nốt vôi hóa do dị dạng tĩnh mạch hình thành. Ban đầu thường là các nốt mềm, dễ ấn xuống, theo thời gian máu sẽ di chuyển chậm hơn ở những khu vực đó và cuối cùng kết tủa lại và tạo sỏi.
Sỏi tĩnh mạch thường khiến màu da quanh miệng, môi, má, đầu và cổ bị thay đổi và gây đau.
Nếu thấy cơ thể có những cơn đau bất thường kèm theo các triệu chứng liên quan khác bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để được chỉ định kiểm tra và tìm ra nguyên nhân. Trong một số trường hợp sỏi có thể không gây nguy hiểm nhưng ngược lại, nhiều tình trạng sỏi cần phải can thiệp y tế sớm.
Nguồn: WebMD