Ăn chuối có an toàn cho bệnh nhân tiểu đường không?

Đối với hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường, trái cây là lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, chuối lại chứa khá nhiều đường và carbs, liệu nó có thực sự tốt cho bệnh nhân tiểu đường?

Theo NDTV Food, chuối rất bổ dưỡng, chúng rất giàu kali giúp giữ huyết áp trong tầm kiểm soát. Chuối cũng tốt cho hệ thần kinh và là một nguồn cung cấp vitamin B6 và vitamin C, có tác dụng kỳ diệu đối với các tế bào bạch cầu và khả năng miễn dịch.

Ăn chuối có an toàn cho bệnh nhân tiểu đường không? - 1

Ngoài đường và tinh bột, chuối còn chứa một số chất xơ khiến đường trong chuối được tiêu hóa và hấp thụ chậm hơn, điều này có thể ngăn ngừa sự tăng vọt của lượng đường trong máu. Ảnh: NHẬT LINH

Bên cạnh đó, chuối còn được biết là giúp giải phóng tryptophan, được chuyển đổi thành serotonin giúp bạn thư giãn. Chuối cũng khá linh hoạt, bạn có thể thêm chúng vào món salad, sinh tố lắc. Bạn có thể sử dụng chuối sống để chế biến một loạt các món cà ri và đồ ăn nhẹ. Nhưng nếu chuối tốt như vậy, chúng có phải là lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường?

“Chỉ số đường huyết của chuối ở mức cao và do đó bệnh nhân tiểu đường thường được yêu cầu theo dõi lượng tiêu thụ của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn về thời gian và lượng tiêu thụ để kiểm soát đường huyết và phương pháp điều trị”, Delnaaz T. Chanduwadia, chuyên gia dinh dưỡng trưởng tại Jaslok Hsopital and Research Center cho biết.

"Chuối rất giàu chất xơ hòa tan, kali, đường tự nhiên, 100 gam chuối chín cung cấp khoảng 100kcal, 23 g carbohydrate, 3 g chất xơ, 306 mg kali. Đây chính xác là nguồn cung cấp năng lượng tức thì, là một món ăn nhẹ lành mạnh trước khi tập luyện”, Sweedal Trinidade chuyên viên dinh dưỡng tại Bệnh viện Hinduja và MRC cho biết.

Chuyên gia Sweedal chia sẻ một số cách tuyệt vời để ăn chuối dành cho người bị tiểu đường như sau:

- Theo dõi lượng đường trong máu của bạn. Trong trường hợp lượng đường cao hơn mức cho phép thì chúng ta không nên ăn chuối.

- Không nên kết hợp chuối với bữa trưa hoặc bữa tối hay trong một bữa ăn giàu carbohydrate.

- Nên ăn chuối vào giữa bữa sáng để lượng calo được đốt cháy xuyên suốt.

- Kiểm soát kích thước khẩu phần ăn. Ăn một quả chuối nhỏ có tác động ít hơn đến lượng đường trong máu.

- Duy trì mức độ hoạt động của bạn để hỗ trợ độ nhạy với insulin.

Chuyên gia Sweedal khuyên rằng, việc tự theo dõi lượng đường trong máu và khẩu phần phù hợp giúp duy trì lượng đường trong máu. Tốt nhất là bạn nên tiêu thụ chuối một cách điều độ và đảm bảo rằng nó được thực hiện đúng cách.

Kết hợp chuối với các loại hạt là một ý tưởng hay có thể giúp cân bằng lượng đường huyết. Thêm chuối vào món salad với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp khác là một cách khéo léo để bổ sung dinh dưỡng từ chuối mà không có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu của bạn, theo NDTV Food.