Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Đây là loại bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới về số người mắc. Có 2 loại ung thư phổi chính, đó là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
(Ảnh minh họa).
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi:
1. Ho kéo dài lâu ngày, đặc biệt ho ra máu là dấu hiệu cảnh báo bạn mắc ung thư phổi. Bạn hãy đi khám, chụp X-quang kết hợp với xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân.
2. Đau tức ngực trong ung thư phổi có thể là do khối u xâm lấn rộng hoặc đã di căn hạch gây chèn ép các dây thần kinh, khiến người bệnh bị đau vùng ngực, lưng hoặc vai, nhất là khi hít thở sâu, ho, cười.
3. Khàn tiếng trên 2 tuần không khỏi, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân bởi trong ung thư phổi khối u có thể đã chèn vào dây thần kinh thanh quản làm biến đổi giọng nói người bệnh.
4. Thường xuyên khó thở, bạn cũng không nên chủ quan bởi nếu phổi có khối u có thể làm giảm thể tích thông khí dẫn đến khó thở.
5. Đau mỏi cơ thể, tình trạng này sẽ xuất hiện nếu khối u ở phổi to dần lên, chèn vào những dây thần kinh ở vị trí lưng, ngực,... khiến người bệnh mệt mỏi, giới hạn vận động.
Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu. Sàng lọc là tìm kiếm ung thư trước khi bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng gì. Sàng lọc giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, giúp tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cao hơn cho việc điều trị. Bởi vì khi bệnh nhân đã có triệu chứng, ung thư có thể đã bắt đầu lan rộng.
Trước đây việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phổi không được khuyến cáo vì chụp XQ phổi và làm tế bào học đờm chưa chứng minh làm giảm được tỉ lệ tử vong do ung thư phổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, một tỉ lệ lớn ung thư phổi được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính (CT) là những khối u ở giai đoạn đầu, có tiên lượng tốt, chứng minh làm giảm 20% tỉ lệ do ung thư phổi ở những người hút thuốc nặng được sàng lọc hàng năm trong 3 năm.
Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc điều trị bệnh ung thư phổi cũng trở nên dễ dàng hơn, một số phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi phổ biến hiện nay là:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Tuy nhiên phương pháp này không có tác dụng ở các giai đoạn sau của bệnh.
- Hóa trị: Phương pháp phổ biến được sử dụng để hạn chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị: Phương pháp sử dụng các tia phóng xạ có năng lượng cao để thu nhỏ khối u hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư ở khu vực được chiếu phóng xạ.
- Điều trị theo triệu chứng: Là phương pháp điều trị bổ sung, được sử dụng kết hợp với một hoặc nhiều các phương pháp ở trên để giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư phổi bằng các loại thuốc.